Theo quy định của Luật Viễn thông chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2010, tài nguyên Internet có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ sẽ được phân bổ theo hình thức đấu giá.
Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo văn bản hướng dẫn thực hiện đấu giá tài nguyên Internet có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Minh Tân, Phó giám đốc VNNIC cho biết, những tên miền.vn có 1 đến 2 ký tự ví dụ như www.1.vn hay www.hp.vn sẽ được phân bổ theo hình thức đấu giá công khai. Theo tính toán của ông Tân, sẽ có khoảng trên 1.000 tên miền thuộc dạng này được phân bổ theo hình thức đấu giá.
“Để tham gia đấu giá những tên miền có 1 đến 2 ký tự trên, các đơn vị tham gia đấu giá sẽ phải nộp một khoản tiền đặt cọc, với mức dự kiến tối thiểu bằng mức phí để duy trì tên miền đó trong vòng 1 năm”, ông Tân nói.
Hiện VNNIC dự kiến mức đặt cọc này khoảng 40 triệu đồng đối với tên miền có 1 ký tự và 10 triệu đồng đối với tên miền có hai ký tự và Bộ Tài chính sẽ là đơn vị quy định chi tiết và ban hành biểu phí này.
Cũng theo ông Tân, việc sở hữu tên miền có giá trị thương mại cao hay có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ cũng giống như việc sở hữu SIM điện thoại số đẹp. Những tên miền này sẽ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu.
Ngoài việc thực hiện đấu giá đối với những tên miền có giá trị thương mại cao, Luật Viễn thông cũng cho phép chuyển nhượng tên miền Internet (trừ các tên miền quốc gia Việt Nam dành cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác) theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, để được phép chuyển nhượng tên miền, ngoài việc phải có quyền sử dụng hợp pháp tên miền đó, các cá nhân, tổ chức muốn chuyển nhượng quyền sử dụng còn phải có được sự chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, các bên tham gia chuyển nhượng sẽ phải nộp thuế chuyển nhượng quyền sử dụng tài nguyên Internet.
Theo ông Tân, việc cho phép chuyển nhượng tên miền sẽ giảm thiểu được rủi ro cho các bên tham gia chuyển nhượng và giảm thiểu hình thức chuyển nhượng “chui” diễn ra hiện nay. “VNNIC sẽ phối hợp với các nhà đăng ký tên miền để giao dịch chuyển nhượng tên miền của các bên được đảm bảo”, ông Tân nói. Hiện việc chuyển nhượng tên miền vẫn được các tổ chức, cá nhân thực hiện “chui” dưới hình thức “thuận mua, vừa bán”.
Theo thống kê của VNNIC, tính đến hết tháng 3/2010, đã có gần 105.000 tên miền.vn được cấp, trong đó có khoảng trên 10.000 tên miền được cấp trong quý 1/2010.
Tính đến thời điểm này, VNNIC đã ký hợp đồng Nhà đăng ký tên miền với 14 đơn vị, trong đó có 9 nhà đăng ký trong nước và 5 nhà đăng ký nước ngoài. Cũng theo thống kê của VNNIC, hiện FPT đang là nhà đang ký tên miền.vn chiếm thị phần cao nhất với 23,2%, tiếp đến là PA Việt Nam với 20,9%, Mắt Bão 14,7%, Hi-Tek 10,9%, VDC với hơn 9%...
Trước đó, để tập trung quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động đăng ký tên miền quốc gia.vn VNNIC đã rà soát và chấm dứt hợp đồng với 4 nhà đăng ký tên miền.
Theo baodautu.vn