|
Trong năm 2009, kinh tế- xã hội của Việt Nam được giữ vững và tăng trưởng
|
Dự báo tình hình kinh tế-xã hội đất nước trong năm 2010 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm nay là phục hồi kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao trở lại; bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, khoa học và công nghệ;... Bên cạnh đó là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Hạn chế thấp nhất tình trạng chậm tiến độ, chất lượng thấp
Yêu cầu trên được Chính phủ đặt ra đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan là phải có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng thể chế, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng các đề án không khả thi, chậm tiến độ, chất lượng thấp; đồng thời phải đẩy nhanh việc soạn thảo và trình các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đúng thời hạn quy định.
Chỉ đạo này của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được đưa ra trước thực tế hiện nay, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục, thậm chí còn gia tăng.
Có thể nêu ví dụ cụ thể, 3 luật trong số 6 luật và 3 pháp lệnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 đến nay vẫn chưa có nghị định quy định chi tiết việc thi hành, đó là: Luật Giao thông đường bộ (cần ban hành 8 văn bản nhưng đến nay mới ban hành được 5 văn bản); Luật Công nghệ cao (cần có 12 văn bản nhưng đến nay chưa ban hành được văn bản nào); Luật Đa dạng sinh học (cần 1 văn bản nhưng đến nay cũng chưa ban hành được). Đó là chưa kể rất nhiều bộ luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010 (như 11 luật vừa được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 5, Luật Cán bộ công chức,...) đều đang cần được ban hành gấp các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Theo số liệu thống kê tính đến ngày 25/11/2009, tổng số văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và các luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 là 81 văn bản. Hiện còn 43 văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực chưa được ban hành.
Tăng cường trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi về cơ chế, chính sách
Nghị quyết Chính phủ nêu rõ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải bám sát thực tiễn, cập nhật thông tin, nâng cao năng lực phân tích, dự báo tình hình để định hướng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đúng đắng, phù hợp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, tổ chức hội họp và công tác thông tin báo cáo. Đi kèm với đó là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi các chính sách, giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đặt ra còn là phải tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhân dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi về các cơ chế, chính sách gắn với hoạt động đầu tư, kinh doanh và dân sinh.
Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý báo chí cần định hướng tốt để các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin đúng, khách quan vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân và phục vụ có hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Đây cũng là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được thể hiện sâu sắc ngay trong một số sự kiện nổi bật diễn ra tuần qua, tuần đầu năm mới, đó là Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 diễn ra trong 2 ngày 6-7/1 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; Hội nghị công tác văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước toàn quốc ngày 8/1, và đặc biệt là tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ cuối năm có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Điểm lại tất cả các sự kiện này, có thể thấy một trong những điểm cốt yếu trong tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là năm 2010 là năm đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, tổ chức hội họp và công tác thông tin báo cáo, là năm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của thông tin truyền thông, phương tiện để chở những thông điệp, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cơ quan liên quan đến với từng người dân, đơn vị, để những cơ chế chính sách đi sâu vào thực tiễn. Và ngược lại, cũng bằng kênh thông tin truyền thông, Chính phủ có thể trực tiếp tiếp nhận những thông tin phản hồi từ phía người dân, để cả bộ máy quản lý hành chính nhà nước vận hành hiệu quả với mục tiêu "coi lợi ích của đất nước, của nhân dân và hiệu quả công việc là mục tiêu cao nhất trong thực thi công vụ" - nhiệm vụ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh với các thành viên Chính phủ trong phiên họp Chính phủ diễn ra đầu năm mới 2010.
Theo Chinhphu.vn