|
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết sẽ trình lên Thủ tướng các cơ chế để khuyến khích, thu hút Việt kiều tham gia phát triển CNTT trong nước. Ảnh: LAD |
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, các số liệu thống kê vẫn cho thấy kết quả kinh doanh khả quan của thị trường CNTT trong nước. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2008 đạt 5,22 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2007. Giá trị xuất khẩu cũng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25%. Ước tính, trong năm 2009, tốc độ tăng trưởng có suy giảm nhưng không đáng kể và đạt xấp xỉ 19%. Doanh thu toàn ngành ước đạt 6,26 tỷ USD, những con số có thể coi là đáng "mơ ước" của nhiều quốc gia khác chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng. Bộ trưởng nhận định với dân số 85 triệu dân, thị trường Việt Nam "đủ lớn" để hấp dẫn các hãng công nghệ và nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, tính "mở" của thị trường cũng là một yếu tố có tính khuyến khích rất cao.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền Thông Nguyễn Minh Hồng đã thẳng thắn thừa nhận một thực tế là: "Chúng ta vẫn nói (VN) có rất nhiều tiềm lực để phát triển CNTT. Song cho đến tận bây giờ, kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn, quá khiêm tốn". Theo Thứ trưởng, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần xem lại tất cả các khâu, từ việc ban hành văn bản pháp lý cho đến khâu thực thi và đào tạo nguồn nhân lực, sao cho có hiệu quả và bám sát thực tế hơn.
Khá nhiều vấn đề đã được đại diện các doanh nghiệp đặt ra tại cuộc tọa đàm, từ việc định nghĩa lại cho rõ các khái niệm về phần cứng, phần mềm, công nghiệp dịch vụ - nội dung số, cho đến điểm yếu cố hữu của ngành CNTT Việt Nam là thiếu thông tin. Cơ quan quản lý thiếu thông tin về doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp, hiệp hội cũng không làm tốt khâu quảng bá thương hiệu và cung cấp thông tin về mình ra quốc tế, khiến cho thế giới gần như "mù" thông tin về thực tiễn phát triển của thị trường. Hệ quả là các hãng công nghiệp lớn, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ không dám rót vốn cho ngành công nghiệp CNTT Việt Nam, và chúng ta là người chịu thiệt.
Một vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu là nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp CNTT, khi mà ngân sách dự kiến của Đề án tăng tốc dành cho khâu đào tạo nhân lực chỉ chiếm khoảng 1,4% tổng ngân sách.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Việt kiều Mỹ và là Chủ tịch TMA Solutions quan ngại rằng chất lượng giáo dục đang ngày càng xuống dốc và quá thiếu nhân lực chất lượng cao cho công tác R&D (nghiên cứu và phát triển). Ông Lệ cho rằng Chính phủ cần có các chính sách cụ thể về phát triển nguồn nhân lực, đồng thời có cơ chế thu hút chất xám, kinh nghiệm, tâm huyết của đội ngũ Việt kiều trên khắp thế giới.
Tiếp thu ý kiến đóng góp này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết sẽ sớm trình Thủ tướng phương án thu hút Việt kiều trợ lực, góp sức cho ngành công nghiệp CNTT trong nước. "Việt Nam có một lực lượng Việt kiều đông đảo, thành đạt ở nước ngoài và sẵn sàng góp sức cho đất nước", tuy nhiên việc trải chiếu hoa đón "nhân tài" vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh dạn và đồng đều từ phía cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp.
Theo Vietnamnet