Chuyển sang dịch vụ
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TTTT cho biết: “Ở các nước phát triển, CNpDV thường đóng góp khoảng 72% GDP, các nước đang phát triển là 68% GDP. Theo đánh giá của các chuyên gia thì DV CNTT đang là ngành CNpDV có tiềm năng vì mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận lớn. Vì lẽ đó, nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia về CNTT đang có xu hướng dịch chuyển từ sản xuất phần cứng, phần mềm sang cung ứng dịch vụ CNTT như Ấn Độ có 50%, IBM có 65% doanh thu từ dịch vụ. Riêng IBM, ban đầu được biết tới như một hãng sản xuất phần cứng, sau đó, mở rộng sang lĩnh vực PM. Tuy nhiên, doanh thu PM của IBM chỉ khoảng 10% tổng doanh thu, trong khi mảng dịch vụ của hãng này chiếm tới hơn 65% tổng doanh thu”.
Theo ông Tuyên, tại Trung Quốc năm 2006, doanh số DV CNTT và PM khoảng 12 tỷ đô la Mỹ trong tổng doanh thu toàn ngành CNpCNTT là khoảng 150 tỷ đô la Mỹ. Các lĩnh vực dịch vụ CNTT phát triển tại Trung Quốc bao gồm: bảo trì, triển khai, hỗ trợ phần cứng/phần mềm; đào tạo CNTT; tư vấn, tích hợp CNTT; tư vấn thuê gia công quy trình nghiệp vụ. Để thúc đẩy phát triển DV, kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển DV CNTT; thu hút các công ty đa quốc gia; phát triển nhân lực; hướng tới cung cấp các DV ra thị trường thế giới, đặc biệt là các nước có ngôn ngữ gần gũi với Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản; áp dụng quy trình cung cấp DV CNTT theo chuẩn quốc tế.
Theo ông Tuyên, hiện thị trường DV CNTT thế giới đang có xu hướng tăng trưởng ổn định ở mức cao. Thuê ngoài DV đang trở thành xu hướng mới cho việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (TC/DN) theo hướng các TC/DN chỉ tập trung vào nghiệp vụ chính còn các DV liên quan tới CNTT thì thuê ngoài từ các nhà cung cấp chuyên nghiệp.
Ngành DV CNTT Việt Nam
Các loại hình dịch vụ CNTT tại Việt Nam. |
Thống kê từ Bộ TTTT cho thấy, cả nước hiện có khoảng 10.000 DN đăng ký tham gia cung cấp DV CNTT. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% số DN này thực sự hoạt động và chưa có DN nào lớn chuyên sâu về CNTT. Trong khi đó, thị trường này đang có cạnh tranh mạnh từ các DN cung cấp DV CNTT nước ngoài với mức đầu tư khá lớn. Một số loại hình DV CNTT phát triển như: DV trung tâm dữ liệu, DV tư vấn CNTT, DV bảo hành, bảo trì, sửa chữa, DV thuê quy trình kinh doanh, DV an toàn thông tin (ATTT), gia công phần mềm, DV đào tạo…
Có lẽ DV đào tạo và DV gia công phần mềm là phát triển hơn cả, còn lại hầu như mới xuất hiện. Tuy nhiên, phản hồi của thị trường cho thấy, ngay cả DV đào tạo CNTT dù có lịch sử phát triển lâu đời hơn so với các ngành DV khác tại Việt Nam nhưng chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, DV trung tâm dữ liệu được dự báo là tiềm năng vì các TC/DN ngày càng có nhiều dữ liệu số hóa dẫn tới nhu cầu lưu trữ dữ liệu như các ngân hàng, tổ chức tài chính… Xu hướng thuê ngoài DV ATTT cũng gia tăng do đây là lĩnh vực nhạy cảm khi 50% TC/DN không có chuyên trách ATTT.
Nhà nước nên tăng thuê ngoài dịch vụ
Cùng các phương án đề xuất phát triển ngành DV CNTT như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm thuế thu nhập cho DN, tăng cường cung cấp DV cho thị trường nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, giải pháp thực tế và cần làm trước tiên đó là Nhà nước nên tăng thuê ngoài DV CNTT. Ông Mai Anh, Tổng thư ký Hội Tin học Viễn thông Hà Nội cho biết, ở nhiều nước, DV CNTT thường chiếm tỷ trọng cao trong các DV được chính phủ thuê ngoài. Lợi ích của việc này là: giảm bộ máy hành chính; không vướng bận về kỹ thuật để tập trung giải quyết việc chuyên môn; giảm giá thành DV, tăng tính chuyên nghiệp và chất lượng; giảm áp lực về nhân lực; tạo thị trường cho DN trong nước.
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm Giám đốc Trung tâm Tin học của Bộ KHCN, ông Mai Anh nhận định: bộ phận chuyên trách về CNTT trong các CQ/TCNN thường thiếu người giỏi, kinh phí eo hẹp... Tuy nhiên, rất ít CQ/TCNN có quan điểm thuê ngoài DV. Lý do là: để bảo tồn nguồn thu, không đủ kinh phí, nghĩ rằng mình có thể tự làm, ngại lộ bí mật, không có tiền lệ và thiếu cơ sở pháp lý. Quan điểm này có thể gây ra những hiệu ứng không tốt cho chính CQNN và ngành PM: kinh phí đầu tư lớn hơn, công việc được giải quyết không chuyên nghiệp, bộ máy hành chính phình to, không hiệu quả trong đầu tư và ứng dụng CNTT, DN ít việc dẫn đến CNpDV CNTT nội địa khó phát triển.
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TTTT TP. HCM, một đơn vị nhà nước hiếm hoi ở Việt Nam có quan điểm cấp tiến về vấn đề thuê ngoài DV CNTT cho biết: TP.HCM hiện đang thuê Công viên Phần mềm Quang Trung quản lý toàn bộ hệ thống trung tâm dữ liệu và hệ thống email của TP.HCM. Việc quản lý trung tâm điều khiển mạng diện rộng tốc độ cao Metronet kết nối các CQ công quyền trên địa bàn cũng được thuê ngoài. Việc thuê ngoài các DV này giúp CQNN không phải đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, không phải tăng biên chế trong khi có được DV chuyên nghiệp và công nghệ luôn cập nhật.
Để thúc đẩy hoạt động thuê ngoài trong CQNN, ông Mai Anh cho rằng Nhà nước cần khuyến khích một số lĩnh vực phải thuê ngoài như tư vấn thiết kế HT mạng, bảo trì HT máy tính, thậm chí cả việc cung cấp một số DV công. Các cơ quan chuyên trách về CNTT của các bộ/ngành, chính quyền địa phương các cấp cần thay đổi vai trò, giảm tối đa các công việc liên quan đến kỹ thuật, tăng cường thuê ngoài những DV có thể thuê để tập trung đề xuất giải pháp ứng dụng hiệu quả....
Theo Pcworld