Thứ bảy, 03/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 30/10/2006
CNTT-TT Việt Nam “hậu” WTO: Sẽ bơi ra biển lớn!

Câu chuyện về những cơ hội và thách thức sẽ xuất hiện sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã được rất nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội…


ở Việt Nam bàn luận suốt thời gian dài qua. Công nghệ thông tin - truyền thông cũng không là ngoại lệ. Mới đây nhất, Hội Tin học Việt Nam đã tổ chức riêng một diễn đàn với chủ đề “CNTT-TT Việt Nam hội nhập WTO: Cơ hội và thách thức” như điểm khởi đầu trước khi Việt Nam sẵn sàng công bố chi tiết các văn kiện gia nhập WTO, xác định rõ hơn một số vấn đề và hướng đi cụ thể của các đối tượng liên quan.

Nhiều cơ hội bơi ra biển lớn
Với báo cáo "Gia nhập WTO - Một số suy nghĩ về cơ hội và thách thức đối với Viễn thông và CNTT Việt Nam", TS. Nguyễn Thành Phúc - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính Viễn thông & Công nghệ thông tin (BCVT & CNTT) thuộc Bộ BCVT khẳng định, cơ hội sẽ đến khá nhiều ở 3 lĩnh vực: hàng hoá CNTT, dịch vụ CNTT và dịch vụ Viễn thông. Hàng hoá CNTT và dịch vụ CNTT được dự đoán sẽ có điều kiện mở rộng thị trường của mình hơn, khả năng thu hút vốn đầu tư FDI của các quốc gia, các tập đoàn viễn thông lớn như Nhật Bản, Intel sẽ ngày càng nhiều hơn. CNTT & TT thế giới đang có xu hướng thuê gia công phần mềm, lắp ráp điện tử và triển khai nghiên cứu phát triển (R&D) tại các nước đang phát triển. Việt Nam đang có nhiều cơ hội được các công ty đa quốc gia lựa chọn làm cơ sở thứ hai để dự phòng cho các thị trường ưu tiên hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ. Việc phát triển các dịch vụ bổ sung cho những công ty đa quốc gia về CNTT-TT như dịch vụ tích hợp, bảo hành, bảo trì sẽ tiếp tục thu hút các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Đề cập tới vấn đề WTO với thương mại điện tử (TMĐT), theo ông Trần Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ TMĐT - Bộ Thương mại, lĩnh vực TMĐT khi gia nhập WTO sẽ giải quyết, điều chỉnh ba lĩnh vực lớn gồm: hàng hoá, dịch vụ và sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại. Ông Hải đưa ra những cơ hội: Cạnh tranh sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm tới TMĐT để  tồn tại và vươn lên, từ đó tăng cường khả năng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài; Cơ hội lựa chọn phương thức kinh doanh, mua sắm cũng sẽ nhiều hơn; Đặc biệt, sẽ có thêm nhiều khả năng cắt giảm chi phí, hợp lý hoá quy trình sản xuất.
Với con mắt của người ngoài cuộc, ông Michael Mudd, Giám đốc chính sách khu vực Châu Á-TBD của CompTIA lại nêu lên một số cơ hội như: các mức thuế xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ cao và phần mềm sẽ thấp hơn trước, ngành công nghiệp gia công trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ có tiềm năng phát triển mạnh hơn.
Bao quát những cơ hội của CNTT-TT Việt Nam thời gian tới, TS. Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ BCVT mong muốn sau khi gia nhập WTO, nền CNTT-TT nước nhà sẽ "bơi ra biển lớn, vượt lên trên những con cá mập để có được thành công".

Bơi được bao xa?
Những cơ hội đang khá rõ nét, song CNTT-TT Việt Nam có thể bơi ra biển lớn bao xa lại là câu hỏi không dễ trả lời bởi thách thức mà ngành CNTT-TT Việt Nam phải đối mặt cũng sẽ không ít. Theo ông Michael Mudd, đó là “sự nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nhiều hơn đối với những biến đổi của nền kinh tế toàn cầu. CNTT-TT Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn từ các đối thủ quốc tế có tầm cỡ, và phải tuân theo các luật lệ của WTO, được đánh giá là có sự khác biệt khá lớn so với hệ thống thị trường mà Việt Nam đang có. Một thách thức khác, đó là phải giữ được sự trung lập về mặt công nghệ, tránh bị phụ thuộc vào các tiêu chuẩn công nghệ của nước ngoài, đồng thời, ngành CNTT-TT Việt Nam cũng phải nắm rõ và tuân theo các tiêu chuẩn công nghệ phổ biến của thế giới để có thể đưa ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn tương thích”.
Trong số những thách thức đặt ra thời hậu WTO, dư luận đặc biệt nhấn mạnh tới hai vấn đề: năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và vấn nạn vi phạm bản quyền phần mềm. Giám đốc CMC Group Nguyễn Trung Chính thừa nhận, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, CMC hiện vẫn thiếu tính chiến lược trong hoạt động của mình, nhân lực ít, vốn lại nhỏ, năng lực cạnh tranh về công nghiệp, kỹ thuật và dịch vụ còn rất yếu. Ông Chính mong muốn Nhà nước hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp biết được những thách thức mà họ sẽ gặp phải, hiểu rõ hơn về chính bản thân mình để sớm có đủ năng lực cạnh tranh.  Đây cũng là ý kiến của đông đảo giới doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam.
Còn với thách thức vi phạm bản quyền, tuy tỷ lệ vi phạm đã giảm từ 96@ năm 2003 xuống 90% năm 2005, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia đứng đầu danh sách đen của thế giới, khiến cho CNTT-TT Việt Nam bị “trói chân”, rất khó phát triển và thu hút các cơ hội đầu tư từ nước ngoài. Ví dụ điển hình, trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Chủ tịch tập đoàn Microsoft - Bill Gate đã hứa hẹn giúp đỡ Việt Nam phát triển CNTT nhưng chưa có kế hoạch cụ thể đầu tư vào Việt Nam vì còn e ngại về vi phạm bản quyền phần mềm. Nhiều nhà đầu tư khác cũng ngần ngại, dè dặt như vậy.
Dường như trước rất nhiều cơ hội, thách thức cũng sẽ nặng nề hơn khi mà theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, vẫn đang tồn tại một thế giới chưa phẳng, đòi hỏi cạnh tranh bình đẳng giữa những đối thủ không cân sức về cả kinh nghiệm, vốn và phương thức quản lý. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam tiến một bước thì các doanh nghiệp nước ngoài đã đi được bao chặng đường./.

Box 1: Trước kia, tại thị trường Việt Nam, trong một số lĩnh vực như viễn thông, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được tham gia đầu tư dưới hình thức hợp tác kinh doanh, thế nhưng sau khi Việt Nam đã gia nhập WTO, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia điều hành quản lý liên doanh, đầu tư vốn, mua cổ phần... theo lộ trình đặt ra. Đây là một điều rất mới, cũng chính là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt.

Box 2: Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt  Nam (VNPT) ví von: “Việc gia nhập WTO cũng giống như sức đẩy của một chiếc xe tăng, hoặc một chiếc xe ủi, vào con đường mòn của quá trình hoạt động, kinh doanh hàng chục năm qua. Gia nhập WTO sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thêm động lực như của một chiếc xe tăng để tháo gỡ các vật cản trước mắt, từ con đường mòn họ sẽ thẳng tiến ra con đường cao tốc rộng thênh thang".

 Box 3: “Diễn đàn - hội thảo của IT Week 2006 là điểm khởi đầu trước khi chúng ta có được chi tiết các văn kiện gia nhập WTO của Việt Nam, có tác dụng xác định rõ hơn một số vấn đề và hướng đi cụ thể của các đối tượng liên quan.  Về phía nhà nước là sự đầy đủ, minh bạch từ các văn bản luật và cơ chế chính sách cũng như các biện pháp hỗ trợ chứ không bảo trợ trong tiến trình hội nhập. Với các Doanh nghiệp là khả năng cạnh tranh, giữ vững thị trường và nâng tầm vươn ra thế giới. Đặc biệt, sẽ có một số điểm đáng chú ý như quan hệ giữa các Nhà sản xuất “lừng danh” với các doanh nghiệp cung ứng, vấn đề cạnh tranh trong phần mềm và gia công phần mềm, các vấn đề sẽ phải đối mặt khi cởi bỏ độc quyền trong Viễn thông – Internet và trào lưu của công nghiệp và dịch vụ nội dung cũng như phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam... Các doanh nghiệp cần nhận thức những vấn đề được đưa ra từ nhiều phía tại diễn đàn, kể cả kinh nghiệm quốc tế” – ông Nguyễn Long, Trưởng Ban Tổ chức IT Week 2006.

Phạm Bình Minh

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0