Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đã có có 80 hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp được lựa chọn vào vòng chung khảo. Trong đó, sẽ có 30 hồ sơ nhận giải thưởng trong 5 lĩnh vực viễn thông (điện thoại cố định, di động, Internet), công nghiệp CNTT, đào tạo, ứng dụng CNTT và giải dành cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam. Các tổ chức, doanh nghiệp vào vòng Chung khảo không đạt giải sẽ được Bộ TT&TT cấp Chứng nhận lọt vào vòng Chung khảo. Trong số 5 lĩnh vực với 30 giải thưởng, riêng CNTT và Nội dung số đã có tới 14 giải thưởng được tôn vinh và trao vào ngày 20/3.
Giải thưởng và công tác chấm giải đảm bảo tính khách quan, trung thực dựa trên các tiêu chí đã được công bố công khai. Các hồ sơ tham dự được xét chọn và thẩm định bởi Hội đồng Sơ khảo sau đó được đệ trình lên Hội đồng Chung khảo với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành, các hiệp hội và đại diện giới truyền thông trong lĩnh vực CNTT-TT. Trong lĩnh vực CNTT các tiêu chí chủ yếu vẫn là doanh số, tốc độ tăng trưởng, tránh nhiệm đóng góp ngân sách nhà nước, năng suất, sản phẩm, khách hàng và nguồn lực.
Phần mềm xuất khẩu: khó có thay đổi!
Trong các hồ sơ tham dự từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và gia công phần mềm vẫn là các tên tuổi quen thuộc qua các giải của Hội Tin học VN hay Hiệp hội Phần mềm VN nhiều năm như Fsoft, CSC, Havey Nash. Trong năm khủng hoảng và khó khăn tìm kiến thị trường thì các hồ sơ tham dự cũng cho thấy doanh số cao là rào cản, tăng trưởng thấp kể cả âm cũng như việc duy trì đội ngũ làm phần mềm là một thách thức. Với Fsoft năm 2009 cũng được coi thành công khi duy trì doanh số 42.1 triệu USD (trong đó 95% xuất khẩu) tăng trưởng 0.1% và duy trì đội ngũ gần 2.700 nhân viên khẳng định ưu thế vượt trội so với các đối thủ khác. Theo tiêu chí giải, khả năng Fsoft luôn nhận được đánh giá cao sẽ duy trì nhiều năm tiếp theo.
Phần mềm nội địa: chọn như thế nào?
Nhiều hồ sơ tham dự với các tên tuổi có tiếng tại Việt Nam như: CMC Soft, Tinh Vân, Misa, FIS, Lạc Việt đa dạng với các sản phẩm “đóng gói” và các dự án “may đo”. Tiêu chí vẫn thiên về doanh số và tốc độ tăng trưởng, nếu Misa chỉ với sản phẩm đóng gói ruột “MISA kế toán” phục vụ toàn quốc trên chục năm nay với doanh số trên 87 tỷ đồng từ trên 40.000 khách hàng với giá phải chăng thì các doanh nghiệp khác đã cho hình ảnh không thua kém đa dạng sản phẩm tới thị trường từ “đóng gói” đến “may đo” như CMC Soft, Tinh Vân với doanh số phần mềm từ 45-85 tỷ đồng với các sản phẩm có thương hiệu ổn định như Histaff, eDocman, Libol, eLib với giá hàng trăm triệu đồng và các doanh số phần mềm từ các dự án CNTT. Về lượng nổi bật vẫn là FIS với các con số áp đảo, doanh số phần mềm là 335 tỷ đồng tăng trưởng 61% chiếm trên 10% tổng doanh thu của FIS, điển hình với dự án ERP cho Petrolimex trị giá 12,6 triệu USD triển khai toàn quốc tại 41 đơn vị thành viên; hệ thống phần mềm tích hợp tính cước và quản lý khách hàng mạng Bealine trị giá hơn 4 triệu USD; dự án TABMIS đang triển khai tới tỉnh thứ 14/63. FIS cũng duy trì đội ngũ nhân lực trên 1000 người triển khai các phần mềm cho 1730 khách hàng khác nhau với các tên tuổi lớn như:Tài chính, Thuế, Hải quan, Ngân hàng, Xăng dầu, Chứng khoán, Bệnh viện v.v.
Theo tiêu chí quả khó chọn theo doanh số, tốc độ tăng trưởng, thị trường, sản phẩm hay con người? Nếu nghiêng về sản phẩm thì chắc “đóng gói” sẽ có nhiều ưu việt, nhưng phần mềm nội địa thời chỉ dùng kế toán đã qua đã đến thời của ERP, SRP, dịch vụ trên mạng và nếu ngả theo dự án “may đo” thì ưu tín của các dự án lớn sẽ là nổi trội, sự thay đổi đáng ghi nhận là từ chỗ thầu phụ các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ giành cơ hội tổng thầu các dự án tầm quốc tế ngay trên sân nhà.
Quả khó chọn “cột cờ” từ bố đuốc thúc đẩy ngành phần mềm phục vụ ứng dụng ngay chính đất nước mình.
Phần mềm xuất sắc nhất: không khó đoán
Với ít hồ sơ tham dự cho thấy các doanh nghiệp chuyên sản xuất và dịch vụ phần mềm có vẻ kém tự tin đăng ký giải. Với 3 hồ sơ từ các nhà chuyên nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu và gia công xuất khẩu phần mềm tham gia thì phần thắng không thật khó đoán.
Phân phối : phức tạp nhưng thú vị
Nói về phân phối thì phải nói về doanh số, đa dạng của chủng loại sản phẩm, vùng thị trường và tăng trưởng. Trong các hồ sơ tham dự trong lĩnh vực phân phối sản phẩm IT còn có cả điện thoại di động và dịch vụ mạng. Để bóc tách cũng không đơn giản ngay cả với các doanh nghiệp và tổ thư ký Ban tổ chức. Lựa chọn chắc chắn nhất vẫn là các hồ sơ khủng có doanh số trên ngàn tỷ đồng. Đặc biệt trong số này có hồ sơ chỉ chuyên phân phối một thương hiệu điện thoại di động Q-Mobi duy nhất cũng đạt doanh số trên 2.000 tỷ đồng. Các tên tuổi phân phối cạnh tranh ở mức CLB ngàn tỷ phải kể đến: Digiworld, Viễn Thông An Bình, Viettel và Phân phối FPT.
Máy tính thương hiệu Việt: cân bằng với các tên đã nổi danh.
Đã nhiều năm trong lĩnh vực MTTH Việt Nam tại các giải CUP vàng CNTT Việt Nam, Giải ICT của Hội Tin học Tp Hồ Chí Minh vẫn chỉ có 2 thương hiệu luôn cạnh tranh vị trí dẫn đầu là CMS và eLead. Cả 2 thương hiệu này ganh nhau từng tấc, nếu hơn về doanh số lại lệch về số lượng mà cả hai thông số cơ bản đều đáng ghi điểm đánh giá. Các chỉ tiêu khác cũng phải xét qua các thông số thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận và tỷ lệ nội địa hoá. Các thương hiệu khác để có thứ hạng cao thì thách thức khó vượt qua được hai thương hiệu hàng đầu.
Tích hợp hệ thống: mới nhưng không thật khó đoán
Không có nhiều doanh nghệp gửi hồ sơ, việc bóc tách doanh số thuần cho dịch vụ tích hợp hệ thống khó đễ bbóc tách tường minh. Xu thế vẫn thuộc về các doanh nghiệp đăng ký ngành nghề với tên gọi theo định hướng phát triển là doanh nghiệp chuyên dịch vụ tích hợp hệ thống. Điểm khác biệt là lượng khách hàng và các hệ thống tin học có uy tín nên không khó để Công ty tích hợp hệ thống FPT là một cái tên dễ được lựa chọn với tổng doanh thu gần 3,000 tỷ đồng, thắng thầu và có nhiều hợp đồng tích hợp hệ thống với số khách hàng lên tới con số hàng ngàn. Tích hợp hệ thống còn nổi trội với các doanh nghiệp triển khai hệ thống mạng viễn thông, năm 2009 nổi bật với Công ty CTIN triển khai mạng MGN cho VNPT với doanh số thực hiện trên 400 tỷ đồng.
Các lĩnh vực khác : vừa dễ vừa khó.
8 lĩnh vực còn lại về CNTT được bình chấm là: nội dung số, đào tạo CNTT và các nội dung mới : đào tạo cho người khuyết tật, nội dung số có ý nghĩa văn hoá – giáo dục. Tuy nhiên lần đầu xuất hiện trong hệ thống giải nên việc tiên liệu tiêu chí để có đủ các hồ sơ đáp ứng phù hợp là khó tiên đoán, ngay cả doanh nghiệp cũng không tường minh được dịch vụ của mình theo tiêu chí. Game đấu với thi trực tuyến, Trường đấu với Khoa .v.v thì quả là khó có hệ số đánh giá tương ứng và chính xác. Yếu tố chất lượng và đẳng cấp ít đề cập trong tiêu chí nên việc xác định chính xác từ hồ sơ tham dự và thẩm định cũng khó khăn. Hy vọng các lần sau sẽ lại được rút kinh nghiệm.
Giờ G sắp tới, so bó đũa chọn cột cờ là việc phải làm của các Hội đồng bình chấm giải. Nếu hệ thống các tiêu chí đã ban bố được chấm thử với các tên tuổi ngay trước khi ban hành thì sẽ dễ dàng hơn cho sự lựa chọn chính xác. Sẽ có tên tuổi lãnh nhiều giải là khó tránh khỏi, đây cũng là bài học để tôn vinh nhằm mục tiêu có nhiều gương mặt mới góp phần thúc đẩy ngành CNTT khi mục tiêu “đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT” đã đến rất gần.
Nguyễn Long