|
Các nước cũng quy định toà nhà từ 5 tầng trở lên phải có hệ thống thùng thư cho các hộ gia đình ở tầng 1. |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng “phân trần” trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội: thực tế nhiều chủ đầu tư các toà nhà cao tầng trốn tránh trách nhiệm xây dựng hộp thư cho hộ gia đình trong cả toà nhà nên Luật phải đưa thành bắt buộc.
Đây không phải là sự ưu ái cho doanh nghiệp bưu chính của nhà nước được chỉ định mà là bước tiến về văn minh xã hội. “Ở các nước tiên tiến trên thế giới, họ cũng dành diện tích nhất định ở tầng 1 của toà nhà để xây dựng hộp thư cho các hộ gia đình trong toà nhà”, Thứ trưởng dẫn chứng thêm.
Trước băn khoăn của đại biểu về việc những toà nhà vài chục tầng có hàng trăm căn hộ thì sẽ lắp đặt hệ thống thùng thư thế nào cho đảm bảo mỹ quan, Thứ trưởng Hưng cho biết đã có thiết kế thùng thư phù hợp đảm bảo không tốn kém chi phí, diện tích cũng như không làm mất mỹ quan.
Hơn nữa, hệ thống thùng thư cũng giúp cho bưu tá có thêm điều kiện hoàn thành tốt công việc. Họ không thể lên từng căn hộ trong cả toà nhà, nhất là trong điều kiện điện và thang máy hoạt động không ổn định như hiện nay.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền nói: tôi thấy ở các nước họ cũng quy định những toà nhà từ 5 tầng trở lên phải có hệ thống thùng thư cho các hộ gia đình ở tầng 1.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Bộ TT&TT cần xem xét kỹ trước khi đưa việc này vào Luật để đảm bảo hiệu quả xã hội và mỹ quan.
Doanh nghiệp Bưu chính nhà nước không được "bao sân"
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận “lo” việc cung ứng dịch vụ bưu chính dành riêng do một doanh nghiệp bưu chính của nhà nước được Thủ tướng Chính phủ chỉ định trong Dự án Luật Bưu chính sẽ “bao sân” và doanh nghiệp khác sẽ “hết cửa” làm ăn do câu chữ trong dự luật dễ gây hiểu lầm.
Theo Khoản 3, Điều 34, phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng gồm dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg được cung ứng trên cơ sở khung giá cước theo quy định; Phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng sẽ giảm dần theo lộ trình căn cứ vào tình hình phát triển bưu chính trong từng thời kỳ.
Đại biểu Thuận cho rằng, nếu Luật viết như vậy dễ gây hiểu lầm rằng tất cả dịch vụ bưu chính dành riêng đều do doanh nghiệp nhà nước được chỉ định làm hết và tất cả doanh nghiệp khác sẽ không được làm dịch vụ thư có khối lượng đến 02 kg.
Tuy nhiên, theo giải trình của Thứ trưởng Hưng, đây chỉ là vấn đề câu chữ và sẽ được làm rõ. Còn thực tế theo tinh thần xây dựng Luật, doanh nghiệp khác vẫn được kinh doanh dịch vụ thư trong phạm vi 02 kg chỉ có điều giá cước do 2 loại hình doanh nghiệp này cung cấp không giống nhau.
Theo đó, giá cước của dịch vụ này do doanh nghiệp bưu chính nhà nước được chỉ định cung cấp sẽ thấp hơn so với dịch vụ do doanh nghiệp khác cung cấp. Lý do là dịch vụ do doanh nghiệp nhà nước cung cấp chủ yếu để phục vụ và mang tính phổ cập với đa số dân chúng còn dịch vụ do doanh nghiệp khác cung cấp sẽ có mức cước cao hơn do có thể cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng hơn để đảm bảo tính cạnh tranh.
Không bồi thường thiệt hại gián tiếp
Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Đặng Vũ Minh đã báo cáo Uỷ ban thường vụ quốc hội một số vấn đề lớn đã được nghiên cứu và tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật trong đó có vấn đề tranh chấp và bồi thường thiệt hại.
Theo đó trong hoạt động bưu chính không quy định về bồi thường thiệt hại gián tiếp. Theo quy định của Công ước Liên minh bưu chính thế giới (UPU) mà Việt Nam là thành viên, bên cung ứng dịch vụ bưu chính không phải bồi thường các thiệt hại gián tiếp. Mặt khác quy định này còn kế thừa Pháp lệnh bưu chính viễn thông hiện hành. Hơn nữa, bưu gửi không chỉ gửi ở Việt Nam, mà còn được chuyển ra nước ngoài vì vậy các quy định về giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại phải theo các quy định của UPU.
Dự thảo Luật sau khi chỉnh sửa gồm 10 chương, 49 điều, tăng 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Theo Vietnamnet