Nokia Siemens Networks vừa công bố Báo cáo đánh giá năng lực kết nối 2010 của 50 quốc gia trên thế giới. Theo đó, Việt Nam đã từ vị trí 19 trong bản đánh giá năm ngoái lên vị trí số 15 với số điểm 3,42.
Theo bản Báo cáo, sở dĩ Việt Nam lên được 4 bậc trong bản đánh giá năm 2010 là nhờ tỷ lệ thoại tăng cao, tỷ lệ người biết đọc, biết viết tăng, cũng như sự cải thiện của chính phủ điện tử... Tuy nhiên, Việt Nam chưa thể có bước nhảy vọt là do tỷ lệ dân số sử dụng băng thông rộng còn thấp, tỷ lệ đầu tư của doanh nghiệp cho phần mềm, phần cứng và dịch vụ còn chưa cao...
Bản Báo cáo đánh giá dựa trên cơ sở đánh giá năng lực kết nối của 3 nhóm đối tượng là người tiêu dùng, chính phủ và doanh nghiệp, với hai nhóm tiêu chí cơ bản là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và mức độ, kỹ năng sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng này.
Trong đó, nhóm người tiêu dùng của Việt Nam được đánh giá cao nhất với số điểm 0,67, gần sát với số điểm mà Malaysia đạt được (Malaysia đạt 0,74 điểm). Theo bà Anne Larilahti, Trưởng Bộ phận Sáng kiến Chính sách Toàn cầu của Nokia Siemens Networks, nhóm người tiêu dùng của Việt Nam có được điểm số cao nhất do tỷ lệ nhận thức cao, mức độ sử dụng thoại và Internet cao.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ dân số Việt Nam sử dụng Internet đã đạt trên 27%, tổng số thuê bao băng rộng đạt gần 4% dân số. Nhóm Chính phủ cũng có những cải thiện đáng kể về cả cơ sở hạ tầng kết nối, cũng như mức độ và kỹ năng sử dụng.
“Nhóm người tiêu dùng và chính phủ của Việt Nam có được những bước tiến đáng nể so với bản đánh giá của năm trước, nhưng vẫn không thể ‘gánh’ cho sự chưa mấy sáng sủa của khối doanh nghiệp, bởi số điểm mà nhóm doanh nghiệp đạt được chiếm tới 60% tổng điểm”, bà Anne Larilahti nhận định.
Nhóm các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ đạt số điểm 0,19 về cơ sở hạ tầng và 0,23 điểm về mức độ và kỹ năng sử dụng. Trong khi số điểm tối đa của hai tiêu chí này là 0,72 và 0,79.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin mạnh mẽ, bao gồm tăng cường độ phủ kết nối băng thông rộng nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Điều này không chỉ giúp Việt Nam tăng thứ bậc trong bản đánh giá, mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam san lấp khoảng cách với các quốc gia tiên tiến hơn về công nghệ”, các chuyên gia khuyến nghị.
Đây là lần thứ 3 Nokia Siemens Networks tài trợ cho GS. Leonard Waverman, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Haskayne (thuộc Trường đại học Tổng hợp Calgary) và các đồng nghiệp của Trường Kinh doanh London thực hiện Bảng báo cáo Đánh giá Năng lực kết nối của các quốc gia trên thế giới.
Theo baodautu.vn