Chủ nhật, 19/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 01/03/2010
Thời cơ xây dựng thương hiệu CNTT Việt?

Từ 10h đến 11h sáng nay (28/02), VietNamNet tường thuật trực tiếp buổi đối thoại "Người Việt Nam ưu tiên sử dụng sản phẩm CNTT Việt Nam".

Doanh nghiệp CNTT trong nước có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với nhiều
Doanh nghiệp CNTT trong nước có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với nhiều "đại gia" quốc tế.

Thế giới phẳng giúp san bằng cơ hội cho mọi quốc gia, trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt trong lĩnh vực CNTT mà Việt Nam thường được nhìn nhận là có nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng dành chỗ đứng và có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với nhiều “đại gia” quốc tế.

Trong những lần làm việc với Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Bộ cần cùng các doanh nghiệp có kế hoạch hành động cụ thể để vươn lên tầm cỡ quốc tế. Cụ thể, cần xây dựng các “doanh nghiệp dân tộc” để khi nói đến người ta biết ngay là của Việt Nam. Các doanh nghiệp như vậy sẽ tạo nên thương hiệu quốc gia của Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế là, nhiều doanh nghiệp CNTT trong nước khi nói tới dự định muốn đưa sản phẩm ra quốc tế, muốn đứng số 1 thế giới, hay cạnh tranh với Google, Yahoo, đều vấp phải sự không đồng tình, thậm chí phản ứng rất lớn từ cộng đồng, dư luận.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm CNTT nội địa cũng bị người tiêu dùng trong nước thờ ơ trong khi các phương tiện thông tin đại chúng đang đẩy mạnh truyền thông cho phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Những vấn đề đang phần nào kìm hãm sự phát của các doanh nghiệp CNTT trong nước này đã được đề cập đến trong buổi đối thoại trực tiếp “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng sản phẩm CNTT Việt Nam” vào lúc 10 giờ sáng nay (28/2) trên kênh truyền hình VTC2, báo điện tử VietNamNet, VTC News, ICTNews, và trang tin điện tử của Bộ TT&TT.

Tham gia buổi đối thoại là 4 chuyên gia trong lĩnh vực CNTT gồm ông Nguyễn Tử Quảng, TGĐ Trung tâm An ninh mạng Bách Khoa (Bkis); ông Nguyễn Xuân Tài, TGĐ Công ty Naiscorp; ông Nguyễn Lâm Thanh, GĐ chiến lược Công ty VTC Intecom; và nhà báo Đặng Kim Long, Trưởng ban CNTT-TT Báo Bưu điện Việt Nam.

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia đã trả lời các câu hỏi như Có phải các sản phẩm CNTT trong nước đang gặp khó khăn với áp lực cạnh tranh từ các tên tuổi nước ngoài? Tại sao người Việt Nam vẫn chưa thực sự mặn mà với sản phẩm CNTT Việt Nam? Và các doanh nghiệp CNTT trong nước cần hỗ trợ gì từ phía nhà nước?...

Xuyên suốt buổi đối thoại là niềm tin các doanh nghiệp sẽ đứng vững trên thị trường trong nước và hiện tại là thời cơ tốt nhất để xây dựng các thương hiệu CNTT của Việt Nam.

Dưới đây là nội dung buổi đối thoại trực tiếp:

- Thưa ông Nguyễn Tử Quảng, đã bao giờ các khách hàng của BKIS khi đứng trước sự lựa chọn giữa BKAV với 1 sản phẩm phần mềm diệt virus nước ngoài, và họ lắc đầu không chọn BKAV hay chưa, thưa ông? (Độc giả Lương Thành Vinh ở Đà Lạt, Lâm Đồng).

Ông Nguyễn Tử Quảng: Thực ra chúng tôi đối diện với vấn đề bạn đặt ra từ rất lâu rồi, chừng 5 năm nay. Rõ ràng đó là điều hiển nhiên và tất yếu. Người tiêu dùng khi mua sản phẩm bao giờ cũng chú ý đến quốc gia sản xuất sản phẩm đó rồi đến thương hiệu của doanh nghiệp. Các sản phẩm trong nước thương hiệu không thể bằng được so với họ. Vì thế, muốn ngày càng tiếp cận được nhiều hơn với người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực rất nhiều.

- Còn Ông Nguyễn Xuân Tài, Naiscorp đã bao giờ gặp phải những tình huống như thế hay chưa, thưa ông? (câu hỏi trường quay)

Ông Nguyễn Xuân Tài: Chúng tôi cũng thường xuyên gặp. Vì sản phẩm của chúng tôi là một sản phẩm trực tuyến, và việc sử dụng thì trong đầu người sử dụng họ đã lựa chọn. Cách đây 4 năm không ai biết Socbay là gì. Nhưng gần đây, Socbay đã được nhiều người biết đến, lựa chọn và sử dụng. Nhưng đó mới là bước đầu và tất cả vẫn là ở phía trước.

Các nhà báo của Báo điện tử Vietnamnet, VTC News đang cùng độc giả đối thoại với các chuyên gia. Ảnh: VTC News.
Các nhà báo của Báo điện tử Vietnamnet, VTC News đang cùng độc giả đối thoại với các chuyên gia. Ảnh: VTC News.

- Tại sao người Việt Nam vẫn chưa thực sự mặn mà với sản phẩm CNTT Việt Nam. Ông Nguyễn Lâm Thanh, theo ông thì đâu là nguyên nhân của việc này? (câu hỏi trường quay)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Theo cảm nhận của tôi, câu hỏi này là trăn trở của hầu hết những khách hàng, những độc giả Việt Nam. Có rất nhiều khán giả, độc giả Việt Nam đang mong muốn được sử dụng những sản phẩm của nước mình. Lúc đó, dù sản phẩm của chúng ta có hơi ít hơn, có hơi đắt hơn thì lúc đó chúng ta vẫn sẵn sàng sử dụng sản phẩm của chúng ta.

Chúng ta quyết định sử dụng sản phẩm ngoại nhập khi mà trong nước chúng ra không có sản phẩm để đáp ứng. Và với sản phẩm BKAV của anh Quảng thì 80 - 90% người dùng trong nước nếu sử dụng phần mềm của VN thì sẽ dùng phần mềm của anh Quảng.

Quay lại với câu chuyện của khách hàng, giả sử nếu chúng ta đi mua một sản phẩm, chúng ta sẽ quan tâm đến vấn đề chức năng, thương hiệu, giá cả của sản phẩm và chăm sóc khách hàng sau khi mua sản phẩm. Lại nói về những quốc gia trên thế giới, khi nói đến hàng hóa của Nhật người ta quan tâm đến thương hiệu, hàng hóa của Trung Quốc người ta quan tâm đến giá cả…

Các hàng hóa CNTT ở VN mình cũng phải lựa chọn, và khi đó chúng ta sẽ lựa chọn những hàng hóa mang hàm lượng văn hóa ở trong đó, tính địa phương ở trong đó. Nước ngoài thì không có những yếu tố này trong kỹ thuật…

Hiện nay, VTC cũng đã mang yếu tố văn hóa, yếu tố bản địa vào trong các dịch vụ này, yếu tố chăm sóc sau khi người dùng đã mua hàng về. Yếu tố này giúp cho các công ty địa phương. Và mình là một công ty địa phương, mình ở trong VN nên mình hiểu VN hơn, do vậy mình có đầy đủ yếu tố để phục vụ người dân VN tốt hơn.

- Tôi có một anh bạn đang sống và làm việc ở Trung Quốc. Trước đây, khi còn ở Việt Nam anh bạn tôi rất ghét dùng đồ công nghệ nào mà có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng sang Trung Quốc một vài năm rồi, khi anh về VN chơi thì tôi toàn thấy anh ta dùng máy tính, điện thoại rồi máy ảnh, thẻ nhớ cũng đều là "Made in China". Hỏi mới biết, hóa ra ở một số nước, sản phẩm nội địa của họ tràn ngập và rất rẻ. Sản phẩm ngoại nhập thì ngược lại. Vậy tại sao VN chúng ta lại không làm được điều này? (Trần Hùng, email ninhnguyenhung1719@yahoo.com)

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Theo tôi thấy, hiện nay hàng hóa Trung Quốc đang đầy đủ và đa dạng về các mặt hàng, cái họ đang thiếu là uy tín về chất lượng, và đang từng bước cải thiện chất lượng. Ngoài ra, họ chăm sóc khách hàng tốt, người dùng được dùng thử các mặt hàng, cho đến khi cảm thấy vừa lòng với sản phẩm thì doanh nghiệp mới tiến hành bán sản phẩm. Đây là kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bước đường phát triển. Đặc biệt là chú trọng vào thương hiệu, giá cả, chất lượng với sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các ban ngành Chính phủ sẽ giúp hàng hóa Việt Nam được nâng cao vị thế trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Tử Quảng (giữa) và ông Nguyễn Xuân Tài (phải) đang đối thoại trực tiếp với khán giả. Ảnh: VTC News.
Ông Nguyễn Tử Quảng (giữa) và ông Nguyễn Xuân Tài (phải) đang đối thoại trực tiếp với khán giả. Ảnh: VTC News.

- Xin lạm bàn một chút, cách đây không lâu, tôi có thấy ông Quảng trả lời một tờ báo nước ngoài là ở VN thì BKAV chỉ có đối thủ duy nhất là Kaspersky. Có nghĩa là ngay tại sân nhà thì phần mềm của ông vẫn đang phải thực sự vật lộn và gặp nhiều khó khăn với áp lực cạnh tranh từ các tên tuổi nước ngoài?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Khó khăn đấy đã là quá khứ. Chúng tôi xúc tiến thương mại hóa với BKAV từ cách đây 5 năm. Và chúng tôi là “người” đầu tiên bán những phần mềm bản quyền.

Còn nhớ năm 2005, việc sử dụng các phần mềm diệt virus bản quyền với người tiêu dùng VN là cực kỳ hạn hữu. Sau khi thấy BKAV bán được phần mềm có bản quyền, các công ty nước ngoài mới nhảy vào thị trường VN. Họ cũng có đại diện, trụ sở… Như vậy, BKAV hết chiến đấu với đối thủ này lại sang đối thủ khác.

Thực ra, trong đó có sự khắc nghiệt từ chính sự hậu thuẫn của người tiêu dùng VN. Rất nhiều người sử dụng lại coi chính sản phẩm phần mềm của mình là yếu. Trong các đối thủ của BKAV, cũng phải nói thêm rằng, rất may là vì có đối thủ nên chúng tôi mới phát triển, có đối thủ để chiến đấu. Và đó là tất yếu khách quan. Và với một đất nước đang phát triển thì điều đó là hiển nhiên. Nhờ đó chúng tôi mới phát triển, bền vũng và tăng tốc độ của mình lên, làm chúng tôi mạnh mẽ hơn.

- Có một thực tế khiến nhiều người trong số chúng ta phải trăn trở. Việt Nam có những con người có tiềm năng. Họ làm ra được những sản phẩm tiềm năng. Nhưng từ tiềm năng đến tỏa sáng thành tài năng để phục vụ đất nước và tạo nên các sản phẩm CNTT đủ sức cạnh tranh toàn cầu thì vẫn là một con đường đầy chông gai. Nhà báo Kim Long, anh có lẽ là người đã theo dõi rất nhiều những câu chuyện như thế này trong suốt hàng chục năm làm báo về CNTT. Anh có cảm nhận thế nào? (câu hỏi trường quay)

Nhà báo Đặng Kim Long: Trong 10 năm làm báo công nghệ IT tại VN, tôi nhận thấy đúng là chúng ta có những sản phẩm rất tiềm năng và con người cũng rất tiềm năng nhưng không dễ tỏa sáng. Nhìn tổng thể có 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, ở góc độ thực tế phát triển của CNTT VN, mới chỉ manh nha và phát triển trong 10 năm trở lại đây, từ ngành công nghiệp CNTT, viễn thông, Internet đến ứng dụng CNTT. Khoảng thời gian đó có thể chưa đủ để gây dựng những sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu Việt thực sự đi vào lòng công chúng, khi mà sự cạnh tranh với các sản phẩm CNTT mang thương hiệu nước ngoài gay gắt hơn bao giờ hết.

Thứ hai, ở góc độ doanh nghiệp, cũng chính khoảng thời gian một thập kỷ trên, nên các DN VN đại đa số là các DN trẻ qui mô nhỏ, tiềm lực yếu về công nghệ và kinh doanh làm thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của nhiều DN cũng chưa hẳn là chính xác khi họ luôn trực diện cạnh tranh với các thương hiệu mạnh ở các khu vực đô thị mà quên đi một chỗ dựa và bàn đạp quan trọng là thị trường nông thôn. Bên cạnh đó nhiều DN nhỏ còn có tâm lý trông chờ vào Nhà nước, với những ưu đãi kiểu như rót vốn trực tiếp để họ làm sản phẩm mà quên đi rằng chính bản thân họ cần phải nỗ lực để phát triển và cạnh tranh theo đúng như nguyên tắc thị trường. Một đặc điểm được coi là yếu nữa của các DN trẻ VN là thiếu sự hợp lực để xây dựng những “hệ sinh thái” cùng cạnh tranh và phát triển như ở nhiều DN nước ngoài.

Thứ ba, ở góc độ nhà nước. Trong những năm qua Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ các DN CNTT phát triển, như chính sách ưu đãi thuế, đất đai, thị trường hay gần đây nhất là những chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm CNTT nôi địa khi sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận trên thực tế những hành động của Nhà nước thể hiện lại không được như mong muốn. Đơn cử có những cơ quan đại biểu nhân dân khi đầu tư trang bị máy tính lại sử dụng sản phẩm của nước ngoài và nhập khẩu mà quên đi những máy tính thương hiệu VN hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Thứ tư, ở góc độ người tiêu dùng tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn còn lớn, tuy nhiên cũng không thể trách được họ khi những sản phẩm CNTT VN chưa thổi được vào đó những nét văn hóa hay thói quen sử dụng của chính người VN, chưa khơi dậy được niềm tự hào VN khi họ sử dụng sản phẩm.

Rõ ràng, chinh phục người tiêu dùng Việt là một chặng đường còn dài với các sản phẩm CNTT VN, nhưng tôi không bi quan. Thực tế đang cho thấy, thời điểm này đang là thời cơ để các DN VN phát triển và xây dựng những sản phẩm thương hiệu Việt đi vào lòng người VN.

- “Tôi thấy báo chí nói nhiều về việc Sóc Bay từ chối lời mời mua lại của Google. Tôi không rõ, Google định mua Sóc Bay là mua cái gì? Và Google ra giá bao nhiêu mà Sóc Bay lại từ chối?” (Độc giả có địa chỉ email nguyendinhmedia@gmail.com)

Ông Nguyễn Xuân Tài: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Không chỉ bạn mà rất nhiều cơ quan truyền thông quan tâm tới vấn đề này. Câu hỏi của chúng tôi là tại sao sản phẩm của Sóc Bay lại được Google quan tâm?

Cách đây hơn 3 năm, Google đã có lời mời chúng tôi sát nhập. Tôi thấy rằng nó là nhờ con mắt của người phát triển công ty của Google, họ nhận thấy rằng chúng tôi có thể đóng góp được cho Google vào phần khuyết thiếu mà Google đang có.

Google đã đánh giá cao đội ngũ của chúng tôi, và còn nhiều lý do khác nữa mà chúng tôi cũng chưa thực sự biết được. Tôi cũng không thể nói chính xác Google đã ra giá bao nhiêu đối với chúng tôi, vì đây là một ràng buộc bí mật mà chúng tôi đã kí với họ… Và ngay lúc đó chúng tôi cũng nhận thấy rằng nó chưa đạt được cái giá mà chúng tôi đưa ra và chúng tôi đã phải lựa chọn giữa đấu tranh đi tiếp hay là đầu hàng.

- Xin chào chương trình. Tôi là một người làm báo ở Cà Mau. Theo dõi chương trình từ đầu và thấy có nói Ông Nguyễn Lâm Thanh cùng công ty VTC Intecom đang xây dựng dự án mạng xã hội Việt Nam. Qua báo chí, tôi cũng biết, mạng xã hội này có thể sẽ là một phương tiện chuyển tải các phong tục, văn hóa của Việt Nam tới cộng đồng trực tuyến. Nhưng tôi vẫn có một thắc mắc, mạng xã hội thành công hay không chính là ở tính cộng đồng. Văn hóa cũng là do cộng đồng xây dựng. Chứ nếu đặt mục tiêu là để quảng bá văn hóa Việt Nam thì tôi nghĩ nên chăng, chúng ta làm một diễn đàn còn hơn là làm một mạng xã hội? (Hoàng Văn Phương, Cà Mau).

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Trả lời câu hỏi này tôi xin trả lời 2 phần. Thứ nhất là tại sao chúng ta cần xây dựng mảng xã hội, và thứ 2 là VTC mong muốn xây dựng mạng xã hội ấy như thế nào?

Cảm ơn câu hỏi của bạn nhưng trong câu hỏi có chỗ chưa hẳn chính xác: Đó là thông tin VTC Intecom xây dựng mạng xã hội để quảng bá văn hóa Việt Nam.

Thông tin này không sai nhưng chưa đủ. Có thể thấy xã hội trên Internet và trên điện thoại di động đang rất phát triển, hiện ở nước ta số thuê bao điện thoạt đã vượt qua số dân. Và số người dùng Internet đã chiếm 24-25% dân số, tăng trưởng nhanh.

Hiện nay VTC Intecom đang phục vụ cộng đồng dùng Internet các dịch vụ giải trí, học tập... với khoảng 40 triệu khách hàng. Nếu tính mỗi người 4 tài khoản thì vẫn còn 10 triệu người sử dụng. Khách hàng VTC Intecom còn trẻ, nên tính ra 80-90% khách hàng trẻ đang dùng sản phẩm của VTC Intecom.

Trong trào lưu đó, chúng tôi thấy cần thiết phải xây dựng một mạng xã hội chung cho khách hàng của VTC. Một điều nữa, VTC là doanh nghiệp trực thuộc Bộ TT&TT, về bản chất là một doanh nghiệp nhà nước, có trách nhiệm bảo vệ truyền thống bản sắc văn hóa, trách nhiệm xây dựng một mạng xã hội… nên có nhiều thông tin rằng VTC xây dựng mạng xã hội để quảng bá văn hóa Việt Nam.

Trên cơ sở đó, VTC Intecom xây dựng mạng xã hội với 3 thuộc tính:

- Thứ nhất, đây là địa chỉ sinh hoạt của các khách hàng, bạn trẻ trong nước và nước ngoài. Xin chia sẻ một thông tin, sau khi VTC Intecom mở rộng thị trường sang Hàn Quốc thì đến nay đã có 1 triệu người Hàn Quốc sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi xác định, xây dựng một xã hội ảo ở trên Internet là để phản ánh những gì diễn ra ở xã hội thực, ngoài ra nó còn có những cái mà xã hội thực không có.

- Thứ hai, thông qua địa chỉ sinh hoạt này, sản phẩm của VTC Intecom góp phần làm cho sản phẩm mạng hiện nay lành mạnh hơn, có định hướng hơn.

- Điều thứ ba và quan trọng nhất, đó là chúng tôi xác định, phải làm cho khách hàng của VTC Intecom cảm thấy hạnh phúc, hài lòng hơn ở cả 3 việc: giải trí trực tuyến, học tập trực tuyến, làm việc trực tuyến.

- Tôi thấy ở Trung Quốc, tìm kiếm trực tuyến họ dùng Baidu, còn chat thì họ dùng một công cụ gọi là Kiu Kiu. Một số người Trung Quốc nói, họ chỉ biết và dùng những công cụ này mà chẳng quan tâm tới Google hay Yahoo. Vậy, Trung Quốc liệu có phải là một bài học để những công cụ trực tuyến của Việt Nam tự nhìn lại mình? (Nguyễn Hồng Đại, email hatthocvang46@yahoo.com)

Ông Nguyễn Xuân Tài: Trung Quốc là một bài học lớn trên mọi phương diện từ marketing, tìm kiếm khách hàng cho đến chăm sóc khách hàng. Đặc biệt là sản phẩm như Baidu, QQ lại là những sản phẩm thành công rực rỡ hơn nữa.

Không chỉ Trung Quốc mà còn những nước khác như Hàn Quốc có Naver, Nga có Yandex đều là những ví dụ kinh điển của việc tận dụng lợi thế nội địa để cạnh tranh với các sản phẩm của các đối thủ nước ngoài. Do vậy, tại VN chúng tôi cũng nghiên cứu những trường hợp đó rất kỹ để rút ra những kinh nghiệm, bài học và hướng đi cho công cụ tìm kiếm công nghệ lõi VN.

* Do thời lượng buổi đối thoại có hạn nên còn rất nhiều câu hỏi của độc giả chưa được giải đáp. Độc giả còn vấn đề quan tâm xin gửi câu hỏi theo mẫu dưới đây.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0