Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách 10 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới. Theo tạp chí này, mặc dù suy thoái kinh tế nhưng trong năm 2009 vừa qua, 10 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới vẫn đút túi thêm 55,8 tỷ USD nhờ sự tăng giá của các cổ phiếu công nghệ.
Bill Gates
Tài sản: 53 tỷ USD
Mặc dù đã rút lui khỏi vai trò điều hành tập đoàn Microsoft để tập trung làm từ thiện cho Quỹ Bill & Melinda Gates, nhưng tài sản của ông trùm phần mềm này vẫn không ngừng gia tăng. Năm ngoái, tài sản của Bill Gates đã tăng thêm 13 tỷ USD, nâng tổng giá trị tài sản của tỷ phú này lên tới 53 tỷ USD. Tuy nhiên, Bill Gates đã mất vị trí người giàu nhất thế giới vào tay ông trùm viễn thông người Mexico Carlos Slim, người có giá trị tài sản 53,5 tỷ USD. Một lý do khiến Bill Gates giàu lên nhanh chóng trong năm qua là cổ phiếu của hãng Microsoft đã tăng 50% trong 12 tháng qua.
Lawrence Ellison (28 tỷ USD)
Tài sản: 28 tỷ USD
Tài sản của người sáng lập hãng phần mềm Oracle đã tăng thêm 5,5 tỷ USD do giá cổ phiếu của hãng phần mềm Oracle tăng tới 70% trong năm 2009. Trong 5 năm vừa qua, Oracle đã vung tiền ra thâu tóm 54 công ty, trong đó đáng kể là thương vụ mua lại hãng Sun Microsystems với giá 7,4 tỷ USD và mua hãng BEA Systems với giá 8,5 tỷ USD.
Sergey Brin
Tài sản: 17,5 tỷ USD
Đồng sáng lập hãng tìm kiếm khổng lồ Google đã nhanh chóng thăng hạng trong danh sách các tỷ phú công nghệ hàng đầu thế giới. Tài sản của Sergey Brin đã tăng thêm 5,5 tỷ USD trong năm vừa qua nhờ giá cổ phiếu của Google tăng 70%. Google đạt doanh thu 23,7 tỷ USD trong năm ngoái. Sergey Brin là người Nga di cư sang Mỹ, đã cùng với Larry Page sáng lập nên Google.
Larry Page
Tài sản: 17,5 tỷ USD
Tương tự như Sergey Brin, sự gia tăng giá cổ phiếu của Google cũng làm cho Larry Page giàu thêm 5,5 tỷ USD trong năm vừa qua. Google vẫn tiếp tục thống trị thị trường tìm kiếm, mặc dù bộ máy tìm kiếm Bing của Microsoft ra mắt năm 2009 đã chiếm được một phần nhỏ thị trường.
Azim Premji
Tài sản: 17 tỷ USD
Sau năm 2009, tài sản của Azim Premji - Chủ tịch hãng phần mềm Wipro (Ấn Độ) - đã tăng 11 tỷ USD. Wipro là hãng gia công phần mềm xuất khẩu lớn thứ 3 của Ấn Độ. Trùm tài phiệt này đã thành lập quỹ từ thiện Azim Premji Foundation và có dự định xây dựng trường đại học mang tên ông.
Steve Ballmer
Tài sản: 14,5 tỷ USD
Tài sản của Steve Ballmer, Tổng giám đốc Microsoft, đã tăng thêm 3,5 tỷ USD trong năm ngoái sau khi giá cổ phiếu của Microsoft tăng 50%. Khả năng giàu thêm của Steve Ballmer rất khả dĩ vì hệ điều hành mới Windows được giới công nghệ đánh giá cao hơn nhiều so với hệ điều hành Vista trước đây.
Paul Allen
Tài sản: 13,5 tỷ USD
Tài sản của người đồng sáng lập Microsoft Paul Allen đã tăng thêm 3 tỷ USD trong năm ngoái. Allen đã rời bỏ Microsoft khá lâu, gần đây ông đã mở công ty phần mềm Xiant cung cấp sản phẩm Filer giúp người dùng theo dõi email trong phần mềm thư điện tử Outlook của Microsoft.
Michael Dell
Tài sản: 13,5 tỷ USD
Lợi nhuận ròng của hãng máy tính Dell đã tăng thêm 1,2 tỷ USD trong năm 2009. Thế nhưng sự tăng trưởng đó không giúp người sáng lập hãng Dell – Michael Dell tụt hạng trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới (giảm từ vị trí thứ 25 năm ngoái xuống 37). Cổ phiếu của hãng máy tính này đã giảm 13% trong năm ngoái. Dell hiện đang tái cấu trúc lại công ty nhằm lấy lại vị thế trên thị trường máy tính.
Jeffrey Bezos
Tài sản: 12,3 tỷ USD
Tài sản của Jeffrey Bezos, ông chủ hãng thương mại điện tử Amazon, đã tăng 5,5 tỷ USD trong năm ngoái do cổ phiếu của hãng này tăng 100%. Trong năm vừa qua, Amazon rất thành công với đầu đọc sách điện tử Kindle 1 và Kindle 2, sản phẩm giúp hãng này tăng 40% doanh thu.
Ernesto Bertarelli
Tài sản: 10 tỷ USD
Tài sản của ông trùm công nghệ sinh học Thụy Sĩ đã tăng thêm 2,3 tỷ USD trong năm ngoái. Ernesto Bertarelli đã được thừa kế công ty công nghệ sinh học Serono sau khi người cha qua đời vào năm 1998. Sau vài năm điều hành Serono, Ernesto Bertarelli quyết định bán công ty này cho tập đoàn Merck với giá 9 tỷ USD.
Theo Ictnews