Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 422/CT-TTg về việc tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông (VT). Chỉ thị này yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải phối hợp với các DN viễn thông sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật điện lực, đặc biệt là hệ thống cột điện với giá thuê trên cơ sở giá thành, hợp tác cùng phát triển và vì lợi ích công cộng.
Theo chỉ thị, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành cơ chế, nguyên tắc kiểm soát và quản lý giá thuê hạ tầng kỹ thuật công cộng (xây dựng, giao thông, điện lực, cấp nước, thoát nước, viễn thông, phát thanh truyền hình) trên cơ sở thúc đẩy dùng chung; tiết kiệm, hiệu quả trong đầu tư và giữ sạch, đẹp cảnh quan môi trường.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công thương ban hành hướng dẫn quy hoạch, thiết kế, thi công hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động kết hợp với các công trình hạ tầng kỹ thuật xây dựng, giao thông, điện lực, cấp nước, thoát nước; hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương; bổ sung, hoàn chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng và lắp đặt công trình viễn thông, đặc biệt là mạng ngoại vi (ăng ten, cáp, đường dây thuê bao…).
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo các DN viễn thông tăng cường hợp tác sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là cột ăng ten, nhà trạm, cống bể cáp trên nguyên tắc đàm phán cùng có lợi; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xây dựng hạ tầng viễn thông, đặc biệt là mạng ngoại vi và cột ăng ten; đồng thời tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để sử dụng chung cho nhiều DN theo quy hoạch và chính sách xã hội hóa về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của địa phương.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ngành viễn thông được xác định là ngành kinh tế kỹ thuật dịch vụ thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, đồng thời là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trong những năm gần đây, sự phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đã góp phần thúc đẩy các dịch vụ viễn thông phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, việc phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông vẫn còn nhiều hạn chế như: nhận thức chưa thống nhất; cơ chế, chính sách, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ; một số quy định quản lý chưa cụ thể và sử dụng chưa hiệu quả; công tác thực thi pháp luật còn nhiều bất cập.
Theo ictnews