Thứ tư, 24/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 03/04/2010
Nâng cao hiệu quả hoạt động các điểm bưu điện - văn hóa xã

Phòng đọc sách, báo của điểm bưu điện -Văn hóa
xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (Điện Biên)
Năm 1998, mô hình điểm bưu điện - văn hoá xã (BÐ-VHX) chính thức ra đời và được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước. Bằng việc cung cấp nhiều dịch vụ bưu chính, viễn thông, đọc sách báo miễn phí... điểm BÐ-VHX đã đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, mô hình này đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục.

Hiệu quả kinh doanh giảm


Nằm gần sát trung tâm thị xã Bắc Cạn (tỉnh Bắc Cạn) nhưng điểm BÐ-VHX Dương Quang trở nên vắng vẻ, heo hút khi cả ngày chẳng có ai vào. Chị Nguyễn Thị Xuân, nhân viên điểm BÐ-VHX Dương Quang nói: "Cả ngày, trung bình chỉ có năm lượt người đến. Trước đây, doanh thu bình quân một tháng của điểm BÐ-VHX này là 400 đến 500 nghìn đồng/tháng nhưng nay giảm chỉ còn khoảng 100 nghìn đồng/tháng". Cũng giống như chị Xuân, chị Bàn Thị Ðào (người dân tộc Dao), nhân viên điểm BÐ-VHX Tân Tiến (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn) cho biết, có ngày chẳng có ai đến điểm BÐ-VHX. Gia đình chị tự nguyện hiến đất làm điểm BÐ-VHX, trước đây rất đông bà con lui tới nhưng nay thì ngược lại. Riêng doanh thu dịch vụ điện thoại tại điểm BÐ-VHX này đã giảm từ 700 đến 800 nghìn đồng/tháng xuống chỉ còn 50 đến 60 nghìn đồng/tháng.


Dương Quang và Tân Tiến chỉ là hai trong tổng số hơn tám nghìn điểm BÐ-VHX trên toàn quốc đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Theo Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost), năm 2009 đã có 46 điểm BÐ-VHX phải tạm dừng hoạt động, chủ yếu do kinh doanh không hiệu quả hoặc người lao động bỏ việc do thu nhập thấp. Số điểm BÐ-VHX có doanh thu trung bình dưới 500 nghìn đồng/tháng khá nhiều, trong khi số điểm có mức doanh thu cao chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Lấy thí dụ ở tỉnh Bắc Cạn, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Cạn, Ðỗ Quang Ðạo cho biết, năm 2009, doanh thu bình quân hằng tháng của một điểm BÐ-VHX trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 336.444 đồng/điểm/tháng. Toàn tỉnh có gần 10 điểm trong tổng số 98 điểm BÐ-VHX có doanh thu thấp, điển hình như điểm BÐ-VHX Cao Sơn (huyện Bạch Thông), doanh thu bình quân chỉ đạt 23 nghìn đồng/tháng. Ðiểm BÐ-VHX Bộc Bố (Pác Nặm) doanh thu bình quân cũng chỉ gần 30 nghìn đồng/tháng.


Trong khi đó, thù lao để trả cho những nhân viên các điểm BÐ-VHX này là 400 nghìn đồng/điểm/tháng. Năm 2009, tổng doanh thu của các điểm BÐ-VHX trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn là 395 triệu đồng, còn tổng thù lao phải trả cho nhân viên các điểm BÐ-VHX là 470 triệu đồng. Ðơn vị này đã phải bù lỗ cho hoạt động của các điểm BÐ-VHX hơn 100 triệu đồng.


Nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của các điểm BÐ-VHX giảm sút, theo Phó Giám đốc Ðỗ Quang Ðạo, trước đây, các dịch vụ viễn thông chưa được phổ cập cho nên phần lớn doanh thu của các điểm BÐ-VHX chủ yếu từ doanh thu viễn thông (bà con đến điểm BÐ-VHX thường để gọi điện thoại). Nhưng nay, do nhiều dịch vụ viễn thông đã được phổ cập tới tận vùng sâu, vùng xa (như điện thoại cố định, điện thoại không dây, di động, in-tơ-nét....) cho nên doanh thu của các điểm BÐ-VHX có xu hướng giảm rõ rệt. Có thể nói, nhiều điểm BÐ-VHX hiện hoạt động chủ yếu vì mục đích phục vụ, còn mục đích kinh doanh chưa đạt được. Cùng chung quan điểm này, Giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Nguyên, Hà Thị Noa cho biết, từ năm 1998 đến năm 2006, điểm BÐ-VHX hoạt động khá hiệu quả nhưng từ năm 2006 trở lại đây, do sự bùng nổ các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin cho nên hoạt động của các điểm BÐ-VHX bị ảnh hưởng, người dân đến với điểm BÐ-VHX thường chỉ còn để đọc sách, báo miễn phí hay sử dụng một số dịch vụ bưu chính, do đó doanh thu giảm mạnh. Tại Thái Nguyên, năm 2009, doanh thu bình quân của một điểm BÐ-VHX là 500 nghìn đồng/điểm/tháng và chỉ có khoảng hơn 50% tổng số điểm BÐ-VHX trên địa bàn tỉnh có doanh thu trên mức bình quân này.


Giải pháp nâng cao hiệu quả


Từ tháng 9-2009 đến nay, điểm BÐ-VHX Ôn Lương (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) tấp nập người ra, vào. Năm máy tính được kết nối in-tơ-nét lắp đặt tại đây lúc nào cũng đông người sử dụng để vào mạng. Nhân viên điểm BÐ-VHX Ôn Lương, Phan Thị Hằng cho biết, trung bình có 40 lượt người/ngày tới đây, chủ yếu để đọc sách báo, truy cập in-tơ-nét. Từ khi điểm BÐ-VHX có in-tơ-nét, doanh thu bình quân đã tăng gấp đôi (lên ba triệu đồng/tháng), số người đến cũng tăng gấp hai, ba lần. Em Lý Thị Thanh Xuân, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Lương cho biết, em thường xuyên tới điểm BÐ-VHX truy cập in-tơ-nét để tìm kiếm thông tin tuyển sinh đại học hoặc ôn thi đại học qua mạng. Cước phí truy cập in-tơ-nét ở đây chỉ là 1.500 đồng/giờ, rẻ hơn nhiều so với bên ngoài (4.000 đồng/giờ). Còn bác Nguyễn Tiến Dũng 82 tuổi ở xóm trung tâm, xã Ôn Lương không giấu nổi vui mừng nói: "Người dân xóm này bây giờ đến đây không chỉ để đọc sách, báo mà còn truy cập in-tơ-nét. Từ khi điểm BÐ-VHX có in-tơ-nét, mọi người, nhất là các cháu thanh, thiếu niên rất phấn khởi vì tìm kiếm được rất nhiều thông tin bổ ích. Trong thời gian tới, chỉ mong điểm BÐ-VHX có thêm máy tính kết nối in-tơ-nét để nhiều người dân có thêm thông tin, góp phần nâng cao dân trí".


Ôn Lương là một trong 24 điểm BÐ-VHX của Thái Nguyên được kết nối in-tơ-nét từ tháng 9-2009. Ðây là kết quả của dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập in-tơ-nét công cộng tại Việt Nam" do Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam triển khai thí điểm tại ba tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Trà Vinh với sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates. Mặc dù mới triển khai nhưng việc đưa in-tơ-nét tới các điểm BÐ-VHX đã bước đầu phát huy hiệu quả khi thu hút được nhiều người dân đến cũng như tăng doanh thu.


Giám đốc Hà Thị Noa cho rằng, đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp tại điểm BÐ-VHX, nhất là dịch vụ in-tơ-nét nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân nông thôn là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh của mô hình này. Còn theo Phó Giám đốc Ðỗ Quang Ðạo, với hệ thống mạng lưới các điểm BÐ-VHX rộng khắp trên cả nước thì đây cũng chính là thị trường chiến lược đầy tiềm năng để VNPost khai thác các dịch vụ, nhất là ở khu vực nông thôn. Hơn nữa, do có vị trí thuận lợi (thường nằm ở trung tâm các xã, gần trục đường giao thông lớn...) diện tích mặt bằng rộng cho nên có thể phát triển điểm BÐ-VHX như những kênh bán lẻ hiện đại (PostShop). Nhằm tạo điều kiện tăng thu nhập cho nhân viên các điểm BÐ-VHX, một số điểm BÐ-VHX hiện đã cho phép nhân viên kinh doanh văn phòng phẩm, phô-tô-cô-py hay các thiết bị viễn thông... Tuy nhiên, để có thể xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ một cách hiệu quả, đồng bộ, tạo nguồn thu duy trì hoạt động điểm BÐ-VHX thì rất cần sự hướng dẫn của VNPost, nhất là việc hỗ trợ tìm nguồn hàng ổn định.


Hiện nay, mức thù lao cho nhân viên các điểm BÐ-VHX là thấp so với mức sống của người dân. Ðây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhân viên nhiều điểm BÐ-VHX chưa thật sự gắn bó lâu dài với các điểm BÐ-VHX, từ đó còn tâm lý ỷ lại, chưa năng động, sáng tạo, làm hạn chế hiệu quả hoạt động kinh doanh của các điểm BÐ-VHX. Theo Phó Giám đốc Ðỗ Quang Ðạo, nhằm giúp nhân viên điểm BÐ-VHX ổn định tư tưởng, yên tâm làm việc lâu dài thì cần tạo điều kiện cho họ tăng thu nhập bằng cách hằng ngày chỉ cần mở cửa điểm BÐ-VHX một số giờ nhất định (phù hợp giờ địa phương), thời gian còn lại nhân viên điểm BÐ-VHX có thể đi thu cước điện thoại, bán các sản phẩm viễn thông, phát thư, báo... Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ tạo điều kiện như vậy,


bản thân các nhân viên điểm BÐ-VHX cũng cần chủ động, sáng tạo hơn. Có thể nói, một trong những yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh của điểm BÐ-VHX chính là yếu tố con người. Do đó, cần nâng cao năng lực của nhân viên các điểm BÐ-VHX bằng cách thường xuyên đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng bán hàng, tiếp thị... Cơ chế giao chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, doanh thu từng dịch vụ cũng cần triển khai nghiêm túc, quyết liệt nhằm xác định trách nhiệm nhân viên điểm BÐ-VHX, tránh tâm lý ỷ lại. Gắn liền với cơ chế này là những hình thức động viên, khen thưởng kịp thời khi đạt doanh thu cao hoặc xử phạt khi vi phạm chất lượng dịch vụ, doanh thu không đạt mức quy định... Ðây sẽ là động lực thúc đẩy người lao động nâng cao hiệu quả kinh doanh của điểm BÐ-VHX.


Bưu điện tỉnh Thái Nguyên cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và T.Ư Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện chương trình "Thí điểm phát triển 1.000 điểm


BÐ-VHX thành điểm tuyên truyền khoa học kỹ thuật, truy cập in-tơ-nét, tư vấn về nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên, sinh hoạt cho thanh thiếu niên ở nông thôn". Bước đầu, việc triển khai chương trình này đã giúp nhiều điểm BÐ-VHX thu hút đông đảo người dân địa phương đến, khẳng định vai trò là kênh thông tin hiệu quả ở khu vực nông thôn. Rõ ràng, như Giám đốc Hà Thị Noa nói, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng hệ thống các điểm BÐ-VHX vẫn có thể đứng vững, tiếp tục phát triển nếu có sự chung tay của các cấp, các ngành.
Theo nhân dân
  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0