1. Học phí đại học tăng lên 240.000 đồng/tháng
Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ có quyết định điều chỉnh khung học phí mới, áp dụng cho năm học 2009 - 2010. Theo đó, mức trần học phí của sinh viên đại học sẽ là 240.000 đồng/tháng cao hơn mức trần cũ 60.000đồng/tháng. Việc điều chỉnh học phí lần này thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.
Mức tăng này là “mức thấp mang tính quá độ” vì trong năm học 2009-2010, điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Dù vậy, học phí tăng đã mang đến thêm một nỗi lo cho sinh viên trong khi mà chi phí học hành, tiền ăn, tiền nhà trọ đã là một nỗi lo thường trực của họ. Tăng học phí trở thành nỗi lo lắng không chỉ của sinh viên và các bậc phụ huynh mà là vấn đề của xã hội. Ngoài ra, số đông ý kiến cũng băn khoăn rằng học phí tăng có đi đôi với tăng chất lượng đào tạo.
Học phí tăng mang đến thêm một nỗi lo cho sinh viên.
Sinh viên và phù huynh mong mỏi rằng, nhà nước có những cân nhắc kĩ và chính sách hợp lí trong quyết định tăng học phí để giúp sinh viên có điều kiện tiếp tục học tập trau dồi kiến thức phục vụ đất nước. Đồng thời, song song với với việc tăng học phí, cần thực hiện chính sách học bổng hoặc chính sách tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn tiếp tục theo học được.
2. Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009 - 2020
Sau 14 lần sửa chữa, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009 - 2020. Tuy nhiên, bản Chiến lược đã không đáp ứng được yêu cầu nội tại của ngành cũng như mong mỏi của nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng việc xác định khung thời gian cho Chiến lược không hợp lý cả ở điểm xuất phát lẫn điểm kết thúc; các nhà soạn thảo Chiến lược đã không huy động các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín của các trường đại học hay các viện nghiên cứu ngoài Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; không ít các chỉ tiêu không thể thực hiện được và có cả những chỉ tiêu không cần thiết phải thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng Chiến lược giáo dục 2009 - 2020 là bản chiến lược kỉ lục về thời gian xây dựng cũng như số lần bổ sung, sửa đổi. Bộ GD-Đ cần xây dựng một bản chiến lược có tính khoa học và tính khả thi.
3. Dùng dằng việc bỏ thi ĐH vào năm 2010
Xung quanh chuyện bỏ thi ĐH vào năm 2010, Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến, lên kế hoạch… nhưng cuối cùng quyết định vẫn chưa thể thực hiện một kỳ thi quốc gia vì xã hội chưa đồng thuận và điều kiện của ngành chưa chín muồi. Nhiều ý kiến cho rằng đề án bỏ thi đại học cần thời gian chuẩn bị chu đáo cũng như đồng thuận cao trong xã hội.
4. Nhiều trường học thành “bệnh viện dã chiến” chống cúm A/H1N1
Chiều ngày 19/7/2009, Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (Q.9, TPHCM) trở thành trường đầu tiên trên cả nước trở thành “bệnh viện dã chiến” chống dịch cúm A/H1N1. Ngay sau đó, nhiều trường học khác cũng đã trở thành "bệnh viện dã chiến" với bác sĩ, điều dưỡng, xe cấp cứu và trang thiết bị cần thiết.
Trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến là một “bệnh viện dã chiến” chống cúm tại TPHCM. (Ảnh: Ngọc Hưng)
Nhằm ngăn chặn dịch cúm lan tràn trong các trường học, ngày 23/7, Sở GD-ĐT TPHCM đã gửi công văn cho các cơ sở giáo dục trực thuộc thành phố yêu cầu các trường không tổ chức nội trú cho học sinh trong thời gian còn nghỉ hè.
5. Nhiều trường học nỗ lực đổi mới cách dạy và học
Năm 2009 cũng được ghi dấu ấn bởi nỗ lực đổi mới cách dạy và học, khơi gợi cảm hứng mới cho cả người học và người dạy, tiêu biểu là một số trường ở TPHCM trong đó có Trường tiểu học Lương Định Của (LĐC) với cách học gây xôn xao: 100% lớp học tổ chức theo kiểu học nhóm, học sinh học nhóm ngay từ lớp 1.
Giáo viên Trường tiểu học Lương Định Của hướng dẫn học sinh làm việc theo nhóm. (Ảnh: Hiếu Hiền)
Về phương pháp dạy mới của trường LĐC, Sở GD-ĐT TPHCM tỏ rõ quan điểm: ủng hộ cách dạy và học này. Sở cho biết sẽ cùng với trường LĐC tiếp tục duy trì cách dạy và học mới này.
6. Lạm thu tiền trường
Trước thềm năm học mới, Bộ GD-ĐT đã có chỉ thị hướng dẫn rất cụ thể về thực hiện 3 công khai là công khai chất lượng, công khai đội ngũ cơ sở vật chất và công khai tài chính. Nhưng sau đó Bộ nhận được nhiều thư phản ánh của phụ huynh, học sinh về tình trạng thu chi đầu năm học.
Trong năm 2009, qua các đợt kiểm tra và thanh tra đã phát hiện nhiều vụ lạm thu ở các trường, từ mầm non, tiểu học đến THCS, THPT… Điển hình là Trường Mầm non Bông Sen (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) lạm thu học phí nhà trẻ với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng; Trường Tiểu học thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đưa ra 23 khoản thu cho học sinh trong đó có những khoản rất vô lý như “hao mòn đồ dùng”, “vật kỷ niệm”, “quỹ chăm sóc cây”, “bảo hiểm điện”… Nhiều trường ở Đà Nẵng thu sai qui định, vượt quy định của UBND thành phố, vận động phụ huynh đóng góp các khoản ngoài quy định vốn có.
Trước tình trạng này, Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ yêu cầu các Sở GD-ĐT đi kiểm tra việc thu - chi của các trường, đồng thời trực tiếp đi kiểm tra những nơi lạm thu mà báo chí nêu và xử lý nghiêm khắc những trường hợp sai phạm.
7. Nhiều trường học không đảm bảo điều kiện vật chất, giáo viên giảng dạy; Bộ GD-ĐT thừa nhận 5 yếu kém về quản lý giáo dục ĐH
Trong năm 2009, Bộ GD-ĐT phát hiện nhiều trường ĐH ngoài công lập mới thành lập không thực hiện đúng cam kết ban đầu như trong Đề án khả thi thành lập trường và mở ngành tuyển sinh, chưa chuẩn bị đồng bộ 4 yếu tố về: đất đai xây dựng trường; đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm...).
Về các trường học không đảm bảo điều kiện vật chất, điển hình là Trường tiểu học Lý Thái Tổ (TPHCM), trường không có những thứ mà lẽ đương nhiên phải có ở các trường học: không sân chơi, không bảo vệ, không cổng trường…; phần không gian ở dưới mặt đất của trường bị chiếm chỗ cho bãi giữ xe, cho nhà sách.
Không có sân, học sinh Trường tiểu học Lý Thái Tổ chơi ở thành cầu. (Ảnh: Hiếu Hiền)
Cũng trong năm 2009, Bộ GD-ĐT đã thừa nhận 5 yếu kém về quản lý giáo dục ĐH thể hiện ở các mặt như công tác quản lý ở một số trường còn lỏng lẻo; các hiện tượng gian lận, tiêu cực chưa được phát hiện kịp thời, xử lý không dứt điểm, thiếu cương quyết; các trường thành lập mới, nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học chưa thực hiện đúng các cam kết khi thành lập trường, hạn chế lớn nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu thiếu về số lượng và yếu về chất lượng…
8. Đạo đức học đường vẫn tiếp tục là vấn đề nóng
Ngày 24/8, thầy Đặng Hữu Dũng, giảng viên Ngoại ngữ trường ĐH Nông Lâm (TPHCM) đang đứng lớp thì bị học trò cũ tạt một thau đựng axit vào người và sau đó rút dao truy đuổi. Đối tượng này thù ghét và muốn trả thù thầy Dũng vì cho rằng mình không được ra trường do nợ môn Anh văn của thầy.
Trước vụ việc kinh hoàng này cũng như nhiều vụ học sinh phổ thông đâm chém “thanh toán” nhau, có nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại việc giáo dục đạo đức cho HS, SV; phải xem lại đạo đức của một bộ phận HS, SV đã chọn cách dùng bạo lực để giải quyết mỗi khi chuyện gì xảy ra không theo ý của họ.
Cũng có ý kiến cho rằng vụ học trò tạt axit trả thù thầy là hệ quả của vấn nạn chạy theo bằng cấp: gánh nặng bằng cấp đã trở thành áp lực với các bạn trẻ, họ buộc phải có mảnh bằng để có thể xin việc. Người ta quên rằng điều quan trọng là phải có một nghề chuyên môn, chứ không phải là sở hữu tấm bằng đại học, người ta đã quá chú trọng bằng cấp mà coi nhẹ xây dựng nhân cách con người. Do vậy mà đã có những chuyện đáng tiếc và đau lòng xảy ra.
9. Cấm nữ sinh mặc váy đồng phục ngắn trên đầu gối
Năm 2009 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT có quy định rõ ràng về đồng phục, lễ phục của học sinh, sinh viên.
Ngày 5/10/2009, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư về mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của HS, SV (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/11/2009) trong đó có quy định với nữ sinh sử dụng váy đồng phục thì chiều dài của váy phải trùm quá gối đã gây xôn xao dư luận. Có những ý kiến cho rằng quy định này có phần cứng nhắc và không cần thiết vì nhiều trường học hiện nay chỉ thiết kế mẫu váy đồng phục có độ dài “ngang bằng gối”. Nhiều ý kiến cho rằng quy định váy đồng phục nữ sinh phải trùm quá đầu gối là phù hợp tuy nhiên khó thực hiện vì Bộ GD-ĐT không đưa ra quy định này từ thời điểm trước năm học mới nên các trường và phụ huynh HS không có thời gian chuẩn bị, thậm chí đa số các trường đã trang bị đồng phục cho HS rồi. Nếu các trường thực hiện quy định này thì lãng phí tiền bạc của phụ huynh.
Sắp tới những bộ váy đồng phục không trùm quá gối thế này sẽ không còn phù hợp nữa.
Trả lời những ý kiến phản hồi này, Bộ GD-ĐT cho biết không bắt buộc các trường phải thay đổi ngay mẫu đồng phục, lễ phục vào năm học này mà các trường có thể chuẩn bị kế hoạch thiết kế và tổ chức cho HS, SV sử dụng đồng phục, lễ phục vào các năm sau.
10. Nhiều tiến sĩ trẻ tuổi nổi bật
Năm 2009, nhiều tiến sĩ trẻ người Việt Nam đạt được những thành tựu đáng khâm phục. Có thể kể đến Tiến sĩ Bùi Thế Duy, chủ nhiệm Khoa CNTT- ĐH Công nghệ ĐHQG Hà Nội, người được trao tặng học hàm Phó Giáo sư vào ngày 20/11/2009, trở thành Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi 31 tuổi.
Phó Giáo sư 31 tuổi Bùi Thế Duy. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Đó còn là Tiến sĩNguyễn Hoàng Long, chàng trai Hà Nội 26 tuổi trở thành Giảng viên Việt Nam đầu tiên ở Trường đại học danh tiếng Oxford.
Đặc biệt, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, 37 tuổi, vừa được tạp chí danh tiếng Time (Mỹ) vinh danh khi công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản chương trình Langland” của anh được Time bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu của năm 2009.
Theo Dân trí