Thứ năm, 25/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 30/12/2009
10 năm, 10 câu chuyện công nghệ

10 năm vừa qua đã chứng kiến công nghệ thực sự trở thành một phần của "văn hoá và thương mại đại chúng", khi các thiết bị điện toán chưa-bao-giờ-rẻ và nhỏ-gọn đến vậy đua nhau ra mắt.

Đúng vậy, cuộc cách mạng Internet khởi phát từ những năm 90, nhưng phải chờ tới thập niên này, Net mới ngấm vào đời sống đến mức không thể tách rời. Nhà nhà, người người, từ già tới trẻ, từ dân prồ cho tới tuổi teen... không ai là không cần và không ham mê Internet.

Dưới đây là 10 câu chuyện công nghệ đáng nhớ nhất của 10 năm qua, dựa trên tầm ảnh hưởng của chúng cũng như khả năng định ra xu hướng cho cả ngành công nghiệp công nghệ thế giới. Bình chọn của IDG News Service.

1. Sự sụp đổ của bong bóng dot-com

Mô tả ảnh.
Nguồn: AlwaysNewMistakes.com

Chỉ vài tháng sau khi nỗi lo về sự cố Y2K lắng dịu, chỉ số Nasdaq, biểu tượng của "nền kinh tế mới" với hàng loạt công ty IT niêm yết trên đó, đã đạt đến đỉnh cao kỷ lục 5048 điểm. Nhưng cũng kể từ ngày đó (10/3/2000), chỉ số này đã cắm đầu chạy thẳng xuống đáy khi mất gần 4000 điểm. Quãng thời gian tồi tệ của các nhà đầu tư kéo dài hơn hai năm rưỡi, dù thực lòng mà nói, ngay cả về sau, Nasdaq cũng chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn.

Những năm đầu của thập niên 2000, các doanh nghiệp nhận thấy họ không thể bám trụ đủ lâu để quyên đủ tiền theo phương cách cũ: cung cấp những sản phẩm mà người dùng sẵn sàng trả tiền. Bài học rút ra là Doanh nghiệp thương mại điện tử và IT phải học cách thích ứng với một nền tảng khách hàng "hoài nghi hơn" và cố gắng tạo ra những sản phẩm "ép" người dùng phải móc ví.

2. Microsoft liên tiếp dính đòn

Mô tả ảnh.
Nguồn: Komonews

Tháng 4/2000, Thẩm phán Thomas Penfield Jackson của Mỹ đã "nổ phát súng đầu tiên" trong một chuỗi các phán quyết chống lại Microsoft của nguyên một thập kỷ qua. Ông Jackson cho rằng Microsoft đã duy trì quyền lực độc quyền của mình bằng nhiều biện pháp phản cạnh tranh, đồng thời lũng đoạn thị trường trình duyệt Web một cách trái phép. Bản án cuối cùng đã đưa ra nhiều quy định hạn chế Microsoft, đồng thời lệnh cho gã khổng lồ phần mềm phải chia sẻ một số công nghệ sở hữu trí tuệ của mình.

Sau đó, Microsoft còn liên tiếp bị kiện về cùng một tội danh mà nguyên đơn là Sun Microsystems, một số bang của Mỹ. Đáng kể nhất chính là Liên Minh châu Âu, nơi đã ấn định án phạt khổng lồ 794 triệu USD lên vai Microsoft vào năm 2004, làm rúng động cả giới công nghệ.

Cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt tại thời điểm này. Microsoft vẫn phải gặp mặt các quan chức chống độc quyền của Mỹ một cách thường xuyên, còn tại châu Âu, hãng phải hứa hẹn cho phép người dùng Windows tự lựa chọn trình duyệt. Điểm an ủi cho Microsoft là nhờ đó mà phần mềm của họ trở nên tương thích hơn với các công nghệ đối thủ. Bản án với Microsoft cũng là một tiền đề tốt để Mỹ và châu Âu "xử" gã khổng lồ chip Intel.

3. Apple "trở lại đường đua", tung ra iPod

Mô tả ảnh.
Nguồn: Supplier

7 năm sau khi quay lại với Apple, thầy phù thuỷ Steve Jobs nhận ra rằng dù thị trường thiết bị số đại trà đang nở rộ, song thiết kế của máy nghe nhạc số vẫn còn rất nhiều điểm bất cập. Chính vì thế, vào tháng 10/2001, Apple đã gia nhập thị trường dân dụng khổng lồ bằng iPod, một thiết bị mà sau này, tất cả giới chuyên gia đều nhận định là "thay đổi hoàn toàn cuộc chơi".

Ngay khi ra mắt, iPod đã thành công vang dội và trở thành một sản phẩm bom tấn. Một năm rưỡi sau, Apple hoàn tất phần nội dung bằng việc khai trương iTunes Store, quầy nhạc số đã đặt ra nền móng vững chắc cho nhạc có bản quyền trên mạng Net.

Ý tưởng về việc hội tụ điện tử gia dụng, công nghệ kết nối truyền thông và máy tính đã nảy nở từ những năm 90, nhưng phải bước sang thập niên vừa qua, thị trường tiêu dùng, dưới sự dẫn đường của Apple, mới trở thành thánh đường của mọi doanh nghiệp IT. Đến năm 2003, Dell bán cả TV LCD còn HP thì công bố máy ảnh số. Nhưng trong khi những nỗ lực lấn sân kia không thành công, thì tượng đài iPod vẫn luôn sừng sững và là minh chứng hùng hồn nhất cho cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa IT và điện tử gia dụng.

4. HP se duyên với Compaq

Mô tả ảnh.
Cựu Giám đốc điều hành Carleton Fiorina. Nguồn: Life

Carleton Fiorina đến HP với một kế hoạch cải tổ quyết liệt doanh nghiệp công nghệ già nua này. Lên sàn chứng khoáng từ tháng 9/2001 và dấn thân vào một canh bạc khi bỏ tới 25 tỷ USD để mua lại Compaq, HP đã bị giới đầu tư phản đối quyết liệt. Giới phân tích cảnh báo những nguy cơ to lớn đi kèm với vụ sáp nhập đầy phức tạp này, trong khi nhiều cổ đông tháo chạy, đúng kiểu "bỏ của chạy lấy người". Hậu duệ của những người sáng lập ra HP cũng công khai phản đối cuộc hôn nhân HP - Compaq, khởi đầu cho một trong những cuộc chiến giành quyền kiểm soát lớn nhất trong lịch sử.

Fiorina thắng thế tại thời điểm năm 2002, nhưng chặng đường của HP trong vài năm sau đó vẫn vô cùng gập ghềnh, chông gai. Đến năm 2005, cuối cùng thì Fiorina cũng bị đánh bật. Điều mỉa mai là kế hoạch lớn mà bà ấp ủ cho HP lại trở nên thành công dưới thời người kế nhiệm - CEO Mark Hurd. Hurd đã đưa sự hiệu quả vào lòng HP và giúp HP bật dậy, trở thành doanh nghiệp IT lớn bậc nhất thế giới, vượt qua cả kình địch IBM.

Cuộc hôn nhân HP - Compaq cũng soi đường chỉ lối cho cả một xu hướng sáp nhập của thập niên, khi các ông lớn ngày càng lớn hơn nhờ thâu tóm "cá bé".

5. Siêu sao Google

Mô tả ảnh.
Nguồn: AP

Sự kiện Google chính thức IPO vào tháng 8/2004 có lẽ chính là câu chuyện kinh doanh được nhắc tới nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Một năm sau, giá trị cổ phiếu của hãng đã tăng tới mức Google trở thành công ty truyền thông có giá trị cao nhất thế giới, đánh bại cả Time Warner. Cổ phiếu và địa vị thống trị của Google trên thị trường tìm kiếm - quảng cáo trực tuyến hiện vẫn là nỗi ghen tỵ của mọi doanh nghiệp trên hành tinh này.

Dòng dollar cuồn cuộn từ quảng cáo đã cho phép Google tha hồ bành trướng sang các sân chơi khác, cung cấp hàng loạt ứng dụng trực tuyến như Gmail, Google Docs, phát triển nền tảng di động Android và hệ điều hành sắp ra mắt Chrome OS. Google đang dẫn lối vào một tương lai nơi người dùng sẽ truy cập hầu hết dữ liệu và ứng dụng qua mạng Web thay vì cổ cứng. Có lẽ một trong những câu chuyện lớn nhất của thập niên kế tiếp sẽ là liệu Google có thể kiếm được tiền từ các công nghệ phi tìm kiếm hay không, và liệu hãng có cạnh tranh thành công với Microsoft trên sân chơi phần mềm chăng?

6. Vista "rơi tõm"

Mô tả ảnh.
Nguồn: Komonews

Sau nhiều lần lùi lên hoãn xuống, đến tháng 11/2006, Microsoft cũng chính thức xuất xưởng Vista, cùng với Office 2007 và Exchange 2007. Mặc dù Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft hùng hồn gọi Vista là "sản phẩm quan trọng nhất trong lịch sử hãng" vào lúc đó, song thời gian đã cho thấy Microsoft chỉ muốn quên đi nỗi xấu hổ mang tên Vista càng nhanh càng tốt.

Hệ điều hành này bị chê tơi bời là chậm, nhiều lỗi, khiến người dùng phát cáu với những cảnh báo hệ thống liên tục và không tương thích với hầu hết thiết bị ngoại vi. Người dùng quay lưng lại, doanh nghiệp nói không thẳng thừng. Đến thời điểm Windows 7 được phát hành hồi tháng 10 vừa qua, hệ điều hành tiền nhiệm của Vista là Windows XP vẫn đang được 72% người dùng máy tính lựa chọn, áp đảo hoàn toàn tỷ lệ 19% của Vista.

Có thể nói, Vista là một chương đáng buồn trong lịch sử của Microsoft và đã gây tổn hại nặng nề đến hình ảnh của hãng.

7. Mạng xã hội lên hương

Mô tả ảnh.
Nguồn: Facebook

Quyết định của Facebook hồi tháng 10/2007 về việc bán số cổ phần trị giá 240 triệu USD cho Microsoft đã củng cố vị trí trung tâm của mạng xã hội ảo trên lãnh địa công nghệ của thập niên. Thương vụ với Microsoft đã định giá Facebook ở mức 15 tỷ USD, trước cả khi mạng xã hội này nghĩ được cách kiếm tiền từ các dịch vụ của mình. Giữa một rừng các mạng xã hội đối địch, Facebook nổi lên nhờ nhiều tính năng tương tác và một nền tảng phát triển vượt trội.

Tuy nhiên, gót chân Achilles của Facebook chính là các vấn đề liên quan đến riêng tư cá nhân. Hệ thống quảng cáo Beacon của mạng này có thể theo dõi mọi hành vi và hoạt động của các thành viên, do đó, nó đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt cách đây 2 năm. Cho đến giờ phút này, Facebook vẫn chưa hoàn toàn xử lý êm đẹp những hệ lụy mà Beacon đem lại.

8. Sự nổi dậy của botnet

Giữa ứng cử viên Tổng thống Mỹ Ron Paul, "Storm Worm", những thiệp mời điện tử và vương quốc Estonia có điểm gì chung? Suốt vài năm qua, tất cả những cái tên vừa nhắc tới ở trên đều có liên quan tới botnet, thuật ngữ để chỉ những mạng máy tính thây ma thuộc quyền kiểm soát của hacker.

Với hàng ngàn cho tới hàng triệu PC trong tay, hacker có thể huy động sức mạnh của botnet để phát tán thư rác hoặc phát động tấn công từ chối dịch vụ, gây ra đủ mọi dạng tổn thất khác nhau. Botnet đã trở nên tinh vi tới mức chúng bắt đầu được rao bán như những gói phần-mềm-dưới-dạng-dịch-vụ trong giới tội phạm mạng. Đó là những gì đã xảy ra 6 tháng trước khi Estonia bị tấn công hay chiến dịch vận động tranh cử của ông Ron Paul bị nã đạn. Gần 200 triệu thư rác ủng hộ ứng cử viên Paul vào chiếc ghế Tổng thống đã được gửi đi mà không có sự cho phép từ khổ chủ.

Hiện tượng botnet đã trở thành mối đau đầu của tất cả các chuyên gia bảo mật. Khi số lượng người dùng Internet ngày càng tăng, số lượng hacker sử dụng năng lực của chúng vào mục đích lừa đảo cũng tỷ lệ thuận. Chừng nào luật chống tội phạm mạng quốc tế còn chưa được triển khai, mọi chiến thắng trước hacker đều chỉ là tạm thời mà thôi.

9. Bill Gates nghỉ hưu

Mô tả ảnh.
Nguồn: Reuters

Tháng 6/2006, Bill Gates thông báo sẽ thôi tham gia vào hoạt động lãnh đạo thường nhật tại Microsoft kể từ năm 2006 để dành thời gian cho hoạt động từ thiện. Microsoft luôn bị chê bai vì "tội" thiếu năng lực sáng tạo: rất hiếm khi, thậm chí là chưa bao giờ hãng là kẻ đi đầu, tiên phong cho một công nghệ nào đó - điều mà Apple thường xuyên làm được. Nhưng bằng cách kết hợp kiến thức công nghệ sâu sắc với tài năng kinh doanh thiên bản, Gates đã "hấp thu" những ý tưởng lớn để rồi thương mại hóa chúng vượt xa mọi sự kỳ vọng.

Hợp đồng mà Gates đạt được về việc cung cấp hệ điều hành cho máy tính IBM vào năm 1981 đã châm ngòi cho cuộc cách mạng điện toán cá nhân và đẻ ra cả một ngành công nghiệp mới. Gates cũng dẫn dắt Microsoft đến địa vị thống trị thị trường desktop, đưa giao diện đồ họa đến với số đông và dọn đường cho kỷ nguyên Internet. Ai đó có thể nói rằng việc Gates nghỉ hưu chẳng ảnh hưởng trực tiếp gì tới giới công nghệ, song nó phản ánh rõ nét một thực tế: thế giới đang dịch chuyển khỏi trạng thái lấy desktop làm trung tâm. Thay vào đó, di động và Internet mới chính là ông hoàng của thập niên mới.

10. iPhone ra đời: Một lần nữa, Apple lại định nghĩa lại thị trường

Mô tả ảnh.
Nguồn: Reuters

Đúng vậy, các sản phẩm gắn mác Apple đã chiếm tới 2 suất trong Top 10 câu chuyện công nghệ của thập niên. Nếu như các hãng khác chỉ có thể tự làm mới mình thì Apple, dưới sự chỉ đạo của thầy phù thủy Jobs, đã làm mới và tạo ra thị trường. Sau khi định nghĩa lại IT hồi những năm 70 với Apple II và đẩy ý niệm điện toán cá nhân tiến xa với dòng máy tính Mac trong thập niên 80, Apple đã sảy chân và đứng bên bờ vực phá sản khi mà mô hình kinh doanh của hãng quá bất cập (chỉ tạo được một cơ sở khách hàng trung thành ít ỏi). Với sự quay trở lại của Steve Jobs, Apple đã tung ra iPod và đến năm 2006, thổi một làn gió mới vào Mac bằng việc chuyển sang cấu trúc chip Intel.

Trước iPhone, thị trường đã có khá nhiều mẫu điện thoại đa tính năng và được gọi là thông minh. Nhưng đến tháng 6/2007, Apple đã chứng minh thiết kế tinh xảo vẫn là bí quyết đắc địa đến mức nào. iPhone là sự kết hợp của thiết kế sành điệu với chức năng điện thoại, các tính năng multimedia cảm ứng và kết nối Internet. Với iPhone, chuẩn mực của smartphone đã được nâng hẳn lên một tầm cao mới.

Theo Vietnamnet










  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0