Hồi năm 2000, các hãng viễn thông Đức đã nếm phải “trái đắng” khi đua nhau đổ tiền để đấu giá quyền sử dụng băng tần 3G nhưng sau đó đã phải “chết chìm” trong biển nợ nần khi công nghệ 3G không mang lại nhiều lợi nhuận như họ kỳ vọng.
Đúng 10 năm sau, ngày 12/4 tại thành phố Mainz (Đức) các giấy phép khai thác băng tần 4G lại được đưa lên sàn đấu giá và các hãng di động lại tiếp tục “háo hức” như xưa. Chính phủ Đức kỳ vọng sẽ thu về khoảng 50 tỷ euro (khoảng 67 tỷ USD) từ cuộc đấu giá này.
Dẫn đầu cuộc đấu giá này vẫn là 2 hãng viễn thông di động lớn nhất châu Âu Vodafone và T-Mobile với việc mỗi hãng sẽ phải chi ra từ 5-10 tỷ euro để giành lấy một giấy phép cho mình.
"Nhu cầu đang vượt xa khả năng cung cấp", Matthias Kurth, người đứng đầu cơ quan quản lý viễn thông Đức đồng thời là nhà tổ chức cuộc đấu giá này nói đồng thời cho biết thêm rằng cả Vodafone và T-Mobile đều đang cạnh tranh với nhau một cách quyết liệt nhằm có được “miếng bánh lớn” mang tên 4G.
Công nghệ 4G (Long Term Evolution - LTE), được cho là sẽ tạo ra một cuộc cách mạng thực sự đối với ngành công nghiệp viễn thông di động. LTE sẽ phá vỡ tất cả những ngưỡng giới hạn của công nghệ truyền tải dữ liệu hiện nay và biến những chiếc smartphone trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều trong các khả năng lướt web.
Một ưu điểm nữa của công nghệ 4G là nó sẽ cho phép phủ sóng Internet tốc độ cao đến tất cả những vùng xa xôi, hẻo lánh hoặc địa hình khó khăn của các quốc gia.
Các chuyên gia viễn thông cũng dự báo, sự xuất hiện của công nghệ 4G sẽ đẩy các nhà mạng viễn thông và Internet cố định vào một bài toán “tồn tại hay không tồn tại” bởi khi đó cả điện thoại và máy tính (PC) đều có thể dùng 4G để thay thế các kết nối truyền thống.
"Với LTE, các nhà mạng di động sẽ trở thành một đối thủ rất nguy hiểm đối với các hãng DSL", Herbert Merz, giám đốc hiệp hội công nghệ cao Bitkom (Đức) nhận định
Theo Ictnews