Thứ tư, 24/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 09/02/2010
“VNPT xứng đáng anh hùng trong đổi mới”

Gắn bó, dõi theo từng bước đi của VNPT trong nhiều năm qua, nhân dịp Tập đoàn đón nhận Danh hiệu Anh hùng lao động, điều GS.TSKH. Đỗ Trung Tá muốn gửi gắm đến hàng chục nghìn cán bộ, công nhân viên VNPT vẫn là phương châm hành động: “Uy tín là nguồn thu vô giá. CNTT là nguồn thu tương lai”.

Gắn bó với VNPT trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất, đóng góp to lớn vào thành tựu phát triển KTXH với cương vị chủ tịch HĐQT, GS.TSKH. Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về công nghệ thông tin kiêm Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông đã dành cho BĐVN cuộc trò chuyện xung quanh sự kiện VNPT đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Gắn liền với lịch sử 65 năm ngành Bưu điện Việt Nam, theo ông những thành công nào là nổi bật nhất của VNPT, nhất là kể từ khi VNPT được tách ra kinh doanh độc lập?

Thành công nổi bật nhất của VNPT là đi thẳng vào hiện đại, nhanh chóng sử dụng kỹ thuật số, thực hiện số hóa mạng lưới đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực tương xứng với công nghệ mới và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, phải nói là chủ trương “lấy ngoài nuôi trong”, tức lấy hợp tác quốc tế làm khâu đột phá kinh doanh để từ đó có tiền đầu tư trở lại mạng lưới trong nước. Hợp tác nước ngoài đầu tiên của VNPT là Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Telstra của Úc năm 1987 thành công đã mở ra nhiều thắng lợi liên tiếp sau này.

Thứ ba là tự chủ kinh doanh. Khởi đầu của những năm Đổi mới 1986, ngành đã quyết định chuyển hẳn sang tự hoạch toán, tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. VNPT chỉ xin nhà nước cơ chế, không xin tiền.

Thứ tư là đã rất chủ động trong mặt cập nhật với công nghệ mới và xu hướng phát triển của thế giới qua đó chuyển giao được kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của họ.

Thứ năm, phải nói VNPT đã giữ vững được vai trò chủ lực, giúp nhà nước điều tiết được thị trường cho nên trong hội nhập và cạnh tranh, ngành Bưu chính, Viễn thông, CNTT vẫn có bước phát triển mạnh.

Và điều cuối cùng có thể nói: VNPT đã nối tiếp sức mạnh truyền thống của Ngành, dũng cảm, hy sinh, hết lòng phụng sự cho Tổ quốc. Chính vì thế nên VNPT được sự ủng hộ của nhân dân, của Đảng, của Nhà nước và với sự quan tâm đó, VNPT đã vượt lên khó khăn, khắc phục khuyết điểm để tự hoàn thiện mình và ngày càng đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

1.jpg

Trong suốt cuộc đời sự nghiệp gắn bó với VNPT, từ khi là Chủ tịch HĐQT VNPT cho đến thay mặt Chính phủ quản lý Nhà nước đối với VNPT trong thời gian làm Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông, ông có kỳ vọng gì với VNPT mà cho đến nay chưa đạt được?

Phải nói có những lúc phấn đấu sao cho VNPT đạt doanh thu một tỷ đô la vào năm 1998 nhưng lúc đó trượt giá nên mãi đến năm 2000 mới đạt được mục tiêu này. Lúc đó, đối với một doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông đây là một kết quả rất lớn. Tuy nhiên, tôi thường nhấn mạnh đối với VNPT là Uy tín mới là nguồn thu vô giá và CNTT mới là nguồn thu tương lai.

Thế thì cũng có những lúc uy tín của VNPT bị ảnh hưởng vì việc này việc khác và nó đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Thứ hai, liên quan đến những sản phẩm, giải pháp về CNTT xuất phát từ VNPT chưa nhiều. Nếu giả dụ ta có một ngành công nghiệp CNTT từ VNPT phát triển ra thì bây giờ nó sẽ tạo ra một nguồn thu khổng lồ thông qua việc phát triển ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực nói chung và trong việc sản xuất nội dung cho 3G, IPTV, cho Internet tốc độ cao nói riêng. Nếu ta chuẩn bị trước chục năm thì cơ hội đến nay là rất lớn.

Người ta ngày càng thấy rằng sức mạnh tài chính của một doanh nghiệp viễn thông không phải chỉ thể hiện trên số lượng thuê bao mà thể hiện rõ rệt qua lưu lượng dịch vụ chạy qua mạng lưới viễn thông đó. Những cái đó có thể coi là bài học kinh nghiệm để VNPT tiến xa hơn.

Như thế có nghĩa từ trước đến nay VNPT quá chú trọng đến phát triển hạ tầng mạng lưới phải không ạ?

Hạ tầng cũng rất quan trọng, nhất là hạ tầng băng rộng nhưng càng băng rộng (ví dụ như mạng NGN) càng phải chú ý đến CNTT. Chỉ CNTT mới tạo ra những sản phẩm, giải pháp, nội dung mới trên mạng băng rộng đó. Tức là mình nuôi sống mạng đó trong môi trường hội tụ các dịch vụ chứ không phải chỉ thoại và Internet nữa.

Xin ông cho biết tại sao VNPT lại có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành Bưu chính, Viễn thông vậy?

Nói chung trong mọi lúc, VNPT luôn giữ vững là doanh nghiệp nhà nước chủ lực, không chỉ chú ý tới mặt kinh doanh mà tới cả lợi ích xã hội. Có nhiều việc VNPT đã thực hiện tốt nhằm vào lợi ích cộng đồng như cardphone, cityphone, điểm Bưu điện – Văn hóa xã, đưa điện thoại và Internet về làng, vùng sâu, vùng xa. Đây là những dịch vụ dành cho người nghèo, mang tính chất phục vụ cộng đồng, xã hội cho nên đó là những hoạt động khó tính bằng lợi nhuận mà phải tính bằng lợi ích đem lại cho xã hội.

Nhưng thưa ông, nhiều dịch vụ như nói ở trên không đạt kết quả như mong muốn như cardphone, cityphone chẳng hạn?

Khi các công nghệ và dịch vụ mới ra đời, nó phủ nhận cái cũ. Đó là tiến trình phát triển, đi lên. Công nghệ mới phủ định công nghệ cũ thể hiện sự tiến bộ khoa học và công nghệ. Ví dụ cardphone, cityphone xuất hiện vào thời điểm mật độ điện thoại quá thấp, di động chưa phát triển. Như máy nhắn tin ấy, ban đầu phát triển rất mạnh nhưng sau ta phải bỏ đi vì có di động rồi.

Trong quá trình phát triển của các dịch vụ Viễn thông ở Việt Nam, chúng ta đã trải qua nhiều bước giao thời, có thể kể ra những giao thời chính như thế này: Thứ nhất là thời điểm giữa analog và kỹ thuật số. Thiết bị analog lúc đó có cái còn mới lắm nhưng mình vẫn quyết định dừng để chuyển qua số hóa. Thời điểm thứ hai là giữa telex và fax. Mình cũng có tổng đài telex mới chứ, sau phải bỏ chuyển sang fax. Thứ ba là giao thời giữa mạng lưới số đa dịch vụ ISDN với Internet. Khi có Internet thì ISDN không phát triển nữa. Thứ tư là giao thời giữa di động 2G: CDMA với GSM. Và bây giờ đang là giao thời giữa 3G, LTE với WiMAX.

Qua những bước như vậy, VNPT đều phải trải qua sự lựa chọn và quyết định. Có thể nói cho đến nay, sự tổn thất là không đáng kể so với cái lợi to lớn có được như bây giờ và cả mai sau.

Như vậy, VNPT cũng chịu nhiều thiệt thòi vì là người đi đầu về công nghệ?

Các nước phát triển trả giá nhiều hơn. Ta có lợi thế của nước đi sau. Tương tự ở Việt Nam thì VNPT là bài học tốt cho người đi sau.

Nay Viettel thường được đưa ra so sánh với VNPT nhưng rõ ràng xét về khía cạnh chi phí lựa chọn công nghệ, Viettel có lợi thế hơn VNPT nhiều, đúng không ạ?

Đúng. Đi sau phải tận dụng lợi thế, Viettel lúc đầu chọn di động 2G CDMA sau đó chuyển sang GSM. Viettel cũng được Tổng cục Bưu điện cấp phép khai thác dịch vụ giá trị gia tăng VoIP quốc tế trước VNPT nhưng lúc đó vẫn dùng chung mạng của VNPT.

Vâng, quay trở lại câu hỏi vừa rồi, xin ông cho biết tại sao trước đây quy hoạch phát triển ngành Bưu chính, Viễn thông bám sát vào sự phát triển của VNPT hay nói cách khác, VNPT có ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển ngành?

Bởi VNPT được thành lập lâu rồi, mãi đến năm 1997 mới có doanh nghiệp mới nên qui hoạch phải dựa vào doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có đầy đủ hạ tầng là đúng thôi. Với lại là một doanh nghiệp Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao. Nhiệm vụ rất nặng nề, thậm chí nhiệm vụ ghi trong các Nghị quyết của Đảng được giao cho VNPT thực hiện là chính.

Cho nên đã có rất nhiều người trong ngành nói danh hiệu Anh hùng Lao động này VNPT đã chờ quá lâu. Ông nhận xét như thế nào về ý kiến này ạ?

Nhận xét như vậy chỉ là tương đối, là thể hiện khía cạnh tình cảm. Thực ra việc phấn đấu anh hùng của những doanh nghiệp lớn như tập đoàn VNPT khó vì doanh nghiệp lớn quá, cũng dễ có chuyện này chuyện khác làm mất uy tín và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh. Cái thứ hai là chủ trương của Nhà nước là tập trung khen thưởng danh hiệu Anh hùng cho các cá nhân và tập thể nhỏ.

Điều mà tôi cảm thấy vui là khi VNPT đạt danh hiệu Anh hùng, có một số đồng chí ở các ngành khác, các đồng chí thậm chí về hưu, không phải trong ngành Bưu điện nhưng rất am hiểu ngành Bưu điện đã gọi điện chúc mừng. Có người còn nhầm đây là lần thứ hai. Tức là về mặt nào đấy VNPT đã có chút anh hùng trong lòng dân rồi. Tôi cũng thấy phấn khởi đối với sự ghi nhận công lao của cán bộ công nhân viên VNPT. Để trở thành anh hùng VNPT đã vượt qua nhiều khó khăn và ngày càng tỏ rõ sức mạnh của mình.

Sức mạnh đó năm 2009 đã được bật lên, trong thời điểm tác động của suy thoái kinh tế mà VNPT vẫn đạt kỷ lục doanh thu hơn 78 nghìn tỷ đồng, tăng 30%?

Có thể nói sức mạnh tiềm tàng của VNPT rất lớn, không phải ngành nào cũng có được. Phải nói kết quả kinh doanh năm 2009 của VNPT là một thành quả hết sức ngạc nhiên, đáng trân trọng.

Và cũng phải khẳng định đội ngũ lãnh đạo trẻ VNPT hiện nay rất đoàn kết và rất quyết tâm. Công việc chỉ đạo điều hành rất sát sao, linh hoạt, phân cấp mạnh và tinh thần trách nhiệm cao tạo nên được khí thế mới nên VNPT đạt được kết quả tương xứng.

1.jpg

Mặc dù vậy, trước đây gắn với ngành Bưu điện, VNPT có những tên tuổi như Đặng Văn Thân, Đỗ Trung Tá, Mai Liêm Trực… nhưng hiện nay điều đó còn vắng ở VNPT. Ông nghĩ sao về điều này?

Đấy cũng là văn hóa ngành Bưu điện đấy. Nét văn hóa này thường dành tôn vinh cho những người đã thôi nhiệm vụ, đã nghỉ hưu và khi người ta có đủ thời gian để nhận xét, đánh giá.

Qua sự việc doanh số tăng tới 30% trong lúc khó khăn này thì phải nói có công lớn của cán bộ công nhân viên và của lãnh đạo VNPT, người lo bằng một kho người làm cơ mà. Cho nên cứ ở đà này sẽ xuất hiện những người gắn bó tên tuổi với VNPT ở mức độ cao hơn. Tất nhiên, càng về sau càng khó hơn, mức độ cạnh tranh mạnh, điều kiện khó khăn hơn, thị trường biến động… đòi hỏi những anh chị em này phải có cố gắng, nỗ lực hơn.

Đã là người lãnh đạo đều phải nghĩ mình sẽ để lại điều gì đó trong một lĩnh vực mà mình lãnh đạo dù nó luôn luôn biến động. Rồi mỗi cán bộ nhân viên phải tự hào về cái gì mà mình đã đóng góp và ngày càng tốt hơn. Tất cả như thế là khí thế của một doanh nghiệp Anh hùng. Trách nhiệm sau khi nhận danh hiệu Anh hùng sẽ rất nặng nề. Hy vọng đấy là một điểm kích mới cho sự phát triển của VNPT.

Ông có nói đến vai trò chủ lực của VNPT nhưng hiện nay, trong ngành Bưu chính, Viễn thông, CNTT, khi nói đến đầu tư ra nước ngoài là Viettel, công nghiệp nội dung số là VTC, phần mềm cũng không phải VNPT. Như vậy, vai trò chủ lực của VNPT chưa thực sự trọn vẹn?

Dù có sự biến động thị trường thế nào thì vai trò của VNPT vẫn mang tính quyết định thị trường. Chủ lực có nghĩa được nhà nước sử dụng để phát triển và điều tiết thị trường. Ví dụ trước đây, muốn để Viettel phát triển, nhà nước yêu cầu VNPT tạo điều kiện kết nối và chịu sự quản lý về giá cước của Bộ Bưu chính, Viễn thông. Nếu lúc đó cũng cho VNPT hạ giá cước thì các doanh nghiệp mới rất khó đứng vững.

Còn về kinh doanh ở nước ngoài, mỗi doanh nghiệp cũng có điều kiện riêng. VNPT cũng có kinh doanh ở bên ngoài chứ không phải không, nhưng làm dưới dạng hợp tác dịch vụ nhiều hơn. VNPT lớn lên được như giờ là có đóng góp lớn của sự hợp tác quốc tế. Trong 20 năm Đổi mới, qua hợp tác quốc tế, VNPT thu hút vốn hơn 1,3 tỷ đô la trong đó phần lớn đã trở thành tài sản và nộp ngân sách 3 tỷ đô la. Sự lớn mạnh của Viettel là điều rất đáng mừng cho đất nước, nhất là sự thành công trong lĩnh vực kinh doanh ở nước ngoài và các kết quả của VTC, FPT, v.v… trong lĩnh vực phần mềm là rất đáng trân trọng và tất cả sẽ lại là những bài học kinh nghiệm hay cho VNPT trên bước đường phát triển tiếp theo. Trong cạnh tranh nên xem đối thủ như là thày dạy của mình.

Sang thập kỷ mới với nhiều điều kiện về thị trường, công nghệ thay đổi lớn, theo ông VNPT cần đổi mới như thế nào để giữ vững vai trò chủ lực?

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực hơn nữa trong các mảng công nghệ, kinh doanh, quản lý. Thứ hai là phải đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ vì đó là đòn bẩy cho cạnh tranh, quyết định sức mạnh của doanh nghiệp. Thứ ba là phải xem công nghệ thông tin là nguồn thu rất lớn cho VNPT trong tương lai, phải lợi dụng tích cực sự hội tụ của viễn thông, Internet, Phát thanh, truyền hình. Chú trọng phát triển phần mềm, sử dụng tích cực năng lực thiết kế, sáng tạo và phần mềm Việt Nam để tạo ra các sản phẩm, thiết bị được sản xuất từ VNPT.

Xin cảm ơn ông!

Lê Hạnh

VNPT đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Ngày 20/1/2010, tại Hà Nội, VNPT tổ chức trọng thể Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2010. Đến dự buổi Lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp; Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT Đỗ Trung Tá; Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNPT Phạm Long Trận… cùng với đại diện các Bộ, Ban, Ngành, các Tập đoàn kinh tế, đại diện lãnh đạo đơn vị và cán bộ công nhân viên Tập đoàn VNPT…

Trong chặng đường 10 năm phát triển từ năm 1999 – 2008, VNPT luôn giữ vững vai trò là doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực BCVT & CNTT. VNPT đã xây dựng và phát triển một hạ tầng cơ sở thông tin liên lạc hiện đại, đồng bộ và rộng khắp phục vụ đắc lực cho phát triển KT-XH, sự nghiệp CNH-HĐH, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Về sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của VNPT năm sau luôn cao hơn năm trước từ 20 - 30%.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đây là danh hiệu cao quý và thiêng liêng của VNPT, bởi để đạt được nó không phải là chuyện dễ dàng. Danh hiệu này ghi nhận kết quả lao động sáng tạo của VNPT trong 10 năm (1999 – 2008) nhưng đó cũng là thành quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, lâu dài, là kết tinh công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ CBCNVC VNPT qua các thời kỳ. Vì vậy, cần biết trân trọng, giữ gìn và phát huy danh hiệu cao quý này trong chặng đường phát triển sắp tới”. Chủ tịch nhấn mạnh thêm: “Phấn đấu giành được danh hiệu Anh hùng đã khó nhưng để giữ được danh hiệu Anh hùng mãi mãi còn khó gấp nhiều lần. Vì vậy, mong các đồng chí đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đi lên, mãi mãi xứng danh đơn vị Anh hùng”.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0