Ông Thắng cho hay thời gian qua, các nhà khai thác di động cũng tiến hành cắt hợp đồng với hàng nghìn đại lý, cửa hàng khai báo thông tin sai và không làm nghiêm việc đăng ký thông tin trả trước của khách hàng.
|
Thuê bao di động khai báo thông tin "ma" sẽ bị xử lý. Ảnh: Hoàng Hà. |
Các sở thông tin và truyền thông địa phương cũng tiến hành kiểm tra việc khai báo thông tin của các thuê bao di động trả trước trên địa bàn mình để tiến hành xử phạt. Theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau ngày 31/1 tới, các doanh nghiệp phải báo cáo tình hình triển khai việc quản lý thuê bao di động. Trên cơ sở này, Bộ sẽ chuyển toàn bộ dữ liệu sang Bộ Công an để đối soát số chứng minh thư. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện thông tin sai, người đứng tên thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các doanh nghiệp phải tiến hành các biện pháp kỹ thuật để khách hàng có thể kiểm tra thông tin của họ qua SMS hoặc website. Qua khâu kiểm tra này, khách hàng sẽ biết được số máy của mình đang đứng tên ai, đảm bảo chuẩn các thông số như họ tên, ngày sinh, chứng minh thư, địa chỉ... để hoàn tất việc khai báo.
Trả lời báo chí về hiện tượng các đại lý né chuyện quản lý 3 sim (mỗi người chỉ được sở hữu tối đa 3 sim mỗi mạng di động) bằng cách lập doanh nghiệp “ma”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định đây là hành vi lừa đảo. Do vậy, các doanh nghiệp khi ký với các đại lý ủy quyền phải có trách nhiệm khi để xảy ra hiện tượng trên.
Theo thống kê của các mạng di động, đến ngày 5/1, vẫn còn khoảng 3,5 triệu thuê bao di động nằm trong diện phải đi khai báo lại thông tin do bị trùng dữ liệu, chứng minh thư, tên, tuổi, một người đang đứng tên nhiều thuê bao. Trong số này, 3 mạng di động lớn nhất VN gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone chiếm tới 3 triệu.
Trong hai ngày qua, các điểm giao dịch của nhà mạng vẫn tiếp tục mở cửa tiếp nhận hồ sơ khai báo thông tin cá nhân của khách hàng. Tuy nhiên, do ngày 31/1 tới mới là hạn cuối cùng nên lượng khách hàng tới khai báo thông tin đang thưa dần. Nhiều ý kiến cho rằng người dân vốn quen với việc "nước đến chân mới nhảy" nên không loại trừ khả năng đến sát giờ G lại xảy ra cảnh người người chen chúc nhau để khai báo thông tin.
Theo Vnexpress