Thứ tư, 24/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 22/03/2010
Vị triệu phú đô la “kì dị”

Trở thành triệu phú đô la nhờ “cơn điên” cổ phiếu năm 2007, Nguyễn Khắc Thành vẫn đi chiếc xe máy được mua khuyến mãi cả chục năm trước, vẫn ở căn hộ trên tầng 16 của một khu chung cư cũ…

Từ thủ kho sang...phần mềm

Ít ai nghĩ rằng, người đoạt giải Nhất cuộc thi Toán toàn miền Bắc năm 1974 (khi đất nước chưa thống nhất), được cử đi học tại Đại học tổng hợp Quốc gia Matxcơva Lomonosov (MGU) và tốt nghiệp Tiến sĩ MGU với tấm bằng đỏ… lại chấp nhận việc làm đầu tiên là thủ quỹ cho một công ty vô danh (công ty FPT - lúc đó mới thành lập) chứ không phải một công việc liên quan đến toán học.

Nguyễn Khắc Thành - người thủ quỹ nói trên giải thích: “Nghề thủ quỹ cũng liên quan chặt chẽ tới toán học đấy chứ. Đó là: “đếm”. Nhưng lý do thật sự khiến Khắc Thành bỏ nghề Toán là: “Nếu làm toán học thì dù có công trình hay, tốt có khi phải 100 năm sau người ta mới ứng dụng, chưa nói tới chuyện mình chỉ là loại phọt phẹt thì chắc chắn là chả nên cơm cháo gì”.

Rồi Khắc Thành tâm sự: “Nghề Toán cũng giống như nghề ca sĩ vậy, nó quá khắc nghiệt và chỉ có chỗ cho những đỉnh cao. Hoặc là ông trở thành Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng, hoặc là ông phải đi hát phòng trà với cát sê vài chục nghìn mỗi tối và chịu đủ thứ mệt ở trên đời. Mình thì không thể thành Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng trong nghề toán được mà lại muốn sống khoẻ…”.

Số may là bộ phận kinh doanh của Thành mới thành lập nên chưa cần phải… đếm tiền, và Thành lại được giao nhiệm vụ tự học lập trình để viết phần mềm kế toán. Sau hơn 1 tháng tự học, ông Bùi Quang Ngọc - hiện là UV HĐQT FPT (một trong những sáng lập viên của FPT) bảo Thành: “Ở đấy làm gì, thôi sang đây làm lập trình”. Thế là Thành gia nhập đội phần mềm FPT và trở thành chuyên gia phần mềm. “Căn hộ” của Thành chính là “Tổng hành dinh” của đội phần mềm FPT (lúc đó thuê trong trường Trường phổ thông cơ sở Giảng Võ, Hà Nội). Lý do rất đơn giản, Thành muốn tiết kiệm tiền thuê nhà và ở một mình thì buồn với… mất thời gian đi lại.

Gia nhập đội phần mềm FPT, Thành nhanh chóng trở thành một trong “tứ trụ” của đội phần mềm. Thành được giao phụ trách nhóm dự án phần mềm ngành ngân hàng với phần mềm SIBA (tiền thân của Smart Bank sau này) - phần mềm được rất nhiều ngân hàng trong nước và cả một số ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sử dụng. Ông Bùi Quang Ngọc - người đưa Khắc Thành đến với phần mềm, khá hài lòng về chuyên môn nhưng cực kỳ phiền lòng với bộ dạng của Thành. Lý do là làm phần mềm phải giao dịch với các khách hàng ở những nơi rất “xịn” nhưng Thành cứ “cưỡi” chiếc xe đạp vừa “ghẻ” vừa “bẩn” với chiếc ghi đông “cởi truồng” đi khắp nơi gặp khách hàng. Ông Ngọc cho tiền để Thành đi mua xe máy Thành cũng không chịu mà cứ đi xe đạp cà tàng…

Thất vọng vì phải làm… Giám đốc

Năm 1998, khi FPT “tấn công” thị trường phần mềm thế giới với việc thành lập đội xuất khẩu phần mềm thì Nguyễn Khắc Thành bị “bỏ qua”. Thành được giao nhiệm vụ phải xây dựng một trung tâm đào tạo các lập trình viên quốc tế cho FPT và “phải làm” Giám đốc. Nói “phải làm” vì Thành hoàn toàn không thích làm Giám đốc mà “chỉ thích theo anh Nam (ông Nguyễn Thành Nam - hiện là Tổng Giám đốc FPT - người phụ trách đội xuất khẩu phần mềm lúc đó) đi làm xuất khẩu phần mềm”. Sau khi các lãnh đạo FPT thuyết phục mãi, Thành đồng ý đi làm đào tạo.

Không biết bắt đầu từ đâu, Thành và các cộng sự của mình quyết định đi mua công nghệ đào tạo của Aptech (Ấn Độ). Nguyễn Khắc Thành cùng các cộng sự của mình chẳng hề sửa đổi tí gì trong chương trình giảng dạy của Aptech mà “mắm môi mắm lợi làm y xì như họ”. Không có sáng tạo gì nhưng lượng học viên đến học tại Aptech Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng rất nhanh. Nguyễn Khắc Thành đoán: “Có lẽ do mình là “ông” đầu tiên dạy chương trình đào tạo lập trình viên quốc tế tại Việt Nam và cũng cấp bằng quốc tế hẳn hoi”.

Năm 2000 (sau hơn 1 năm chính thức hoạt động), Aptech Việt Nam đoạt danh hiệu Trung tâm đào tạo xuất sắc nhất của hệ thống Aptech toàn cầu vì có tỷ lệ học viên tốt nghiệp cao, đạt chứng chỉ ISO 9001 ngay trong năm đầu tiên thành lập, số lượng học viên tăng cực nhanh…

Tháng 12/2001, khi sang Ấn Độ nhận giải thưởng, điều làm vị Giám đốc Aptech Hà Nội hồi hộp nhất, phấn khích nhất không phải là việc nhận giải mà là việc được bắt tay và chụp ảnh chung với Hoa hậu thế giới 1999 (là người Ấn Độ và cựu học viên của Aptech).

Sau hơn 10 năm hoạt động, một trong những điều làm Thành và những cộng sự tại Aptech Việt Nam tự hào nhất là Aptech Việt Nam về mặt bản chất chỉ là một trung tâm dạy nghề nhưng lại đào tạo được một lượng lập trình viên nhiều hơn bất cứ một trường đại học nào tại Việt Nam. Chỉ tính đến hết năm 2007, số lượng chuyên gia phần mềm và mỹ thuật đa phương tiện mà Aptech Việt Nam đã đào tạo lên tới hơn 10.000 người. Hàng trăm cựu học viên của Aptech Việt Nam hiện đang là nhân viên của Fsoft - công ty phần mềm số 1 Việt Nam (nhiều hơn số sinh viên từ bất cứ một trường đại học nào tại Việt Nam ở Fsoft). Hơn nữa, rất nhiều người trong số này là những học sinh “lỡ hẹn” với cổng trường đại học.

Mong ước bình dị

Cuối năm 2006, trong “cơn cuồng điên” của thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau một đêm, rất nhiều người tại FPT, trong đó có Nguyễn Khắc Thành đã trở thành triệu phú đô la. Vào lúc cao điểm, số tài sản bằng cổ phiếu FPT của Thành trị giá khoảng 40 triệu USD. Bán một phần số cổ phiếu mà mình nắm giữ và có một đống tiền nhưng mọi người vẫn thấy Thành chẳng có gì thay đổi và hình như Thành không biết dùng tiền vào việc gì. Trong khi không ít các triệu phú đô la tại FPT sắm xe hơi đắt tiền, mua biệt thự mới, xài hàng hiệu… thì Nguyễn Khắc Thành vẫn ở căn hộ trên tầng 16 tại một chung cư cũ, vẫn đi chiếc xe máy cũ được mua giảm giá gần chục năm trước, vẫn chi tiêu tiết kiệm bình thường như xưa… Tại FPT, Thành là một trong 2 lãnh đạo cấp cao không mua ô tô riêng.

Nguyễn Khắc Thành tâm sự: “Nếu mình chơi với ông nào đó có cái xe đẹp mà mình phải có cái đẹp hơn thì khổ lắm, suốt đời khổ. Xe máy mình đi vẫn tốt, có hỏng hóc gì đâu, làm sao mà phải đổi? Còn nhà thì đang ở rất thoải mái đổi làm gì?…”. Một người bạn thân của Thành tại FPT tiết lộ về việc sử dụng số tiền bán cổ phiếu của Thành là để giúp đỡ những người thân và làm từ thiện. Đối với việc làm từ thiện, Thành yêu cầu những người cùng làm với mình giữ bí mật tuyệt đối đối với những người được giúp đỡ. Người bạn này nói lại với chúng tôi một câu của Nguyễn Khắc Thành khi làm từ thiện: “Đây là việc riêng của tôi nên không cần cho ai biết…”.

Nói về mong muốn của mình, Thành chỉ mong gia đình được hạnh phúc và giúp được thật nhiều bạn trẻ có kiến thức vững chắc về công nghệ thông tin để “sống khoẻ” ở bất kỳ môi trường nào, có ích cho gia đình, xã hội…

Chiếc xe máy đặc biệt

1.jpg

Sau khi Nguyễn Khắc Thành không chịu mua xe máy để đi giao dịch với các đối tác, ông Bùi Quang Ngọc đưa tiền cho Trần Quốc Hoài (một nhân viên mới của FPT lúc đó) đi mua một chiếc xe máy cũ (tên chủ sở hữu là Trần Quốc Hoài) và bắt Thành phải đi. Đến năm 1999, Hoàng Nam Tiến - nhân viên của phòng xuất nhập khẩu FPT cho Thành biết là công ty được đối tác thưởng một chiếc Dream màu mận chín và nói là có thể bán lại cho Thành với giá khuyến mãi. Thành đồng ý mua nhưng người đứng tên sở hữu chiếc xe này là Trần Tuấn Việt (do Thành lười làm thủ tục đăng ký). Chiếc xe máy với giá khuyến mãi này hiện vẫn được Thành sử dụng để đi làm hàng ngày.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0