Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông chia sẻ với phóng viên Tài chính điện tử như vậy sau buổi họp chính thức đầu tiên giữa đại diện 3 Bộ Thông tin & Truyền thông - Tài chính – Công Thương với các doanh nghiệp liên quan vừa diễn ra sáng nay, 26/1/2010, tại Hà Nội.
Nhiều năm không “lời giải”
Để phát huy tối đa tiện ích của hạ tầng kỹ thuật dùng chung theo chủ trương chung của Chính phủ, nhiều năm qua, các doanh nghiệp ngành viễn thông đã thuê cột điện của ngành điện lực để treo cáp thông tin.
Theo thống kê, hiện nay, Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang sử dụng khoảng 1,1 triệu cột của ngành điện lực để treo cáp, Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng đang thuê khoảng 500.000 cột.
Sẽ không có sự tranh cãi om xòm nếu “nhà” điện không nâng mức giá thuê cột. Theo phản ánh đầy bức xúc của doanh nghiệp viễn thông thì theo mức giá mới, mỗi năm, một doanh nghiệp nhỏ như Công ty Điện thoại Hà Nội 1 phải trả cho “nhà điện” tới 17 tỷ đồng chi phí thuê cột, doanh nghiệp nhỡ nhỡ như Công ty Viễn thông Hà Nội phải chi trên 40 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu, với khoản chi khá “nặng” như thế, nhiều doanh nghiệp viễn thông không biết sẽ còn được lời lãi bao nhiêu.
Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã tính tới phương án tự xây cột vì tổng chi phí xây dựng cột sẽ chẳng thấm vào đâu so với tổng chi phí thuê cột phải trả trong nhiều năm liền.
Thế nhưng dự định này đã đi vào “ngõ cụt” khi tại nhiều địa phương, chính quyền đã “chốt hạ”, không cấp phép để xây dựng cột mới. Doanh nghiệp viễn thông chỉ còn nước “kêu trời” về sự độc quyền của ngành điện.
Mặc dù đã có không ít cuộc hội đàm giữa đại diện ngành điện lực và ngành viễn thông được tổ chức, mới đây nhất là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa đại diện của hai Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Viễn thông Việt Nam (VNPT), song đến giờ, câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ.
Chính Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp cũng nhận định rằng trong vụ việc này thì EVN có lý của doanh nghiệp điện lực, VNPT và Viettel cũng có lý của doanh nghiệp viễn thông. Nói chung là doanh nghiệp nào cũng có lý.
Tranh chấp giá thuê cột đã trở thành 1 trong 10 sự kiện CNTT-TT Việt Nam nổi bật năm 2009 theo bình chọn của Câu lạc bộ Nhà báo CNTT-TT.
3 Bộ “chụm lại”
Nhìn nhận một cách khách quan thì xác định giá thuê cột điện sao cho thoả mãn, hài lòng cả chủ đầu tư (ngành điện) và khách hàng (doanh nghiệp viễn thông và các doanh nghiệp khác) là một bài toán rất nan giải. Bởi đã là doanh nghiệp thì luôn hướng tới lợi nhuận.
Trao đổi với phóng viên Tài chính điện tử, ông Phạm Hồng Hải cho biết: hệ thống văn bản pháp luật hiện hành chưa coi giá thuê cột điện là một trong những loại giá thuộc Danh mục giá do Nhà nước quyết định. Vì thế, bước đầu, các doanh nghiệp sẽ có quyền tự thoả thuận. Trong trường hợp không thoả thuận được, vì đây là cơ sở hạ tầng chung do Nhà nước đầu tư nên Nhà nước sẽ phải có hiệp thương giá trên cơ sở giá thành, sẽ can thiệp, xem xét mức giá cụ thể và đưa ra lộ trình để đảm bảo sự hoạt động an toàn của các doanh nghiệp.
Được biết cách đây ít lâu, để đáp lại lời “kêu cứu” của các doanh nghiệp viễn thông, Bộ Công Thương đã đưa ra hạn chót để tìm kiếm “lời giải” về mức giá thuê cột là ngày 5/1.
Thế nhưng, có lẽ do bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa có “cao kiến” gì để có thể đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên liên quan nên mới dẫn đến cuộc họp chính thức lần đầu tiên giữa đại diện Liên Bộ Thông tin & Truyền thông – Tài chính – Công Thương ngày hôm nay.
Và “bởi đây là lần đầu tiên có cuộc họp chính thức với sự tham gia của đại diện 3 Bộ và các doanh nghiệp liên quan nên sẽ tiếp tục gia hạn thêm thời gian để các doanh nghiệp tiếp tục tiến hành tự thoả thuận. Do đó, thời hạn sẽ tiếp tục được lùi lại tới 28/2/2010”, ông Phạm Hồng Hải lý giải.
Sẽ vẫn khuyến khích dùng chung
Cần lưu ý rằng không chỉ doanh nghiệp viễn thông phải chịu cảnh “bị động” trước mức giá thuê cột điện của ngành điện lực. Trên thực tế, trong danh sách khách hàng thuê cột điện có tới gần chục đơn vị viễn thông, cộng thêm doanh nghiệp truyền hình cáp, các đơn vị có mạng dùng riêng…
“Tinh thần của 3 Bộ đều cho rằng hạ tầng đã được đầu tư như hệ thống cột cần phải được dùng chung và khuyến khích sử dụng chung. Tại 1 số khu vực độc quyền, không cấp phép xây dựng mới thì bắt buộc sử dụng chung. Song bên cạnh đó, vẫn có những khu vực doanh nghiệp viễn thông phải chủ động dựng thêm cột để phát triển mạng lưới viễn thông (ví dụ như trên các đường quốc lộ, cột điện lực rất cao, trọng lượng dây cáp quá nặng nên sẽ cần phải có thêm cột chống ở giữa hai cột điện)", ông Hải chia sẻ.
Nói là vậy song trên thực tế, việc “chủ động” xây cột của doanh nghiệp viễn thông cũng chẳng hề đơn giản bởi “vấp phải” khá nhiều khó khăn khi động chạm tới vấn đề quy hoạch.
Theo quy định, vấn đề quy hoạch hạ tầng công trình công cộng nói chung, trong đó có hạ tầng viễn thông thụ động (gồm cả hệ thống cột, hệ thống ăngten…) thuộc về trách nhiệm của UBND địa phương, do chính quyền địa phương “định đoạt”.
Sắp tới, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ xây dựng và ban hành Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia. Trên cơ sở quy hoạch đó, doanh nghiệp viễn thông sẽ xây dựng quy hoạch phát triển riêng của mình ở các địa phương, trong đó nêu rõ sẽ xây dựng hạ tầng cột thế nào, cung cấp dịch vụ viễn thông ra sao…. Sau khi được địa phương “thông qua”, doanh nghiệp mới được triển khai xây dựng cột mới. Một điểm đáng lưu ý ở đây là với quy định này, doanh nghiệp triển khai các công trình viễn thông ở nhiều địa phương thì sẽ phải làm việc với tất cả các địa phương đó(!)
“Dự kiến cuối quý 2, đầu quý 3 năm 2010, 3 Bộ Thông tin & Truyền thông – Tài chính – Công Thương sẽ ban hành Thông tư liên tịch, trong đó sẽ quy định cụ thể mức giá thuê cột điện. Đây sẽ là văn bản pháp lý mà các doanh nghiệp liên quan đều sẽ phải tuân thủ nghiêm chỉnh”, ông Hải cho biết thêm.
Về mặt lâu dài sẽ có Nghị định của Chính phủ quy định sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành như giao thông, xây dựng, viễn thông, điện lực, chiếu sáng công cộng, cấp thoát nước..
Còn trong thời gian từ nay đến 28/2, 3 Bộ thống nhất yêu cầu các doanh nghiệp giữ nguyên hiện trạng. Điều đó có nghĩa câu chuyện tranh cãi về giá thuê cột điện tiếp tục phải chờ “hạ hồi phân giải”.
Theo taichinhdientu.vn