eBay và Yahoo đã đến Trung Quốc với hy vọng to lớn nhưng đến giờ vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Các mạng xã hội như Facebook, MySpace và Twitter chưa một lần dành được chỗ đứng đáng kể ở Trung Quốc, phần vì chính sách kiểm duyệt phần vì hầu hết các công ty Internet lớn của Trung Quốc cũng có mạng xã hội riêng.
Thực tế, đến thời điểm này không có công ty Internet lớn nào của Mỹ thống trị lĩnh vực của họ ở Trung Quốc, thị trường Internet lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng lý do Google nản chí ở Trung Quốc không chỉ vì chính sách kiểm duyệt mà còn vì họ không có khả năng đuổi kịp đối thủ bản địa là Baidu. Google, hãng tìm kiếm với doanh thu 22 tỷ USD, đã bị đánh bại hoàn toàn ở Trung Quốc, hiện chỉ chiếm có 33% thị trường tìm kiếm trong khi đối thủ Baidu chiếm tới 63%. Google đã dành được thị phần đáng kể từ khi chính thức vào thị trường Trung Quốc cách đây 5 năm nhưng hầu hết là từ các đối thủ nhỏ. Trong thời gian đó, Baidu vẫn tiếp tục gia tăng thị phần.
Google đã kinh doanh ở Trung Quốc từ năm 2006, sau khi đầu tư vào Baidu nhưng thất bại trong việc mua lại công ty này. Baidu, thành lập năm 2000 khi Internet ở Trung Quốc mới bắt đầu phát triển, đã nhanh chóng nổi lên nhờ cung cấp kết quả tìm kiếm đến các bài hát, chương trình truyền hình và phim không có bản quyền từ các website tiếng Trung. Google sau đó cũng ra dịch vụ tìm kiếm nhạc ở Trung Quốc vào năm 2009 nhưng không thể lấy lại thị phần đã mất.
Có lẽ không có công ty nào nếm trải khó khăn ở Trung Quốc như Yahoo. Hãng này đã mua công ty Internet bản địa vào năm 2004 để cạnh tranh với Baidu và cổng thông tin bản địa Sina.com. Sau khi thất bại trong việc giành thị phần, Yahoo đã quay ngoắt 180 độ bằng việc đầu tư 1 tỷ USD mua 40% cổ phiếu của Alibaba, công ty thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc. Yahoo đã lấy lại những gì đã mất sau khi cổ phiếu của Alibaba tăng mạnh từ lúc lên sàn chứng khoán vào năm 2007. Nhưng hoạt động của Yahoo ở Trung Quốc thì thất bại hoàn toàn.
eBay là hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ đến với thị trường Trung Quốc từ khá sớm. Năm 2003, eBay mua lại EachNet, công ty đấu giá chiếm 80% thị trường thương mại điện tử Trung Quốc thời điểm đó. Sau đó, eBay tính phí đăng ký tin đấu giá, trong khi các sàn đấu giá bản địa như Alibaba và Taobao.com không làm như vậy. Ebay cũng không mở kênh cho người mua và người bán chat trực tuyến vì sợ mất giao dịch mua bán và không thu được phí. Taobao hiểu là chat trực tuyến là cần thiết với người mua sắm để tạo dựng lòng tin, và họ cung cấp dịch vụ chat cho người mua và bán mặc cả với nhau. eBay cũng đặt website đấu giá của họ trên máy chủ ở ngoài Trung Quốc, khiến người dùng từ nước này khó truy cập.
Cuối cùng, eBay đã đầu hàng và rời bỏ Trung Quốc vào năm 2006, để lại thị trường cho Taobao, công ty hiện đang dần đánh bật cả website thương mại điện tử tiếng Trung của Amazon.
Một điển hình thất bại nữa của các “ông lớn” Internet của Mỹ ở Trung Quốc là MySpace, mạng xã hội đặt chân vào thị trường này từ giữa năm 2007. Nhưng hiện nay, hàng triệu người dùng Internet ở Trung Quốc vẫn dùng các dịch vụ mạng xã hội của các công ty bản địa như Tencent. Hoạt động của MySpace đã đình trệ sau khi giám đốc chi nhánh của Trung Quốc ra đi vào năm 2008.
Các chuyên gia phân tích lý giải nguyên nhân thất bại của các công ty Mỹ tại Trung Quốc là vì họ phải đầu tư vào các công bản địa, tạo ra cơ cấu sở hữu cồng kềnh làm hạn chế sự linh hoạt. Các công ty Internet Mỹ còn bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm duyệt và không được ưu ái như công ty bản địa. Ở khía cạnh khác, các công ty Mỹ không hiểu tốt thị trường bản địa, không tin tưởng vào nhân sự quản lý người Trung Quốc và thường đưa người nước ngoài vào điều hành. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng làm rất tốt trong việc xây dựng website nhắm đến khách hàng trong nước.
Theo Ictnews