Thứ sáu, 17/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 27/03/2010
Đối thoại trực tiếp: Giấc mơ Bill Gates Việt Nam

Từ 10h đến 11h sáng mai (28/3), VietNamNet sẽ tường thuật trực tiếp buổi đối thoại với chủ đề “Bill Gates Việt Nam – Giấc mơ sẽ thành hiện thực?”

Tham gia buổi đối thoại có TS. Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và TS. Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam Vinasa.

Một người từng giữ trọng trách quan trọng trong khối quản lý nhà
            nước và một người đang đứng đầu ngành phần mềm Việt Nam sẽ tham gia đối
            thoại.
Một người từng giữ trọng trách quan trọng trong khối quản lý nhà nước và một người đang đứng đầu ngành phần mềm Việt Nam sẽ tham gia đối thoại.

Buổi đối thoại “mượn” hình ảnh của Bill Gates – một con người với tài năng đặc biệt đã tạo ra “đế chế” Microsoft hùng mạnh – để cùng đi tìm các biện pháp khơi nguồn nhân tài cho nền CNTT Việt Nam. Những câu hỏi lớn đã được các khách mời trả lời trong chương trình như: Làm thế nào để Việt Nam có những nhân tài về CNTT? Làm sao để giữ và khai thác được nguồn nhân tài đó? Làm thế nào để thu hút các tài năng về xây dựng và phát triển CNTT nước nhà?

Nội dung buổi đối thoại được tường thuật trực tiếp trên kênh truyền hình VTC2, các báo điện tử VietNamNet, VTC News, ICTNews, và Trang tin điện tử của Bộ TT&TT. Ban CNTT – Viễn thông báo VietNamNet cũng tham gia trong buổi đối thoại trực tiếp và chuyển tới hai vị khách mời những câu hỏi, thắc mắc được nhiều bạn đọc quan tâm nhất.

Dưới đây là nội dung buổi đối thoại:

- Tôi muốn hỏi người như thế nào được coi là nhân tài? Đã có ai định nghĩa được thế nào là một nhân tài hay chưa? Cụ thể hơn, một nhân tài trong lĩnh vực CNTT thì cần hội đủ những điều kiện gì? (Câu hỏi của độc giả Lê Văn Trường ở Nam Định)

 

TS Mai Liêm Trực:  Những người tài là một khái niệm khá phổ thông, nói chung tài phải giỏi, phải có năng lực vượt trội hơn so với người xung quanh mình. Nhân tài là nói rộng hơn, còn thiên tài là người xuất chúng nhất. Việt Nam có rất nhiều những người tài nhưng thiên tài phải được thế giới công nhận.

 

CNTT cũng vậy, đòi hỏi kiến thức về toán học, phải chịu khó ngồi lỳ, chứ không thể... nhấp nha nháp nhổm; yếu tố thứ 2 là phải siêng năng cần cù học hỏi. Ngành CNTT phát triển rất nhanh, phải đam mê - nếu không, không thể trở thành nhân tài, càng không thể thành thiên tài.

 

Ông Trương Gia Bình: Tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm của TS Mai Liêm Trực.

 

Đúng như anh Trực nói, tài có nhiều cấp, cấp tài có thể làm nhiều việc, cấp xuất sắc làm được những  việc mà ít ai làm được, cấp thiên tài thì làm được những việc không ai làm được.

 

Trong cuốn sách “Những người xuất chúng” vừa mới xuất bản, các nhà khoa học đã tìm ra 10 nguyên tắc vàng, họ phát hiện ra rằng: Tài năng do rèn luyện mà nên tức là nếu bạn rèn luyện 4.000 giờ thì bạn là một người tài năng, nếu lên tới cỡ 8.000 giờ, bạn đã lên tới mức xuất sắc. Bill Gates lên tới trên 10.000 giờ. Càng rèn luyện bao nhiêu thì bạn càng xuất sắc bấy nhiêu.

 

- Gần đây, theo dõi Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2009, tôi thấy ở hạng mục Vinh danh những Nhân tài CNTT, chúng ta không có giải nhất. Điều này có đồng nghĩa với việc chúng ta chưa có người tài hay do chúng ta chưa huy động nguồn nhân tài vốn có hay không? (Câu hỏi của độc giả Phan Văn Tình ở huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk)

 

Ông Trương Gia Bình: Chúng ta vừa thiếu người tài, hỏi bao nhiêu các bạn bước vào đời có được thời gian bước vào lập trình 4.000, 8.000 giờ thì câu trả lời là chúng ta quá ít, quá thiếu. Với các nguồn lực thì đó vẫn còn là việc hiếm hoi và khai thác sao cho hết.

- Tôi rất hay theo dõi thể thao trong nước và được biết ông Trực đã từng làm chủ tịch liên đoàn Bóng Đá Việt Nam khi ông còn là Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông. Nhân nói về CNTT, tôi muốn hỏi, việc tìm ra một nhân tài CNTT ở Việt Nam có giống với việc tìm ra một cầu thủ tài năng hay không, thưa ông? (Câu hỏi của độc giả Trần Đình Hòa ở địa chỉ email tranhoak46@yahoo.com)

TS Mai Liêm Trực: Thực ra thì nhân tài trong bóng đá và CNTT có những yêu cầu và nét giống nhau: Đó là năng khiếu và khổ luyện, mỗi một người làm CNTT có thể ngồi rèn luyện tới 4000 giờ, còn cầu thủ phải rèn từ bé.

 

Ngoài ra cũng cần phải đam mê, tuy nhiên trong bóng đá có những yêu cầu khác nhau: người tài CNTT đòi hỏi tư duy lô gic, ngồi 1 chỗ - cầu thủ bóng đá cũng có trí tuệ xử lý nhanh và có thể lực tốt. Khác nhau thì người tàn tật không thành cầu thủ nhưng có thể làm CNTT.

 

Tôi cho rằng trong lĩnh vực CNTT trong kinh tế thị trường có những cơ hội lao động chỗ khá - nếu người ta có cơ hội tìm việc làm để phát huy khả năng thì không phải là chảy máu chất xám. Nhân tài bóng đá là giỏi thật tài thật, hàng triệu người giám sát họ, không thể do quan hệ này kia mà thành tài được. Những chỗ khác có thể nhầm lẫn, ví dụ nhiều giải thưởng hiện nay giải nhất chưa chắc đã nhất, chưa được kiểm chứng công khai minh bạch, tất nhiên trong lĩnh vực CNTT thì khó hơn. Tôi làm cả 2 lĩnh vực đều thấy rất thú vị.

 

- Cách đây hơn 30 năm, Bill Gates mới chỉ là một chàng trai bỏ dở ghế nhà trường để ôm theo những hoài bão và khát vọng lớn. Nhưng đến thời điểm này thì mọi thứ đã khác. Bill Gates trở thành một biểu tượng của CNTT toàn cầu.

 

Vậy, hãy thử đặt một câu hỏi, nếu Bill Gates lập nghiệp ở một thời điểm khác và ở môi trường khác thì liệu ông có thể trở thành một tài năng đặc biệt như  ngày hôm nay? Nói đến Bill Gates thì có lẽ ai cũng biết ông là người bỏ dở những năm tháng trên giảng đường đại học. Nhưng cuối cùng thì ông vẫn thành công! Ông Mai Liêm Trực, vậy, phải chăng, nhân tài CNTT không nhất thiết là phải đào tạo qua trường lớp, thưa ông?

 

TS Mai Liêm Trực: Nếu nói trường lớp là giảng đường đại học thì đúng là nhân tài không nhất thiết phải qua đại học. Bill Gates là một nhân chứng, các lãnh đạo Tập đoàn đa quốc gia lớn cũng có nhiều người không qua trường đại học. Nhưng tôi vẫn nói rằng việc học không phải vào giảng đường mới là học, từ mẫu giáo, trung học cũng là môi trường lớn về khả năng tư duy, sáng tạo rèn luyện nhân cách con người.

 

Như Bill Gates – một nhân tài kiệt xuất về CNTT và phần mềm nhưng cũng là một doanh nhân giàu nhất thế giới, một nhà từ thiện lớn nhất thế giới.

 

Mặc khác, việc bỏ dở chừng tôi không khuyến khích sinh viên bỏ dở giữa chừng. Kể cả Bill Gates nổi tiếng không qua giảng đường nhưng suốt cuộc đời ông ấy học hỏi không ngừng, học tập là suốt đời. Cái việc qua giảng đường hay không không phải là yếu tố tiên quyết để thiên tài phát triển trong thực tiễn.

 

Ông Trương Gia Bình: Có sự nhầm lẫn giữa việc không học và thành công. Bởi vì thời kỳ Bill Gates đó là thời điểm rạng đông của máy tính cá nhân, không trường sở nào có thể giảng dạy được. Ở trường học của Bill Gates học thời đó, ông có nhiều may mắn khác, ông trở thành một trong vài người hiếm hoi nắm được những tính năng mới, kết nối với máy chủ.

 

Hơn nữa, nhà của ông lại gần Washington, máy kết nối tới tận sáng. Ông rời nhà từ sớm để tới đó học. Không chỉ học hành, mà ông đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến riêng. Ông chăm học đến đáng ngờ.

 

- Tôi nghe nói ở FPT có rất nhiều người không có bằng cấp nhưng vẫn giữ những vị trí cao. Tôi muốn hỏi thẳng ông Trương Gia Bình, đã bao giờ ông đặt nhầm niềm tin vào tài năng của những người này hay chưa? (Câu hỏi của anh Nguyễn Minh Trung ở Hội An, Đà Nẵng)

 

Ông Trương Gia Bình: Cảm ơn anh Trung đã đặt câu hỏi rất hay, nếu đặt niềm tin nhầm tôi đặt thường xuyên vì tin nhầm còn hơn bỏ sót. Vì tin nhầm thì mình có thể sửa chữa được còn bỏ sót thì không thể tìm lại được. 

 

- Tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ thì thấy đưa tin về việc Bình Dương thông qua chế độ ưu đãi cán bộ, công chức làm công tác CNTT, viễn thông trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự kiến khoảng 600 triệu đồng/tháng. Theo đó, đối với tiến sĩ là 3 triệu đồng/tháng, thạc sĩ 2,5 triệu đồng/tháng, ĐH 2 triệu đồng/tháng, CĐ 1,5 triệu đồng/tháng tùy cấp tỉnh, huyện, thị. Tôi nghĩ, thu hút nhân tài là đúng nhưng thu hút với mức lương bổng như thế thì e rằng chỉ tìm được “các nhân” tự nhận mình là tài mà thôi. Không biết, ông Trực và ông Bình nghĩ sao về điều này? (Độc giả Nguyễn Công Sang ở Bình Dương)

 

Ông Mai Liêm Trực: Bình Dương có chế độ ưu đãi cán bộ, công chức làm công tác CNTT, viễn thông chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là cơ bản, kể cả các Bộ quản lý Nhà nước trong đó có CNTT thi tuyển rất khó thu hút vì lương hành chính sự nghiệp rất thấp.

Bình Dương làm thế là tốt nhưng không phải là cơ bản, chỉ là tình thế. Nếu những người chỉ thi vào ngồi đấy hưởng lương hành chính thì không nói, còn sàng lọc thì sẽ thực sự có được những người tài, nếu được tuyển dụng, sàng lọc cạnh tranh thì người ta sẽ được hưởng lương xứng đáng chứ không cần phụ cấp gì đặc biệt.

 

- Trong năm 2008, báo chí đã có một thời gian rộ lên thông tin về việc Bộ GD&ĐT tuyển người tài vào vị trí Thứ trưởng. Các độc giả trực tuyến cũng vẫn còn một băn khoăn nữa. Đó là: “Có nên tổ chức thi tuyển nhân tài vào các vị trí có trọng trách lớn của nhà nước hay không?”

 

TS Mai Liêm Trực: Đúng là phải qua trải nghiệm, qua thực tế, tôi nhớ đến 1 câu nói của Hunsen Thủ tướng Camphuchia khi tôi ở đó mấy năm giúp bạn thời Ponpot là: Nếu tổ chức xây dựng được chương trình  kế hoạch công tác tốt là thể hiện trình độ của người cán bộ,  kể cả học vấn  bằng cấp và đạt 30% yêu cầu; nếu tổ chức thực hiện tốt chương trình và kế hoạch công tác đã quyết định thì thể hiện năng lực hoạt động thực tiễn của người cán bộ và đạt đc 30% yêu cầu nữa; nhưng nếu giải quyết được những tình huống đột xuất không lường trước trong hoàn cảnh biến đổi thì thể hiện triển vọng của người lãnh đạo - cái này chiếm 40%.

 

Có nghĩa là bằng cấp và thi tuyển chỉ là 1 khâu, tôi nghĩ bất cứ vị trí nào thì tuyển dụng và thi tuyển và tranh cử, phải qua cạnh tranh. Nếu không có cái đấy thì không ai sáng suốt để nhìn ra người này tài giỏi, người kia tài giỏi,  phải sàng lọc giống như đấu thầu trong dự án, đấy là tôi nói đấu thầu và tuyển dụng nghiêm chỉnh, dù thi tuyển rồi cũng tiếp tục sàng lọc nữa - cũng như tuyển cầu thủ bóng đá khi anh vào đội tuyển quốc gia nhưng anh xuống phong độ thì thôi để anh khác vào. Trong các vị trí của Nhà nước mình - có khi ngồi đó thì rất là có chuyện, tôi nghĩ dần dần phải thay đổi.

Ông Trương Gia Bình: Tôi rất chia sẻ với ý kiến của TS. Mai Liêm Trực và có thêm một từ ngoài thực tiễn và sàng lọc, tôi muốn thêm một từ đào tạo.

 

Ở Singapore, Lý Quang Diệu cùng đội ngũ lãnh đạo  luôn quan tâm tới đội ngũ, từ cấp I qua cấp II rồi cấp III, cho tới đào tạo các trường Đại học danh tiếng trên thế giới. Sau đó lấy về để đào tạo riêng. Họ đặt kế hoạch làm sao cho đến độ 30 tuổi phải đạt tới mức thứ trưởng nếu không bạn sẽ bị đào thải.

 

Về đãi ngộ, có 1 thời của Lý Quang Diệu kêu gọi hi sinh cho đất nước đừng nghĩ tới lương. Một trong số những người cộng sự của ông đã không giữ được mình và tham nhũng, ông Quang Diệu viết thư cho ông này nói rằng: “Vấn đề này tôi và anh không có điểm chung.

 

Giai đoạn 2, ông đặt ra rằng: Nếu là lãnh đạo quốc gia thì lương phải cao hơn các tập đoàn. Vì thế mà lãnh đạo Singapore nhận lương cao nhất thế giới. Đó là cách thức của nước láng giềng trong việc đãi ngộ và trọng dụng nhân tài.

- Tôi có một anh bạn làm việc cho FPT. Anh ấy nói một cách rất tự hào là ở FPT có một triết lý, nhân tài là trung tâm thu hút tất cả để giúp mình tỏa sáng. Nhưng tôi muốn hỏi, nếu một môi trường mà nhiều nhân tài quá, ai cũng đòi làm trung tâm thu hút thì Ông Trương Gia Bình và các nhà quản lý ở FPT sẽ làm phải làm thế nào? Có tài mà có đức thì rất tốt, nhưng có tài mà kiêu ngạo rồi sau đó làm trung tâm thu hút những người khác thì gay go to!

 

Ông Trương Gia Bình: Thực sự các cụ ngày xưa dùng chữ hiền, hiền tức là phải có tâm, phải thực hiện được việc vua giao, phải có hai ý trong một chữ. Sau này, Bác Hồ tách ra, tài phải có đức, không bao giờ tách biệt ra.

 

Có được người tài và giữ được người tài rất khó… Khát khao như nhân tài như khát khao hít không khí trong lành.

 

Phải có niềm tin và khối óc đánh giá đúng tiềm năng của người ta, muốn giữ ở lại thì phải có những thách thức, những thử nghiệm đối với nhân viên. Đồng thời, hãy cho họ tất cả những gì mà bạn có thì họ mới ở lại.

 

Thứ nữa, anh phải dẹp những cái tôi của mình, đồng thời phải bao dung, bỏ qua những lỗi sai của họ. Đây là một việc khó vì người tài luôn có một cá tính riêng. Tôi nghĩ đây là một bài toán lớn, làm sao để dung hòa những điều đó. Người nào muốn giữ được người tài phải có một cái tâm tốt và một trí óc “sáng”.

 

- Chúng ta đang bàn về câu chuyện làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài CNTT và làm thế nào để thu hút, gìn giữ nguồn nhân tài đó, để họ tỏa sáng và góp sức phát triển CNTT nước nhà. Nhưng trên thực tế, liệu chúng ta đã làm tốt những điều như thế hay chưa? Có hay không việc, vẫn còn những nhân tài CNTT chưa thể tỏa sáng?

 

TS Mai Liêm Trực: Có những nguyên nhân do môi trường chúng ta chưa có cơ hội cho người tài phát triển, nhưng cũng có nhiều cơ hội nhưng những khả năng ấy phải được sử dụng trong điều kiện cụ thể. Ví như có nhiều người tài là không sử dụng được như Đặng Thái Sơn phải sang Nhật Bản làm việc. Những người nếu có khả năng đặc biệt nào mà Việt Nam chưa sử dụng được thì nên phát huy trong nước và quốc tế chứ không nên để tài năng không được phát huy hết.

 

Trong Nhà nước đúng là nhiều khi sàng lọc chưa quyết liệt, nhưng nhiều doanh nghiệp CNTT và các DN khác có rất nhiều cơ hội để người tài thực sự phát huy khả năng thực hiện. Như vậy tức là cả 2 bên chứ không thể đổi lỗi cho môi trường. Ví dụ trong bóng đá, đá tiền vệ tốt thì không thể đá trung vệ hay làm thủ môn tốt. Tôi nghĩ môi trường chúng ta hiện nay đã tốt hơn, nhất là nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, doanh nghiệp tư nhân cũng ngày càng phát triển thì người ta cần rất nhiều người tài.

 

Các bạn nên tìm cơ hội chứ không nên thụ động khi có tài năng. Tôi nhắc lại, trong bóng đá thực sự phải tài năng vì nó có điều kiện chứng minh, còn trao giải thưởng trong các lĩnh vực thì tôi có tham gia chấm giải nhiều nhưng đúng là chưa có cơ hội để kiểm chứng thực sự. Tôi buồn vì những trường hợp cụ thể, nhưng các bạn không nên để tài năng như vậy, nên tìm cơ hội cho mình.

 

- Ông Trương Gia Bình, ở FPT của ông, liệu có những trường hợp bị “lãng quên” không hay nói một cách khác là đã có trường hợp người tài nào bỏ FPT mà đi vì không được trọng dụng không, thưa ông?

 

Ông Trương Gia Bình: Hiện nay, việc giao tiếp rất mở, bạn có thể trao đổi, gửi thông tin qua nhiều phương tiện. Nếu có một bạn nào đó gửi thư cho tôi nói rằng, tôi là một nhân tài và bị lãng quên thì chắc chắn tôi sẽ gặp và trao đổi với người đó.

 

Nhà báo Nguyễn Anh Dũng: Một vấn đề mà bạn đọc của VietNamNet quan tâm nhất là để tạo ra một tài năng Việt Nam có thể so sánh với Bill Gates thì phải đào tạo những con người không chỉ có tài mà còn phải có tinh thần làm chủ doanh nghiệp. Trong các trường Đại học hiện nay, thường tạo ra những người thợ mà chưa chú ý tới kĩ năng quản trị cũng như rất nhiều kĩ năng mềm khác. Vì thế cần có đổi mới cách thức đào tạo để đưa tư duy quản trị vào giảng dạy trong đại học ngay?

 

TS Mai Liêm Trực: Tôi nhìn nhận chúng ta lâu nay đào tạo về kỹ thuật nhiều nhưng về tài chính ngân hàng kinh doanh quản trị luật pháp thì chúng ta bị hổng khá dài, đúng là làm chủ DN rất là lúng túng, ngay cả đào tạo cán bộ lãnh đạo nhà nước cũng vậy. Câu hỏi này anh Trương Gia Bình trả lời phù hợp hơn.

 

Ông Trương Gia Bình: Tôi muốn bắt đầu bằng khát vọng của Việt Nam và thanh niên Việt Nam. Các bạn hãy khổ luyện để tiến đến việc mà bạn muốn, tôi mong muốn đào tạo tiếng Anh, đào tạo các kỹ năng mềm, đào tạo CNTT. Singapore đã đưa việc giáo dục này từ lâu rồi. Tuổi mới lớn trong trường đã dạy kinh doanh rồi, cần có thêm để chắp cánh cho những khát vọng trẻ bay lên.

- Một câu hỏi vui với ông Trương Gia Bình, ông nghĩ sao, khi một số bài báo gọi ông là Bill Gates của Việt Nam?

 

Ông Trương Gia Bình: Tôi không dám và ngượng ngùng khi nghe mọi người gọi như vậy. Tôi chỉ muốn mọi người gọi tôi với cái tên mà bố mẹ đặt cho như thế đã là đủ lắm rồi.

 

* Do thời lượng buổi đối thoại có hạn nên còn rất nhiều câu hỏi của độc giả chưa được giải đáp. Độc giả còn vấn đề quan tâm xin gửi câu hỏi theo mẫu dưới đây.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0