|
Viễn thông thế giới sẽ tiếp tục có nhiều biến chuyển trong năm 2010 - Ảnh minh họa: Internet |
IDC tin tưởng rằng 3 xu hướng chính yếu sau đây sẽ định hình bức tranh viễn thông 2010.
Đầu tiên, kết quả của xu hướng cắt giảm vốn đầu tư và phi vật chất hóa lĩnh vực ICT sẽ dẫn đến sự thay đổi căn bản cách thức vận hành của các nhà cung cấp dịch vụ (Services Provider - SP) cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT.
Thứ hai, môi trường cạnh tranh trong cả thị trường mạng và SP sẽ thay đổi khi các “ông lớn” đến từ Trung Quốc (các nhà cung cấp dịch vụ mạng) và Ấn Độ (các nhà điều hành dịch vụ viễn thông) bước ra thị trường thế giới. Ngoài ra, bức tranh viễn thông 2010 còn được định hình bởi nỗ lực thiết lập một môi trường "intelligent X", nhờ vào mạng 4G và băng thông di động.
Cắt giảm vốn đầu tư và xu hướng phi vật chất hóa lĩnh vực ICT.
1. Điện toán đám mây đạt ngưỡng "5 sao"
IDC dự đoán cùng với chất lượng dịch vụ ở ngưỡng “5 sao” (99,999% thời gian “sống” - thời gian duy trì dịch vụ - uptime), khả năng phục hồi dữ liệu nếu gặp trục trặc, thêm nhiều cải tiến đảm bảo ổn định dịch vụ nhờ vào điện toán riêng ảo và các hình thức thỏa thuận dịch vụ đa mức độ, điện toán đám mây sẽ có nhiều cải tiến trong năm tới, trở thành một tiêu chuẩn thể hiện sự phát triển của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Đây là một trong những yếu tố kích cầu cho xu hướng triển khai rộng rãi hơn các dịch vụ điện toán máy chủ ảo.
2. Viễn thông liên hợp
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, các doanh nghiệp bất ngờ phải đối mặt với tình trạng cam go. Xu hướng liên hợp viễn thông sẽ cải tiến năng lực của doanh nghiệp nhằm đối phó với suy thoái, mở rộng cơ hội kinh doanh.
Một số dịch vụ viễn thông liên hợp như hội thảo và thoại qua mạng đang phải đối mặt với viễn cảnh thiếu khách hàng, trừ khi các nhà cung cấp dịch vụ cải tiến chúng, mang đến những sản phẩm viễn thông liên hợp phong phú.
3. Tiết kiệm và nâng cao khả năng phục vụ nhờ hệ thống hạ tầng cơ sở hội tụ và các trung tâm dữ liệu cải tiến
IDC cho rằng các giải pháp cơ sở hạ tầng hội tụ sẽ đóng vai trò đáng kể trong việc nâng cao khả năng ứng dụng của công nghệ thông tin, đồng thời giảm chi phí duy trì hạ tầng.
4. Suy thoái kinh tế mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp mạng Trung Quốc
Trong năm 2009, Huawei và ZTE, hai con rồng công nghệ của Trung Quốc, tiếp tục thành công dù nền kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu thoát ra khỏi bóng đen suy thoái. Trong tình cảnh khó khăn, các nhà cung cấp dịch vụ mạng mong muốn có được những giải pháp thay thế giá rẻ, nhờ đó Huawei và ZTE ít nhiều giành được tiếng tăm.
Huawei khẳng định đang hợp tác với 31 nhà điều hành dịch vụ hàng đầu trong top 50 của thế giới, còn ZTE cũng đang làm việc cùng 30 hãng trong top 100 toàn cầu. Năm tới, dự báo các doanh nghiệp của Trung Quốc sẽ tiếp tục bước đà thành công trong 2009.
5. Các doanh nghiệp viễn thông Ấn Độ bước ra biển lớn
Một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Ấn Độ như Reliance Global, Tata Communications, Bharti và BSNL đã cùng bắt tay với nỗ lực đặt chân ra thị trường quốc tế. Nhờ vào thành công của ngành gia công phần mềm, cùng những nỗ lực hợp tác đầu tư với các đối tác đa quốc gia, Ấn Độ đang trở thành tên tuổi nổi bật trong làng công nghệ châu Á.
|
Băng thông di động lên ngôi - mạng 4G vào cuộc |
6. Smartphone ở các thị trường mới nổi sẽ “thắng đậm”
Người dùng ở các thị trường mới nổi cũng sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn tới smartphone. Tính đến cuối năm 2009, hơn 50% dân số Trung Quốc sử dụng điện thoại di động. Ở Ấn Độ, con số này đạt 40%.
Trong năm 2010, nhu cầu “nâng đời” điện thoại di động ở Trung Quốc sẽ chiếm hơn 70% lượng cầu thiết bị cầm tay. Con số này của năm 2008 chỉ là 50%. Nhờ đó, lượng thiết bị bán ra thị trường sẽ tăng từ 7,5% (năm 2008) lên 13% năm 2010.
7. Android nở rộ
Android đến với thị trường châu Á - Thái Bình Dương vào quý 1-2009. IDC dự đoán nền tảng và hệ điều hành di động mã mở này sẽ có bước tiến nhảy vọt trong năm 2010 khi lượng thiết bị bán ra ước tính sẽ vượt trên 2 triệu chiếc. Trước 2013, ở khu vực này hệ điều hành dành cho thiết bị di động của Google sẽ giành đuợc vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với lượng thiết bị xuất xưởng vượt 8 triệu đơn vị. Đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu trong khu vực sẽ bắt đầu chọn smartphone Android.
|
Smartphone trở nên bình dân hơn
|
8. Nhu cầu băng thông di động tăng cao
Khi lượng thuê bao băng thông hữu tuyến đã bão hòa, các nhà điều hành dịch vụ viễn thông sẽ nhắm tới băng thông di động làm hướng kinh doanh chủ chốt. Thuê bao băng thông hữu tuyến gắn chặt với các hộ gia đình, mỗi nhà thường đăng ký một đường line duy nhất và chia sẻ với các thành viên; trong khi băng thông di động lại gắn với nhu cầu sử dụng của từng người.
Do đó, các dịch vụ băng thông di động sẽ vô cùng thuận lợi trong lộ trình chiếm lĩnh thị trường, đạt được mức tăng trưởng đáng kinh ngạc trong năm tới, nhất là khi smartphone ngày càng phổ biến hơn, cùng với sự lên ngôi của các dịch vụ chia sẻ như Facebook, Twitter.
9. LTE mang Internet đến từng ngõ ngách
Long Term Evolution (LTE) đang được cổ vũ mạnh mẽ để từng bước thay thế công nghệ UMTS và EV- DO (mạng 3G nói chung). IDC dự đoán LTE sẽ sớm được triển khai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi các mạng 3G gặp trở ngại về băng thông mà chỉ có LTE mới khắc phục được. Những thử nghiệm đầu tiên sẽ được tiến hành ở Úc, Hàn Quốc, New Zealand, Hong Kong, Trung Quốc và Singapore trong giai đoạn 2010-2011.
|
4G rục rịch tiếp bước 3G |
LTE sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề băng thông cũng như những hạn chế hiện nay của 3G.
10. Các dịch vụ tương tác di động cất cánh
Năm 2010 sẽ chứng kiến làn sóng mô hình kinh doanh dựa trên tương tác thiết bị - thiết bị, khi hầu hết các nhà điều hành dịch vụ viễn thông tên tuổi đã bắt đầu khảo sát thị trường cũng như chuẩn bị đội ngũ nhân viên để nhắm vào cơ hội tiềm năng này. IDC tin tưởng rằng với khoảng 1 tỉ thuê bao hữu tuyến và trên 4 tỉ thuê bao di động trên toàn cầu, cơ hội dành cho các hoạt động kinh doanh tương tác di động là rất lớn với tỉ lệ ước đạt 1/10 thiết bị (khoảng 50 triệu) kết nối mạng toàn cầu.
Theo TTO