Dự kiến Dự thảo Đề án Sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào quý I năm nay. Theo đó, một trong những mục tiêu mà bản Đề án đặt ra là đến năm 2015, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam phải chuyển từ lắp ráp sản phẩm phần cứng - điện tử cho các công ty nước ngoài sang sản xuất linh kiện, phụ tùng phát triển công nghiệp phụ trợ.
Đến năm 2020, tập trung sản xuất linh kiện, phụ tùng phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, đồng thời từng bước nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.
Như vậy, chỉ còn chưa đầy 5 năm nữa, ngành công nghiệp CNTT phải đạt được mục tiêu đề ra của bản Đề án. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, với thực trạng hiện nay, mục tiêu này là không dễ đạt.
Theo đánh giá của Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông), tại thời điểm này, công nghiệp điện tử, phần cứng chiếm tỷ lệ khá cao trong ngành CNTT của Việt Nam, nhưng giá trị gia tăng vẫn còn quá “khiêm tốn”. Công nghiệp phần cứng, điện tử chủ yếu là lắp ráp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển và chưa có sự đầu tư vào công nghệ lõi.
“Trong công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam, hiện doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò chủ chốt cả ở thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Trong khi về năng lực sản xuất - kinh doanh, chưa nhiều doanh nghiệp trong nước đạt quy trình sản xuất công nghiệp theo chuẩn quốc tế”, ông Nguyễn Trọng Đường, Quyền Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định.
Đó là đánh giá của chính cơ quản quản lý nhà nước, còn theo các chuyên gia kinh tế, để chuyển từ lắp ráp sang sản xuất, phải phấn đấu cật lực mới có thể đưa mục tiêu này thành hiện thực.
GS. Nguyễn Xuân Quỳnh, Thành viên Hội đồng Chính sách và Khoa học Quốc gia cho rằng, đến năm 2015, công nghiệp CNTT Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi lắp ráp, vì hiện vẫn chưa thấy tiền đề của sự chuyển đổi. “Muốn chuyển đổi từ lắp ráp sang sản xuất, Việt Nam phải nỗ lực rất lớn để đến năm 2015 có thể sản xuất được các chip cơ bản không phụ thuộc vào nước ngoài”, ông Quỳnh nói.
Hiện công nghiệp CNTT lắp ráp của Việt Nam đã có những thành công với những thương hiệu như máy tính CMS, FPT; tivi VTC, VTB; đầu đĩa Tiến Đạt..., nhưng để những doanh nghiệp này có thể chuyển từ lắp ráp sang sản xuất không phải là chuyện dễ. Nguyên nhân là tỷ lệ chất xám mà các doanh nghiệp lắp ráp thiết bị điện tử - CNTT của Việt Nam đầu tư vào khâu thiết kế chi tiết, linh kiện không nhiều.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia của một hãng máy tính có tên tuổi của nước ngoài đặt tại Việt Nam đã thẳng thắn nhận định, máy tính thương hiệu Việt chỉ là sự nhập khẩu linh phụ kiện (vỏ máy, bo mạch, chip...) từ nước ngoài về lắp ráp, sau đó gắn logo. Như vậy, nếu chỉ mua linh kiện về lắp ráp, Việt Nam khó có thể làm chủ được công nghệ, chứ nói gì đến chuyện sản xuất.
Dự kiến, đến quý III năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa ra những chính sách cụ thể để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp CNTT. Theo đó, sẽ chú trọng phát triển công nghệ nguồn, công nghệ lõi và xây dựng các mô hình điểm. Cụ thể, sẽ thúc đẩy hai doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội vào cuộc.