Trong đó, đầu tư xã hội là 160 triệu USD (20USD x 8 triệu hộ nếu toàn bộ số hộ này sử dụng truyền hình mặt đất), còn đầu tư từ ngân sách và doanh nghiệp là 4.393 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc chuyển đổi phương thức truyền dẫn phát sóng truyền hình sẽ tác động không chỉ đến ngân sách Nhà nước mà còn tác động đến doanh nghiệp, đặc biệt tác động lớn đến người dân. Do vậy, cần xác định tổng chi phí của toàn xã hội phải bỏ ra so với lợi ích mang lại để thực hiện đảm bảo hiệu quả của việc chuyển đổi.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT khẳng định người dân và doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn. Người dân không phải mua ti vi mới mà chỉ đầu tư thêm bộ chuyển đổi với giá khá rẻ. Các doanh nghiệp sản xuất tivi hầu như không bị ảnh hưởng bởi chỉ cần sản xuất và tích hợp thêm bộ giải mã tivi để thu truyền hình số với chi phí khá rẻ.
Một vấn đề khác nữa liên quan tới tài chính cũng đã được đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề cập, đó là nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước hàng năm rất hạn chế nên cần làm rõ các phương án huy động vốn hợp pháp; xây dựng cơ chế cụ thể khuyến khích, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng truyền hình số.
Làm rõ vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết Đề án chỉ sử dụng 1.322 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2011 – 2020 (chiếm 30% tổng kinh phí của Đề án).
Được biết, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước được trích từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, căn cứ theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội thống kê hàng năm. Đề án chỉ nêu dự toán và sẽ được điều chỉnh theo kế hoạch hàng năm.
Dự kiến ngày 20/4/2010, Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo taichinhdientu.vn