Chủ nhật, 21/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 16/01/2010
Thành công bước đầu của mô hình Ðại học quốc gia TP Hồ Chí Minh

Các đại biểu tại buổi đánh giá
bốn chương trình đào tạo của
ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Trong xu thế toàn cầu hóa, việc đổi mới tổ chức giáo dục đại học nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự cạnh tranh toàn cầu là nhu cầu tất yếu của các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, sau đổi mới, Ðảng và Chính phủ đã chủ trương thành lập trong hệ thống giáo dục đại học (ÐH) Việt Nam các trung tâm ÐH lớn nhằm: Xây dựng các trung tâm ÐH lớn đa ngành, đa lĩnh vực nhằm tạo chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh quốc tế; Có điều kiện đầu tư một cách tập trung; Xây dựng mô hình thí điểm về phát triển, quản lý ÐH tiên tiến nhằm rút kinh nghiệm cho toàn hệ thống.

Xây dựng Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ÐHQG TP HCM) là chủ trương có tầm chiến lược của Ðảng và Nhà nước, được khẳng định trong Thông báo của Thường vụ Bộ Chính trị vào năm 2000: "Chủ trương xây dựng hai đại học Quốc gia thành những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu hướng phát triển giáo dục đại học của khu vực và thế giới,... Ðại học Quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, của các bộ, ngành khác trong lĩnh vực liên quan". (Trích Thông báo 315 của Thường vụ Bộ Chính trị tháng 8-2000). Trên cơ sở đó, ÐHQG TP HCM được thành lập ngày 27-1-1995 theo Nghị định 97/CP.


Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2001/NÐ-CP ngày 1-2-2001 về ÐHQG TP HCM và Quyết định số 16/2001/QÐ-TTg ngày 12-2-2001 về Quy chế tổ chức và hoạt động của ÐHQG TP HCM.


Trên cơ sở chủ trương của Ðảng, Nghị định của Chính phủ, suốt gần 15 năm qua, ÐHQG TP HCM đã xây dựng một mô hình đại học chưa từng có trong nền giáo dục đại học nước nhà; khẳng định vai trò một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chủ động hội nhập khu vực và thế giới một cách chất lượng.


Chuẩn hóa và hội nhập


Trong quá trình chuẩn hóa và hội nhập quốc tế, ÐHQG TP HCM coi chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ giảng dạy là lực lượng quyết định sự phát triển của ÐHQG TP HCM. Hiện nay, tổng số cán bộ, viên chức của ÐHQG TP HCM là 3.830 người (so với năm 2001 là 2.322 người, tăng 1,65 lần), với 2.490 cán bộ giảng dạy (so với năm 2001 là 1.661 người, tăng 1,5 lần), 1.662 cán bộ có trình độ sau đại học, trong đó Tiến sĩ: 562 (so với năm 2001 là 368, tăng 1,53 lần), Thạc sĩ: 1.100 (so với năm 2001 là 479, tăng 2,3 lần).


Số Giáo sư và Phó Giáo sư là 149 người (so với năm 2001 là 80 - tăng 1,86 lần) với nhiều nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn có uy tín lớn ở trong và ngoài nước.


Ðến nay, ÐHQG TP HCM đã phát triển được đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, đào tạo; hình thành đội ngũ cán bộ mạnh trong các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kinh tế và khoa học quản lý phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.


Bên cạnh gia tăng số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, ÐHQG TP HCM luôn quan tâm sự gắn bó với nghề và đạo lý người thầy, xây dựng văn hóa giảng dạy.


Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, năng động hóa người học và tạo tiền đề cho liên thông, hội nhập trong hệ thống trong nước và quốc tế, ÐHQG TP HCM đã quyết liệt triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ toàn ÐHQG TP HCM từ năm 2005. Hiện nay, ÐHQG TP HCM đang đẩy mạnh chuẩn hóa, nâng chất lượng hệ thống tín chỉ, tiến đến đào tạo tín chỉ triệt để, từ đó thực hiện liên thông khối kiến thức cơ bản và mở rộng đến toàn bộ các ngành học, bậc học trong ÐHQG TP HCM. Trên cơ sở hoàn thiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ, ÐHQG TP HCM đang từng bước tiến hành liên thông đào tạo trong toàn ÐHQG TP HCM. Trước hết là tiến hành liên thông các môn chính trị, cơ bản, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất... tiến tới liên thông các chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, tiếp cận chuẩn mực, trình độ khu vực, quốc tế và đáp ứng yêu cầu xã hội là một trọng tâm của hoạt động chuyên môn ÐHQG TP HCM. Dưới sự giám sát bởi các hội đồng khoa học ngành và liên ngành, việc mở ngành đào tạo mới, chỉ tiêu tuyển sinh chú trọng những ngành học mũi nhọn và mang tính liên ngành, được tuân thủ theo các tiêu chí chất lượng và quy trình chặt chẽ.


Ðể tạo ra một môi trường học tập toàn diện trong quá trình hội nhập quốc tế, ÐHQG TP HCM đang tiến hành xây dựng khu đô thị đại học. Hiện nay, diện mạo một khu đô thị đại học đầu tiên của cả nước đang dần được hình thành và hoàn chỉnh trên khu quy hoạch xây dựng ÐHQG TP HCM tại Thủ Ðức - Dĩ An, với tổng diện tích 623,7 ha.


Một trong những chủ trương lớn của ÐHQG TP HCM là tập trung xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo chất lượng cao. Từ năm 2001 đến nay, ÐHQG TP HCM đã đầu tư xây dựng 58 phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, 128 phòng thí nghiệm cơ bản và cơ sở, phòng thực hành máy tính, phòng multimedia phục vụ đào tạo. Trong đó có các phòng thí nghiệm nghiên cứu được đầu tư lớn như: Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Ðiều khiển số - Kỹ thuật hệ thống, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Vật liệu Polymer-Composite, Phòng thí nghiệm Công nghệ Na-no, Phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học Phân tử, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Phòng thí nghiệm Công nghệ và Chất lượng môi trường.


Hệ thống mạng khoa học giáo dục của ÐHQG TP HCM có quy mô lớn nhất trong hệ thống đại học cả nước, với hơn 50.000 người sử dụng. Hạ tầng mạng trục nối toàn bộ các cơ sở của ÐHQG TP HCM được xây dựng bằng cáp quang băng thông 1Gbps, đồng thời tham gia mạng TEIN2 để kết nối các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của ÐHQG, trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để khai thác nguồn dữ liệu thông tin, sách báo, giáo trình điện tử và đào tạo từ xa qua mạng.


Ðể phục vụ tốt nhất cho mục tiêu đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, ÐHQG TP HCM xây dựng Thư viện Trung tâm và liên kết các thư viện các đơn vị thành viên thành hệ thống thư viện ÐHQG TP HCM. Từ tháng 2-2008, Ban chỉ đạo hệ thống thư viện và Hội đồng thư viện đã được thành lập để điều hành các hoạt động chung của hệ thống thư viện thống nhất.


Hệ thống Thư viện ÐHQG TP HCM được đầu tư hiện đại hóa theo hướng thư viện điện tử, thư viện số (Digital Library) nhằm khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu khoa học nước ngoài phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ðây cũng là một trong những thư viện ở Việt Nam đầu tư các phần mềm quản lý thư viện đạt tiêu chuẩn quốc tế và các phần mềm tiện ích hỗ trợ hiệu quả việc truy cập từ xa vào nguồn tài nguyên điện tử. Tại đây có 250.000 đầu sách, 700 nhan đề tạp chí (Tài liệu bản in) và 10 cơ sở dữ liệu của nước ngoài phục vụ chung cho toàn hệ thống, bốn cơ sở dữ liệu số hóa của hơn 10.000 tài liệu khoa học (điện tử) của ÐHQG TP HCM, gồm có luận án, luận văn, các công trình nghiên cứu khoa học, các tạp chí khoa học của ÐHQG TP HCM và của các đơn vị thành viên.


Ðược sự ủng hộ của các địa phương, ÐHQG TP HCM xây dựng thành công mẫu hình mới về hệ thống Ký túc xá (KTX) lớn nhất nước và có sự quản lý hiệu quả tại Khu quy hoạch ÐHQG TP HCM. Khu KTX này đã có 15 đơn nguyên 5 tầng với sức chứa gần 7.500 chỗ ở cho sinh viên (12 đơn nguyên do 12 tỉnh, thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng lên đến hàng trăm tỷ đồng); khu KTX xã hội hóa với hơn 1.000 chỗ, diện tích 4.500 m2 sàn nhà cấp 4 trị giá 11 tỷ đồng sử dụng trong 10 năm đã góp phần hình thành ngày càng rõ nét diện mạo khu đô thị đại học hiện đại.


Tại nội thành, với sự hỗ trợ của ÐHQG TP HCM, Trường đại học Bách khoa đã vay được 60 tỷ đồng vốn kích cầu của TP Hồ Chí Minh để xây dựng KTX hiện đại ở quận 10. KTX có sức chứa hơn 2.000 sinh viên với trang thiết bị hoàn chỉnh, quản lý theo phương thức hiện đại và có thể so sánh với các KTX của các trường đại học quốc tế.


Nhằm nâng cao năng lực quản trị đại học, ÐHQG TP HCM tiến hành mạnh mẽ việc đổi mới công tác quản lý; thường xuyên mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý, đổi mới và đánh giá hoàn thành kế hoạch; đồng thời là đại học công lập đầu tiên của cả nước tiến hành hội nghị thường niên theo năm tài chính.


Hoạt động theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của ÐHQG do Quyết định 16/2001/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo điều kiện phát huy quyền tự chủ cao và hiệu quả trong công tác quản lý của ÐHQG TP HCM.


Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Ðảng, xác nhận rõ và tăng cường vai trò định hướng, giám sát và quyền lực của Hội đồng ÐHQG TP HCM (bao gồm các thành viên Ban Giám đốc, lãnh đạo các trường đại học thành viên và đại diện của các tổ chức khoa học, doanh nghiệp lớn và địa phương nơi ÐHQG TP HCM trú đóng) trong việc đưa ra những quyết sách cho sự phát triển của ÐHQG TP HCM.


Ban Giám đốc ÐHQG TP HCM chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của ÐHQG TP HCM và triển khai thực hiện theo các quyết nghị của Hội đồng ÐHQG TP HCM.


ÐHQG TP HCM là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác bảo đảm chất lượng của ngành đại học, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia và khu vực, từ đó tự nguyện đăng ký tham gia chuẩn kiểm định của AUN/QA và hệ thống kiểm định ABET (hệ thống kiểm định các trường ÐHCN của Hoa Kỳ) cho một số ngành đào tạo. Các cơ sở đào tạo của ÐHQG TP HCM đều công khai nội dung, cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế.


Trung tâm Khảo thí và bảo đảm chất lượng đào tạo của ÐHQG TP HCM là một trong những đơn vị được thành lập sớm trong hệ thống đại học Việt Nam, là đơn vị có năng lực chuyên môn, mang tính chuyên nghiệp cao và có những đóng góp tích cực trong công tác kiểm định của các trường thành viên và của ngành.


ÐHQG TP HCM phê duyệt kế hoạch bảo đảm chất lượng 2007-2010 và đang thực hiện công tác kiểm định cho tất cả các cơ sở đào tạo của hệ thống, tiến tới kiểm định độc lập và quốc tế, từng bước hội nhập với nền giáo dục đại học khu vực và thế giới.


Thành quả bước đầu


Có thể nói, cho đến nay, nhận thức và các hoạt động chuẩn hóa chất lượng của ÐHQG TP HCM đã đi vào nền nếp. Những kết quả bước đầu trong chuẩn hóa để tiến tới hội nhập quốc tế đã giúp cho chất lượng và uy tín của ÐHQG TP HCM ngày càng được khẳng định và nâng cao. Hoạt động nghiên cứu khoa học tại ÐHQG TP HCM đã đạt được một số thành tựu mang tính đột phá trong nước và từng bước tiếp cận trình độ quốc tế. Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc thuộc ÐHQG TP HCM là đơn vị tiên phong trong cả nước về lĩnh vực này, đã đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn. Phòng thí nghiệm đã kết hợp với các bệnh viện tái tạo mổ giác mạc mắt cho bệnh nhân hỏng giác mạc, dùng tế bào gốc da để ghép và tái tạo mô da cho bệnh nhân bị bỏng. Năm 2008, phòng thí nghiệm đã thành công trong việc tạo ra tinh trùng chuột từ tế bào gốc thu nhận từ tinh hoàn chuột. Hai năm 2007 và 2008, các kết quả nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm này đều được bình chọn trong danh sách 10 thành tựu KH&CN tiêu biểu của Việt Nam.


Các chíp vi xử lý đầu tiên của Việt Nam đã được thiết kế tại Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch của ÐHQG TP HCM và được các chuyên gia từ các hãng công nghệ vi mạch nổi tiếng thế giới đánh giá cao. Việc thiết kế thành công Chip 8-bit RISC SigmaK3 được bình chọn là một trong mười thành quả KH&CN tiêu biểu Việt Nam năm 2008. Hiện nay trung tâm này đã tiếp cận công nghệ 16 và 32 bit và triển khai thành công dự án sản xuất thử nghiệm "Thiết kế và sản xuất chip thương mại SG-8V1" nhằm xây dựng dòng chip thương mại đầu tiên Việt Nam.


Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano được khánh thành năm 2006, được cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những trung tâm mạnh nhất Việt Nam. Các nhà khoa học ÐHQG TP HCM đã hợp tác với Viện Nghiên cứu hệ thống Nano thuộc Ðại học Los Angeles (UCLA) nghiên cứu các vật liệu MOF (Metal Organic Framework) - một vật liệu được các hãng công nghiệp hàng đầu thế giới quan tâm bởi khả năng ứng dụng trong các công nghệ hiện đại như bẫy khí thải CO2 từ nhà máy và các phương tiện giao thông, thiết kế hệ thống tích trữ khí tự nhiên cho ô-tô, xe máy. Các mẫu vật liệu MOF đầu tiên đã được chế tạo thành công tại các phòng thí nghiệm của ÐHQG TP HCM.


Số bài báo đăng trong các tạp chí khoa học quốc tế tăng đều đặn từ năm 2005 đến nay, trong số đó nhiều bài được đăng trong các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới. Từ 2006-2008 các nhà khoa học thuộc ÐHQG TP HCM đã công bố 1.320 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế (355 bài tạp chí quốc tế, 965 bài tạp chí Việt Nam có ISSN). Ðặc biệt trong số 355 bài báo quốc tế có 251 bài được đăng trong các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín của thế giới thuộc danh sách được Viện Thông tin khoa học quốc tế (Information Science Institute: ISI) thừa nhận với tổng chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) là 355,4. Trong số 251 bài báo chuẩn ISI này có 148 bài (58,96%) tác giả chính là người của ÐHQG TP HCM, 65 bài (25,9%) tất cả tác giả là người của ÐHQG TP HCM. Ðiều đó phản ánh nội lực của thầy và trò ÐHQG TP HCM thời gian qua.


Sinh viên ÐHQG TP HCM luôn đi tiên phong và đạt được nhiều thành tích trong các lĩnh vực NCKH, học thuật, lý luận chính trị, chiến dịch tình nguyện... và được nhân rộng (phong trào "Sinh viên 3 tốt", các cuộc thi Eureka, Olympic các môn khoa học Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Robocon...). Tiêu biểu như sinh viên Trường ÐH Bách khoa đã ba lần đoạt chức vô địch Cuộc thi sáng tạo robocon châu Á - Thái Bình Dương (năm 2002, 2004, 2006); sinh viên Trường ÐH KHTN đoạt giải nhất Cuộc thi lập trình sinh viên thế giới năm 2007 (ACM/ICPC) khu vực châu Á; sinh viên Trường ÐH KHTN, ÐH KHXH&NV và Khoa Kinh tế đều đoạt hạng nhất cuộc thi Ô-lim-pích các môn Khoa học Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh "Tầm nhìn xuyên thế kỷ"; Từ năm 2003-2007, sinh viên ÐHQG TP HCM đã đoạt tổng cộng 392 giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ÐT, Vifotec, Eureka, Ô-lim-pích các môn khoa học cơ bản toàn quốc.


Những thành quả bước đầu trong chiến lược chuẩn hóa đã giúp ÐHQG TP HCM từng bước hội nhập một cách tự tin vào cộng đồng đại học thế giới và được đánh giá cao.


Hiện nay, ÐHQG TP HCM đã có quan hệ hợp tác với 142 trường đại học và tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều trường ÐH hàng đầu thế giới như: UCLA (Hoa Kỳ); ÐH Am-xtéc-đam (Hà Lan); các ÐH Bách khoa Pháp (INPG, INP Tolouse,...); ÐH Thanh Hoa, ÐH Bắc Kinh (Trung Quốc); ÐH Tô-ki-ô, ÐH Ô-sa-ka (Nhật Bản); ÐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc); ÐH Quốc gia Xin-ga-po, ÐH Kỹ thuật Nanyang (Xin-ga-po). Ngoài ra ÐHQG TP HCM còn có mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ như: Ford Foundation, Nippon Foundation...; hợp tác khoa học với JICA (Nhật Bản), MINATEC-CEA, PUF (Pháp), SUN Microsystem; là thành viên nòng cốt và tham gia cơ cấu lãnh đạo của nhiều tổ chức, hiệp hội, mạng lưới giáo dục đại học khu vực và quốc tế; Mạng lưới các ÐH Ðông-Nam Á (AUN), Mạng lưới các ÐH Kỹ thuật Ðông-Nam Á (AUN-SET Net), Mạng lưới các ÐH Âu - Á (Asian Uni Net), AUF...


Những thành quả bước đầu trong công tác chuẩn hóa và hội nhập quốc tế của ÐHQG TP HCM đã mang lại những tín hiệu tích cực trong khát vọng hội nhập và vươn đến đẳng cấp khu vực và thế giới của đại học Việt Nam. Tuy nhiên, ÐHQG TP HCM xác định, để hội nhập đầy đủ, được sự ghi nhận của cộng đồng đại học thế giới thì con đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, phải phấn đấu.
Theo Nhân dân
  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0