Cái đáng nói đến ở đây chính là việc Google đã nhảy một cách quyết liệt vào thị trường nguồn mở. Bất chấp doanh thu và lợi nhuận khá tốt từ Red Hat và các hãng nguồn mở truyền thống khác từng đạt được, ngành công nghiệp phần mềm cần có Google để đưa nguồn mở lên một tầm cao mới: từ địa hạt của giới chuyên về công nghệ bước ra thế giới rộng lớn.
Gã khổng lồ tìm kiếm đã ấp ủ nghiên cứu nguồn mở từ nhiều năm nay, tuyển dụng cả những chuyên gia nguồn mở nổi tiếng nhất, tài giỏi nhất như Guido van Rossum và Greg Stein. Tuy nhiên, đến năm 2008, Google ngừng coi nguồn mở như một "dự án khoa học thú vị" hay "nguồn cung cấp vật liệu thô, giá rẻ" cho công nghệ tìm kiếm của hãng. Thay vào đó, Google bắt đầu chiêu mộ nhân tài, tổng hợp nguồn lực và đầu tư cho nguồn mở như thể một con gà đẻ trứng vàng tiềm năng vậy.
Tại đại bản doanh của hãng, nguồn mở không còn sống "lay lắt" như show diễn phụ nữa mà đã trở thành sự kiện chính. Đó là lý do vì sao gã khổng lồ tìm kiếm lần lượt tung ra những sản phẩm đình đám như hệ điều hành di động Android, trình duyệt Chrome và hệ điều hành Chrome OS.
Việc Android được thị trường di động chào đón hoan hỉ dường như vượt xa dự liệu của tất cả mọi người, bao gồm cả Google. Android đang được ứng dụng trên một quy mô mà ngay cả những bộ óc giàu trí tưởng tượng nhất cũng không dám nghĩ tới tại thời điểm đầu năm 2009.
Rất nhiều hãng nghiên cứu danh tiếng đã nhận định 2010 sẽ là năm mà cả ngành công nghiệp công nghệ rùng rùng nối gót Google: bắt đầu sử dụng nguồn mở như một chiến lược kinh doanh quan trọng.
Còn Microsoft, đối thủ lớn nhất của Google và cũng là hãng phần mềm lớn nhất thế giới hiện nay thì sao? Rất có thể hãng cũng sẽ nhảy vào cuộc chơi nguồn mở để đối phó với Google, nhất là khi những Android, Chrome và Chrome OS cứ liên tục tấn công vào nguồn thu lời chính của Microsoft như hiện nay.
Cuối cùng, bất ngờ lớn của năm 2009 là sự thăng tiến mạnh mẽ của nguồn mở. Nhưng bản tin lớn của năm 2010 sẽ là việc các doanh nghiệp công nghệ đã nhanh chóng "theo đuôi" Google như thế nào, và 2010 sẽ trở thành một năm mà mã nguồn mở mới chất cao như núi.
Theo Vietnamnet