|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Khoa Hàng không vũ trụ, Học viện Kỹ thuật quân sự. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Ngày 19/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc tại Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng) về việc thành lập Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn.
Học viện sẽ cung cấp một phần đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng, để phối hợp với các trường đại học kỹ thuật uy tín hàng đầu của LB Nga thành lập Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn.
Trong 5 năm đầu (2010-2015), trường tổ chức đào tạo từ 10-15 chương trình. Giai đoạn 2 (2015-2020) sẽ trở thành trường đại học công nghệ đa ngành với các chương trình đào tạo tiên tiến nhất. Theo kế hoạch, giai đoạn 2020-2025, trường sẽ trở thành đại học nghiên cứu đa ngành có uy tín trong khu vực và quốc tế.
Trao đổi với các cán bộ, giảng viên của Học viện Kỹ thuật quân sự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần sớm tuyển sinh Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn để phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Việc đưa Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn thành cơ sở đào tạo có chất lượng nghiên cứu khoa học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam không chỉ củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác chiến lược giữa Nhà nước, các trường đại học của Việt Nam và LB Nga mà còn khẳng định mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa quân đội hai nước trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự.
Phó Thủ tướng gợi ý, giai đoạn đầu Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn chỉ nên triển khai đào tạo thật tốt từ 5-7 chương trình. Bên cạnh đó cần tập trung xây dựng một trung tâm dạy và bồi dưỡng tiếng Nga đủ mạnh để giảng viên và giáo viên tiếp cận đầy đủ với hệ thống giáo trình của phía Nga.
|
Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự Phạm Thế Long giới thiệu mô hình lái tàu mô phỏng. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Trung tướng Phạm Thế Long, Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ dành cho Học viện Kỹ thuật quân sự, nhất là việc Chính phủ đã chọn Học viện làm cơ sở để thành lập Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn và đưa trường đại học này thành trung tâm nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu làm chủ và phát triển của khoa học công nghệ của Việt Nam.
Trung tướng Phạm Thế Long cho biết, việc thành lập Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn sẽ gặp nhiều thuận lợi do mối quan hệ giữa Học viện Kỹ thuật quân sự và các đối tác LB Nga (Đại học Kỹ thuật Bauman, ĐH Hàng không MAI, ĐH Kỹ thuật Tula)… hiện đang tiến triển rất tốt.
Trong những năm đầu tiên, Đại học Lê Quý Đôn sẽ tập trung đào tạo những ngành mũi nhọn và có thế mạnh như đóng tàu, hàng không, tên lửa… Ngôn ngữ giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Nga. Bằng cấp, tín chỉ của Đại học Lê Quý Đôn được LB Nga và Việt Nam công nhận.
Theo Website Chinhphu.vn