Tại cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2009, một sản phẩm tuy không đạt giải cao nhưng đã tạo được ấn tượng đẹp đối với hội đồng giám khảo - đó là phần mềm “Quê hương đất nước tôi” của tác giả Lục Trọng Hiếu - cán bộ kỹ thuật thuộc Phòng Quản lý mạng và Dịch vụ viễn thông, VNPT Cao Bằng.
Tại website của cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2009, phần mềm được Ban Tổ chức giới thiệu là qua đó, những người yêu thích tìm hiểu văn hoá dân tộc các vùng miền, các ban ngành nghiên cứu, quản lý văn hoá có thể tìm hiểu được những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng, Mông đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng với ngôn ngữ tiếng nói giao tiếp, những làn điệu dân ca đặc sắc hiện vẫn còn lưu giữ sau bao năm tháng, những hình ảnh đẹp, trực quan phản ánh sinh động đời sống văn hoá của các dân tộc…
Từ tình yêu quê hương…
Gặp phóng viên Báo BĐVN, Hiếu kể: Là tỉnh miền núi phía bắc của Tổ quốc, Cao Bằng là nơi có nhiều di tích và thắng cảnh. Đến hôm nay, cho dù đã có nhiều đổi thay nhưng cuộc sống nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn với phần lớn là người dân tộc thiểu số, lĩnh vực khoa học CNTT tại địa phương còn chậm phát triển. Sinh ra và lớn lên tại Cao Bằng, bản thân cũng là một người dân tộc Nùng, chứng kiến đất nước đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, nhưng những giá trị về văn hoá, về ngôn ngữ của bản sắc dân tộc ngày càng bị mai một. Thế hệ trẻ như Hiếu tuy là người dân tộc nhưng tiếng nói của chính dân tộc mình thì lại không biết nhiều do môi trường giao tiếp hạn chế. Chính vì thế, những nguy cơ về chuyện dần đánh mất ngôn ngữ cội nguồn, những làn điệu âm thanh, tiếng đàn tính mang đặc trưng bản sắc quê hương… là rất lớn. Vì lý do đó, năm 2007 Lục Trọng Hiếu đã có ý tưởng ứng dụng CNTT để làm một điều gì đó để gìn giữ những nét đặc trưng văn hoá, ngôn ngữ của dân tộc Tày, Nùng, Mông. Vậy là “Quê hương đất nước tôi” - phần mềm viết về dư địa chí, non nước, con người của vùng đất Cao Bằng, nơi lưu giữ tiếng nói ngôn ngữ của dân tộc Tày, Nùng, Mông và những nét văn hoá đặc sắc của mỗi dân tộc, những điệu hát đặc trưng đã ra đời.
Hiếu tâm sự, điều có ý nghĩa nhất của phần mềm là sau này xã hội dù có phát triển tới đâu, những giá trị văn hoá của các dân tộc có thể bị mai một trong thực tế nhưng phần mềm với ý nghĩa là một sản phẩm văn hoá phi vật thể với ngôn ngữ, hình ảnh trực quan sinh động sẽ là nơi lưu giữ những nét đẹp của dân tộc Tày, Nùng, Mông…
… Đến đề tài CNTT cấp tỉnh đầu tiên của Cao Bằng
Khó khăn lớn của tác giả Lục Trọng Hiếu khi làm phần mềm đó là thu thập dữ liệu hình ảnh thực tế, sưu tầm, thu âm ngôn ngữ và bài hát dân ca đặc trưng của dân tộc Tày, Nùng, Mông tại các địa phương trong tỉnh Cao Bằng. Hiếu cho biết, để thu âm ngôn ngữ và sưu tầm những bài hát đặc trưng, Hiếu đã cùng chiếc xe máy lặn lội khắp các vùng quê, lội suối băng rừng để đến với các bản làng, tham dự các hoạt động sinh hoạt văn hoá. Do hàng ngày còn bận công việc tại cơ quan, nên Hiếu chỉ dành được chút thời gian rảnh rỗi vào ngày nghỉ, ban đêm để đi tìm hiểu và viết phần mềm nên sản phẩm đến khi công bố cũng trải qua quãng thời gian kéo dài ngót 3 năm. Đến nay, kho dữ liệu phần mềm “Quê hương đất nước tôi” đã đạt con số ấn tượng: 7000 nghìn từ tiếng Tày, Nùng và khoảng 8000 từ tiếng Mông.
Ban đầu không có ai hỗ trợ, tất cả kinh phí viết phần mềm đều phải tự túc, cùng đó lắm lúc gặp khó khăn về thời gian do công việc cơ quan bộn bề và hơn hết là khó khăn trong vấn đề sưu tầm, chọn lọc để làm toát lên những giá trị tiêu biểu về văn hoá các dân tộc, Hiếu đã từng suy nghĩ: “Mình đang làm gì thế này?”. Thế nhưng, với niềm đam mê CNTT và muốn làm một điều gì đó cho quê hương, cho dù đó là sản phẩm rất bình thường, Hiếu đã vượt qua tất cả. Cuối năm 2008, qua sự ủng hộ và khích lệ của bạn bè, Lục Trọng Hiếu đã mạnh dạn làm tờ trình gửi lên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng xin hỗ trợ kinh phí để có điều kiện hoàn thiện hơn phần mềm. Và may mắn, ngay sau thời điểm đó sản phẩm đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh và được chọn làm đề tài khoa học cấp tỉnh do Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan chủ quản. Trong tháng 11/2009, tin vui đã đến với chàng trai người dân tộc Nùng Lục Trọng Hiếu là đề tài đã được nghiệm thu và trở thành đề tài thuộc lĩnh vực khoa học CNTT cấp tỉnh đầu tiền của tỉnh Cao Bằng.
Công tác tại VNPT Cao Bằng từ năm 2005 với chuyên môn Viễn thông – CNTT (Lục Trọng Hiếu tốt nghiệp Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông Hà Nội), ngoài công việc chuyên môn, Hiếu còn tham gia công tác Đoàn thanh niên của VNPT Cao Bằng. Tham gia nhiều hoạt động phong trào thi đua sản xuất, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo của Tập đoàn VNPT, năm 2007 Lục Trọng Hiếu đã đạt giải nhất cải tiến kỹ thuật của VNPT Cao Bằng với phần mềm Quản lý thuê bao ADSL, năm 2008 đạt giải nhất sáng tạo của VNPT Cao Bằng với phần mềm Điều hành sản xuất kinh doanh qua mạng MegaWan... Với những nỗ lực trong công việc và hoạt động phong trào đoàn thể, năm 2009 Hiếu vinh dự được Ban thường vụ tỉnh uỷ Cao Bằng, Trung ương Đoàn thanh niên tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2007 – 2009, là đại biểu Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc lần thứ I do Trung ương đoàn Thanh niên tổ chức.
Với mục đích để công việc sản xuất kinh doanh của đơn vị có hiệu quả, giảm chi phí, thay thế các công việc thủ công và quản lý đồng bộ, khoa học, hiện chàng trai người dân tộc Nùng Lục Trọng Hiếu đang cùng các cán bộ VNPT Cao Bằng đang gấp rút triển khai làm phần mềm Điều hành thông tin 119, phần mềm tạo phiếu yêu cầu cung cấp các dịch vụ Viễn thông - CNTT qua hệ thống mạng MegaWan.
Qua phần mềm, người sử dụng là cộng đồng các dân tộc anh em trong cả nước có thể hiểu biết và giao lưu văn hoá, góp phần dù nhỏ bé vào việc tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Theo Ictnews