Thứ tư, 31/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 24/12/2009
Đột phá từ khâu chính sách

VN sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) đối với một loạt ngành công nghiệp chủ lực như thế nào? Các chuyên gia cho rằng cơ hội không phải đã hết, vấn đề là chọn đúng ngành và phải đột phá về mặt chính sách.

Kiểm tra số lượng sản phẩm điện thoại di động đã hoàn tất tại Nhà máy điện thoại di động Samsung Bắc Ninh - Ảnh: QUỲNH KHÔI

Dự án của Intel và Samsung là hai ví dụ cho thấy nếu có định hướng rõ ràng, ngành CNPT sẽ có hướng ra.

>> Kỳ 1: Nhập khẩu thay sản xuất
>> Kỳ 2: Ì ạch ngành công nghiệp ôtô

Cơ hội thứ hai từ Samsung

Khi Tập đoàn Samsung đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất khu vực với tổng vốn đầu tư hơn 670 triệu USD, nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng hơn từ dự án này là hàng chục nhà sản xuất linh kiện vệ tinh cho Samsung sẽ theo vào.

Ông Yoo Young Bok, tổng giám đốc Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung (SEV), cho biết bước đầu sẽ có sáu công ty vệ tinh của SEV, cung cấp những linh kiện quan trọng như màn hình, camera, pin...

Theo SEV, chỉ riêng kế hoạch năm 2010, vốn đầu tư từ số doanh nghiệp vệ tinh có thể tương đương ít nhất 50% vốn đầu tư của công ty này.

"Để phát triển ngành CNPT cần phải có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư, cần những định chế tài chính, thuế khóa để giúp các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào khu vực này. Cụ thể như cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp, miễn thuế thời gian đầu hoặc khi doanh nghiệp chưa có lợi nhuận..."

Ông Nguyễn Văn Đạo (phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung VN)

Theo ông Trần Quang Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN, nếu chỉ nhìn vào Samsung thôi cũng thấy rằng việc tiếp tục duy trì ngành CNPT cho VN là cần thiết.

“Tuy nhiên, cần tập trung chọn lọc ngành có thế mạnh, sản xuất số lượng lớn và hướng đến một vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tốt nhất là nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới, tận dụng linh kiện, phụ tùng sẵn có của nước ngoài để thiết kế ra các sản phẩm riêng của VN. Đầu tư sản xuất mạch vi điện tử hoặc đầu tư vào màn hình phẳng là thua trắng” - ông Hùng nói.

Theo các chuyên gia trong ngành, với những đầu tư mới, có chiều sâu, đích đến là thị trường toàn cầu, như mô hình của SEV sẽ kéo theo hàng loạt nhà cung ứng thứ cấp. Bởi với loại hình sản xuất và cung ứng toàn cầu thì yêu cầu về tính cấp thời và sự linh hoạt trong kế hoạch sản xuất - giao hàng là hết sức cần thiết. Một dự án như SEV sẽ kéo theo 20-30 nhà sản xuất phụ trợ làm hạt nhân thúc đẩy ngành CNPT VN. “Đây là cơ hội thứ hai cần chớp lấy và khai thác, đừng để nó trở thành cơ hội cuối cùng” - ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung VN, khuyến cáo.

Intel và 10 năm nữa

Nói về khả năng của các doanh nghiệp VN trong việc cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho Intel, tổng giám đốc Intel Products VN Rick Howarth thẳng thắn: “Các công ty VN không có cửa!”. Theo ông Rick Howarth, trên toàn thế giới chỉ có 4-5 công ty của Nhật Bản và Đài Loan có thể cung cấp đế chip (substrates). Tụ điện chip (chip capacitors) hay hỗn hợp hàn chip (flux, under-fill) thì hiện có những công ty ở Trung Quốc, đảo Đài Loan, Nhật Bản. Những công ty này có công nghệ thuộc loại “đặc chủng” phục vụ các nhà máy Intel. Thừa nhận đây là lĩnh vực khó đầu tư, tổng giám đốc Intel Products VN cho rằng trong vòng 5-10 năm nữa khó có một công ty nào của VN đủ khả năng lao vào lĩnh vực này, chỉ có thể hi vọng những công ty nước ngoài đến VN mở nhà máy”.

Tuy nhiên, theo ông Rick Howarth, VN hoàn toàn có thể đi theo hướng phát triển các nhà cung ứng nguyên liệu gián tiếp cho Intel. Lấy Costa Rica làm ví dụ, khi Intel đầu tư vào đây, ngành công nghiệp hỗ trợ của nước sở tại đã thay đổi. Không chỉ tạo ra thêm 2.000 công việc gián tiếp thông qua hoạt động mua hàng từ các nhà cung cấp trong nước, giá trị mua hàng và dịch vụ đạt 50-150 triệu USD, chiếm 10-12% giá trị xuất khẩu của Intel. Hơn 40 mối liên kết giữa các nhà cung cấp địa phương với các tập đoàn đa quốc gia đã được hình thành tại Costa Rica từ chương trình phát triển ngành CNPT do Intel và chính phủ nước này khởi xướng.

“Làm được điều này, VN cần có kế hoạch và những chính sách ưu đãi để các công ty VN phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài cho ngành CNPT. Rất khó để nói về 5-10 năm tới vì điều này phụ thuộc nhiều vào các công ty địa phương và chiến lược phát triển ngành CNPT của VN” - tổng giám đốc Intel Products VN nhận định.

Vì vậy, khi Intel đóng cửa hai nhà máy tại Malaysia và Philippines, nhiều chuyên gia cho rằng cơ hội vô cùng lớn đang đến với VN. Nhưng để có được mô hình như Costa Rica, VN phải mất khoảng 10 năm và hoàn toàn tùy thuộc vào sự phát triển của thị trường, cũng như năng lực của ngành CNPT địa phương.

LÊ NGUYÊN MINH - TRẦN VŨ NGHI

TS Nguyễn Vân Nga (hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp - Phòng Thương mại và công nghiệp VN - VCCI):

“Đã có chương trình hành động”

Ảnh: QUỐC THANH

Trong Hiệp định đối tác kinh tế VN- Nhật Bản có một phần nêu phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển ngành CNPT cho VN. Hai bên cũng đã ký thỏa thuận cho một chương trình hành động cụ thể. Trong đó VCCI được giao đảm trách vấn đề đào tạo quản lý doanh nghiệp (DN), chuẩn bị ngân hàng dữ liệu cung cấp thông tin cho DN về ngành CNPT.

VCCI đã giao cho chúng tôi chuẩn bị những nội dung này. Các công việc cụ thể còn phải chờ sau cuộc họp giữa Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư... với JICA, các đối tác Nhật dự định tổ chức đầu năm 2010.

Những công việc tiến hành cụ thể, theo tôi, nên là tổ chức khảo sát thực tế DN trong những lĩnh vực ưu tiên như dệt may, ôtô, điện tử... Từ thực tế đó sẽ lựa chọn một số DN làm nòng cốt cho chương trình. Quá trình lựa chọn phải công khai, minh bạch và công bằng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ phần đào tạo, tư vấn quản lý cho DN. Phía Nhật có chương trình hỗ trợ về tài chính để DN có thể đổi mới, nâng cấp công nghệ phù hợp với nhu cầu của các DN Nhật Bản. Sản phẩm làm ra sẽ được các DN Nhật Bản bao tiêu trong một thời gian nhất định được thể hiện qua các hợp đồng kinh tế, có sự hỗ trợ của hai chính phủ.

Trong chương trình đào tạo, nâng cao năng lực DN này, bước đột phá ở chỗ là không thuần về lý thuyết mà là đào tạo có địa chỉ, phía Nhật sẽ cử các chuyên gia sang giúp đào tạo ngay tại điểm sản xuất, đồng thời cử người của DN sang Nhật học tập. Chúng tôi vừa có thỏa thuận với Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hai chương trình đào tạo DN mới. Các chương trình này sẽ được triển khai vào đầu năm 2010 và cũng sẽ đưa vào chương trình hỗ trợ DN ngành CNPT luôn.

Tôi nghĩ chúng ta không thể đầu tư dàn trải mà phải tập trung trên từng DN, từng sản phẩm cụ thể. Việc phát triển ngành CNPT đã được Chính phủ quyết tâm thực hiện về đường lối, chủ trương. Điều chúng ta còn lúng túng chính là khâu triển khai tổ chức thực hiện.

L.N.M. ghi

______________

TS Phan Đăng Tuất (viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp):

Phải có chính sách ưu tiên rõ ràng

Ảnh: LÊ NAM

Định hướng chiến lược của VN trong 10 năm tới là cần công bố lựa chọn ngành công nghiệp hỗ trợ nào. Theo tôi, sẽ hướng tới các sản phẩm chế tạo chi tiết linh kiện cơ khí, điện tử.

Để làm được, đầu tiên phải có khung chính sách, hoàn thiện văn bản pháp lý liên quan đến ngành này. Nâng cao nhận thức vì có người vẫn chưa coi nó là quan trọng. Thống nhất cách gọi tên là công nghiệp hỗ trợ chứ không phải phụ trợ vì gọi là phụ trợ sẽ dễ nhầm tưởng nó chỉ là ngành phụ.

Về chính sách, Hàn Quốc có một kinh nghiệm rất hay là cấm các DN lớn không được làm các chi tiết linh kiện và quy định rõ danh mục nhóm chi tiết linh kiện các DN lớn đó không được sản xuất, mà phải để phần việc đó cho các DN nhỏ làm thầu phụ. Như vậy mới khuyến khích phát triển sản xuất linh kiện chi tiết, còn DN lớn chỉ làm những cái lớn. Hay từ năm 1959 Nhật Bản đã có đạo luật cấm trì trệ trong việc thanh toán cho thầu phụ. Như vậy nghĩa là bên cạnh việc phải có chính sách khuyến khích còn phải có chế tài...

Kèm theo đó là chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài. Theo tôi, chính sách phải rõ ràng là không khuyến khích lắp ráp, thay vào đó là những chính sách đặc thù để ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Làm được chi tiết linh kiện thì giá trị gia tăng mới cao, mới có công nghệ mới, công nghiệp mới phát triển.

Khi đã có chính sách, lĩnh vực rồi ta sẽ chọn đối tác. Ví dụ với cơ khí ta sẽ chọn đối tác nào có thể giúp chúng ta tham gia được vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Kêu gọi họ đầu tư đồng thời giúp chúng ta phát triển ngành công nghiệp này.

Ngoài ra, các DN nội địa cũng phải tự hoàn thiện mình, lách qua con đường hẹp để trở thành nhà cung ứng cho những nhà sản xuất lớn.

L.N.MINH ghi

Theo TTO

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0