Bộ TT&TT vừa công bố khảo sát đánh giá xếp hạng website/cổng thông tin điện tử của các bộ ngành và các địa phương. Khảo sát năm nay có 60 website của các địa phương (Đắc Lắc và Hòa Bình chưa có website, website Ninh Bình đang nâng cấp) và 19 website các Bộ và cơ quan ngang Bộ tham gia xếp hạng.
Đây là lần thứ 3 Bộ TT&TT công bố khảo sát đánh giá hiệu quả các website các bộ ngành và các địa phương về cung cấp thông tin, dịch vụ công và lượng truy cập (dựa trên số liệu của Alexa). Với các wesite địa phương, việc đánh giá mức độ truy cập được tính theo số lượt truy cập chia cho tổng dân số.
Dịch vụ công ghi điểm
Trong xếp hạng website các địa phương, TP.HCM tiếp tục duy trì vị trí số 1, đứng đầu cả nước về số lượng dịch vụ công cung cấp trên mạng và số lượng người truy cập. TP.HCM đang cung cấp 3.841 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 15 dịch vụ công ở mức độ 3, còn lại là mức 1 và mức 2.
Website của Hà Nội đứng thứ hai, tăng 2 bậc so với xếp hạng năm ngoái. Hà Nội hiện đang cung cấp 2.262 dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, chỉ số đánh giá độ hấp dẫn của website là lượng truy cập của Hà Nội lại đứng ở vị trí thứ 34/60 website, không thay đổi so với năm ngoái.
Địa phương có thay đổi lớn nhất là Quảng Ninh, xếp vị trí thứ 4, tăng 49 bậc so với xếp hạng năm ngoái. Website Quảng Ninh đứng thứ hai về cung cấp dịch vụ công trực tuyến với trên 2.100 dịch vụ.
Điểm đáng chú ý trong xếp hạng website các địa phương, theo báo cáo của Bộ TT&TT, là số lượng địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tăng gấp 3 lần. Hiện có 18 địa phương cung cấp dịch vụ công ở mức 3, trong đó Bình Phước và Lào Cai cùng có tới 38 dịch vụ, Đà Nẵng có 35, An Giang và Phú Thọ cùng có 21 dịch vụ, TP.HCM có 15 dịch vụ.
Các dịch vụ công mức 3 chủ yếu là dịch vụ cấp phép đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, cấp phép họp báo, cấp phép xuất bản tin và cấp phép hành nghề y dược.
Website Bộ Tư pháp hẫn dẫn nhất
Ở xếp hạng website các bộ ngành, Bộ GD-ĐT năm nay đã chiếm vị trí số 1 của Bộ Tài chính năm ngoái, theo sau lần lượt là Bộ Công thương và Bộ Xây dựng. Website của Thanh tra Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần lượt xếp ở các vị trí cuối bảng.
Mặc dù đứng thứ 10 trong xếp hạng website chung, website của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại đứng đầu về số lượng dịch vụ công trực tuyến với 286 dịch vụ, nhiều hơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (264 dịch vụ) và Ngân hàng Nhà nước (224 dịch vụ). Bộ có số lượng dịch vụ công trực tuyến ít nhất là Bộ Nội vụ, chỉ có 2 dịch vụ cung cấp ở mức độ 1.
Xét ở tiêu chí hấp dẫn người truy cập, website của Bộ Tư pháp có số lượt truy cập lớn nhất, tiếp đến là Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước. Website của Bộ GD-ĐT chỉ đứng thứ 4 về số lượt truy cập. Website của Bộ Nội vụ có ít người truy cập nhất.
Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết khảo sát của Bộ TT&TT tại đây.
4 mức độ của các dịch vụ hành chính công trực tuyến:
Mức 1: cung cấp đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục, các giấy tờ cần thiết.
Mức 2: cho phép người dân tải về các mẫu đơn, hồ sơ để in ra giấy.
Mức 3: cho phép điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ trực tuyến.
Mức 4: cấp phép và thanh toán chi phí được thực hiện trực tuyến.
Theo Ictnews