Thứ tư, 24/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 13/02/2010
Nông dân kích chuột làm giàu

Internet đã tràn ngập đô thị và đang từng bước về nông thôn. Giấc mơ làm giàu từ Internet của nông dân dù vẫn rất mới lạ, nhưng đã không còn quá xa vời.

Mơ ước trong tầm tay

Một sáng thức dậy, người chủ trẻ của một trang trại rau phát hiện thấy vài loài sâu lạ đang tàn phá ruộng rau đang sắp tới kỳ thu hoạch. Nhưng thay vì vội vã pha thuốc trừ sâu để phun, anh bật máy tính, lên mạng tìm thông tin. Chỉ vài phút, anh đã định dạng loại sâu hại và tìm ra địa chỉ một viện nghiên cứu cung cấp loài côn trùng thiên địch. Tiếp theo là cuộc điện thoại tư vấn, hoặc đặt hàng qua email…

Đó là giấc mơ của tôi, hay ước mơ cho những “anh hùng” trên đồng ruộng. Chuyện nhà nông “cuốc cày trên mạng” chắc chắn sẽ trở thành phổ biến trong tương lai, thậm chí có thể là chỉ trong vài ba năm tới. Nhưng có người ngờ vực “giấc mơ ấy quá lạc quan”. Bởi theo số liệu điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), thuộc Bộ NN&PTNT, tuyệt đại đa số nông dân vẫn xa lạ với phương thức truyền thông mới này. Theo khảo sát của IPSARD, có tới 72,4% nông dân được hỏi trả lời chưa từng biết Internet là gì. Tỷ lệ này đối với các tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu, Lâm Đồng… lên tới trên 90%. Tỷ lệ ấy phản ánh một thử thách nặng nề.

Nhưng rất nhiều người vẫn tin vào tiềm năng học hỏi, sáng tạo của nông dân. Và trong thực tế, đã có một số nông dân vượt lên khỏi số đông để bước vào không gian huyền ảo của Internet.

 

1.jpg
Nông dân huyện Mỏ Cày - Bến Tre háo hức khám phá Internet.

Những người thức dậy trước bình minh

Một trong những nông dân để lại nhiều ấn tượng với chúng tôi là ông Lê Quốc Kỳ ở xã miền núi Hoà Phú (Hoà Vang, Đà Nẵng). Từ chỗ một nông dân sinh sống bằng nghề đốn củi, đốt than, giữ bò, nấu rượu, vá xe trong suốt 30 năm, ông Kỳ đã trở thành nông dân giỏi với đàn bò gần 100 con, đàn heo vài chục con. Ông còn trồng rừng và 5 sào chuối nữa, mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Nhưng điều đặc biệt khiến ông Kỳ trở nên khác với những nông dân làm ăn giỏi tại địa phương là ông rất đam mê tìm hiểu máy tính.

Từ khi xã có những chiếc máy vi tính đầu tiên, ba tháng liền, bất kể mưa hay nắng, ngày nào ông cũng đạp xe 70km cả đi lẫn về xuống trung tâm TP. Đà Nẵng để học vi tính. Vừa học, ông vừa thực hành tìm kiếm thông tin trên mạng về kiến thức sản xuất, chăn nuôi, các mô hình tiên tiến, ông in ra rồi phát cho hội viên. Ai muốn học ông, ông sẵn sàng giúp đỡ, bày cách vào mạng. Không chỉ dừng lại đó, ông Kỳ còn tập viết báo và trở thành một nhà báo làng quê, cộng tác với nhiều báo trung ương. Ông khoe với chúng tôi: “Từ nhuận bút góp được, tôi đã mua một máy tính xách tay để tiện truy cập Internet và gửi bài cho các báo. Hiện nay khu vực phía tây Hoà Vang đã có đường truyền Internet độ cao (ADSL), nên chúng tôi vào mạng rất thuận lợi”.

Ở Đồng Nai, một số nông dân giỏi cũng bắt đầu lập doanh nghiệp, xây dựng website giới thiệu sản phẩm và bán được nhiều hàng hơn. Ông nông dân Hồ Sáu (xã Tây Hoà, huyện Trảng Bom) từng được suy tôn là “vua mì miền Đông” (vua trồng sắn), nay đã là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Việt Nông Lâm. Từ khi lập website quảng bá, ông đã nhận được đơn đặt hàng từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đặt mua thức ăn cho bò sữa do công ty sản xuất. Mọi thoả thuận giá cả, chất lượng lô hàng, địa điểm, thời điểm giao hàng, phương thức thanh toán… đều qua email.

 

1.jpg
“Nhà báo làng” Lê Quốc Kỳ.

Nối mạng để chống tư thương ép giá

Đây lại là một câu chuyện khác, câu chuyện về những người nông dân nhỏ lẻ được liên kết với nhau, tự bảo vệ mình bằng sức mạnh của mạng Internet. Câu chuyện chúng tôi ghi nhận tại HTX rau an toàn Thành Lợi (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, Vĩnh Long). Anh Lê Văn Trung - Chủ nhiệm HTX này vui vẻ kể: Chúng tôi gồm 136 thành viên, thành lập cách đây 4 năm để tìm đầu ra cho rau quả. Nhưng các công ty về đây thu mua thường đưa ra giá mua sỉ rất thấp, không bán thì ế...

Từ khi được đầu tư một máy tính nối mạng Internet và được tập huấn kỹ năng quản lý tổ chức sản xuất, tiếp thị, khai thác thông tin và kỹ năng bán hàng, chúng tôi đã tự tin hơn. Giờ ngồi một nơi, chúng tôi có thể nắm được giá cả các chợ đầu mối như chợ Tân Xuân, chợ Thủ Đức (TP. HCM) và các chợ địa phương khác vào bất cứ lúc nào. Do đó, trong đàm phán giá bán sỉ, chúng tôi làm chủ được tình thế.

Máy trạm Internet và mạng thông tin thị trường mà anh Trung khai thác có tên là Dự án thông tin thị trường nông nghiệp Việt Nam (VAMIP), do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) chủ trì và Chính phủ Canada tài trợ. Theo tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc cơ sở phía Nam của IPSARD, hiện có khoảng 50 tổ nhóm nông dân, HTX và các cơ quan hữu quan ở 9 tỉnh miền Nam đã nhận được sự hỗ trợ thông tin thị trường trên mạng của VAMIP. Từ đây, nông dân sẽ quyết định bán giá nào và bán ở đâu cho có lợi nhất.

Không chỉ chủ động khai thác chuỗi giá từng ngành hàng, các nhóm nông dân còn “nối mạng” thông tin bằng cách gửi báo giá những mặt hàng của mình bán trong ngày lên mạng của VAMIP. Nhờ vậy, thông tin được cập nhật thường xuyên với độ tin cậy cao. Đây là một cách “đầu tư thông tin” hay nói cách khác là “cho để nhận” - một cách liên kết tuyệt vời để chống lại những mánh khoé ép giá của tư thương.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0