Khu công nghệ cao Hoà Lạc có diện tích 1.586 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai (Hà Nội). Theo kế hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ, hết năm 2010 Ban quản lý phải giải phóng xong hoàn toàn mặt bằng để tiếp tục tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, diện tích đã giải phóng mặt bằng mới ước đạt hơn 50%, còn lại khoảng gần 50% diện tích chưa giải phóng mặt bằng, tương đương hơn 600 ha (không kể diện tích mặt hồ). Điều đáng nói, do kế hoạch giải phóng mặt bằng năm 2009 gần như không thực hiện, vì vậy năm 2010 phải hoàn thành toàn bộ kế hoạch của năm 2009 khoảng 300 ha.
Dậm chân tại chỗ
Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đến nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 5/10 khu chức năng bao gồm: khu phần mềm, khu giáo dục đào tạo, khu trung tâm, khu dịch vụ tổng hợp và khu công nghệ cao 1.Các khu còn lại đang được các nhà đầu tư triển khai bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc Nguyễn Văn Lạng, công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2009 gần như...dậm chân tại chỗ.
Trong năm qua, hội đồng giải phóng mặt bằng chỉ thực hiện cưỡng chế để thi công tuyến đường E, còn khu tái định cư 36,5 ha mới chỉ thực hiện chọn xong nhà thầu xây lắp, bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng.
Đáng chú ý, nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư trong năm 2009 gần như chưa được giải ngân. Trong đó nguyên nhân chính là do một số thay đổi, bổ sung trong quy định về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư (Nghị định 69/CP-2009).
“Đối với những phướng án đã trả tiền trước đó thường người dân có những phản ứng không tích cực, xảy ra tình trạng tái lấn chiếm để đòi tiền đền bù thêm, đồng thời gây nên những khó khăn trong khâu kiểm đếm tiếp theo”, Thứ trưởng Lạng cho biết.
Cũng chính vì gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, nên hạ tầng kỹ thuật chung của Khu công nghệ đến thời điểm này vẫn còn sơ sài, chưa đồng bộ, bất cập về hạ tầng giao thông kết nối, trong khi nguồn vốn hạn chế, các chính sách ưu đãi cho khu công nghệ cao Hoà Lạc chưa đủ mạnh.
Mới chỉ thăm dò
Theo thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng, do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa có mặt bằng sạch cùng với tình hình suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, nên các hoạt động đầu tư trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc năm 2009 chưa thực sự sôi động, nhiều nhà đầu tư tiềm năng mới chỉ dừng ở mức...thăm dò.
Dù vậy, đến nay hầu hết các khu chức năng chính đều đã có nhà đầu tư. Trong 10 khu chức năng đã có 5 khu có tỷ lệ đăng ký đầu tư gần lấp đầy 100%.
Trong năm 2009, Ban Quản lý đã cấp phép cho 5 dự án tổng vốn đầu tư là 6.298 tỷ đồng với diện tích đất là 58,6 ha, nâng tổng số dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc lên con số 37 dự án, với tổng vốn đăng ký là 9.481 tỷ đồng và 515.67 triệu USD, diện tích đất là; 169,7 ha.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, trong năm 2010 thành phố sẽ có nhiều quyết sách và sẽ thường xuyên họp bàn với các đơn vị liên quan để đưa ra các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng cũng như công tác tái định cư nhà ở cho các hộ dân tại đây.
Còn theo đại diện một số doanh nghiệp, nếu công tác giải phóng mặt bằng không được đẩy mạnh trong thời gian tới thì vấn đề hạ tầng kỹ thuật chung của khu công nghệ sẽ không thể đồng bộ, kết nối hạ tầng giao thông cũng sẽ gặp rất nhiều bất cập.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hiện đang đóng trên địa bàn mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình kêu gọi đầu tư của khu công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chỉ với hơn 50% diện tích đất được giải phóng sau 11 năm, nên việc hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm nay gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng, dự kiến phải đến năm 2012, khu công nghệ cao Hòa Lạc mới có thể kết thúc khâu giải phóng mặt bằng.
Theo Ictnews