Thứ bảy, 30/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 15/12/2009
Tại sao website tổng hợp phải xin phép?

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, trang TTĐT tổng hợp cho rằng quy định như dự thảo là quá chặt nhưng nhiều ý kiến khác lại cho rằng cần phải chặt hơn nữa.

Bộ TT&TT đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động quản lý trang thông tin điện tử (TTĐT) và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến cụ thể hóa các quy định tại Nghị định 97 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử (ban hành tháng 8/2008).

Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, trang TTĐT tổng hợp cho rằng quy định như dự thảo là quá chặt . Họ đề nghị được hoạt động thông tin trong các lĩnh vực giải trí, văn hóa, xã hội và tình nguyện miễn trừ thông tin về chính trị, tôn giáo. Tất nhiên, ai cũng cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng không cần thiết phải có giấy phép vì bản thân các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm nếu như làm sai.

Thoạt nghe có vẻ có lý. Song những nhà đầu tư chứng khoán nhỏ lẻ không đồng tình như vậy sau khi sự cố một website chuyên về tin tức chứng khoán thông tin không minh bạch đã làm thị trường chứng khoán lao dốc. Họ cho rằng không chỉ cần có giấy phép cho các website TTĐT mà cần phải giám sát chặt chẽ việc tuân thủ thực hiện theo giấy phép quy định.

Sự việc diễn ra vào sáng thứ sáu ngày 6/11/09. Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa với sự hứng khởi vì sự lên điểm mạnh mẽ của chỉ số VN-Index, tăng 12 điểm. Nhưng đến giữa phiên giao dịch, tức khoảng hơn 9h30, tình thế đảo ngược 180 độ, nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu. Đến thời điểm đóng cửa, VN-Index giảm 0,66 điểm (tương đương 0,12%).

“Thủ phạm” dội gáo nước lạnh lên thị trường chứng khoán hôm ấy chính là một bài viết trên website cafeF.vn. Đây là một website thông tin chuyên về thông tin doanh nghiệp, thị trường chứng khoán có số lượt truy cập lớn nhất nhì trong số các website, báo điện tử chuyên về chứng khoán hiện nay tại Việt Nam. Vào khoảng 9h35 sáng 6/11, website này đăng tải bài viết “Siết chặt dòng vốn vào chứng khoán”, có trích dẫn nguồn từ báo Diễn đàn Doanh nghiệp. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì bài báo này bị xóa khỏi hệ thống của cafeF.vn sau đó khoảng 20 phút.

Nhớ lại thời điểm đó, anh Đỗ Tiến Dũng, một nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội cho biết anh đang ở sàn SSI và điện thoại di động của anh bị “dội bom” tin nhắn “Siết chặt dòng vốn vào chứng khoán” từ cả người quen lẫn bản tin tự động. Anh Dũng nói bị lỗ vì bán ra cổ phiếu xuống giá nhưng nhất định không tiết lộ mất bao nhiêu tiền. Chỉ biết là khi đó, anh và nhiều nhà đầu tư chứng khoán khác máu nóng bốc lên đầu, đã rủ nhau kéo lên công ty VC Corp – công ty chủ quản của website cafeF.vn để làm cho ra ngô ra khoai. Tuy nhiên, có một số người can ngăn hành động trong lúc nóng vội sẽ không đạt được kết quả gì cho nên dự định đến VC Corp bị hủy bỏ.

Thực ra, “Siết chặt dòng vốn vào chứng khoán” là một bài viết về một phiên họp của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII hôm 3/11 bàn về Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nội dung bài viết nêu ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội rằng những quy định của dự thảo sẽ siết chặt và tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, tiêu đề “Siết chặt dòng vốn vào chứng khoán” đã làm các nhà đầu tư hốt hoảng và bán tháo cổ phiếu, khiến thị trường xuống dốc.

Trả lời câu hỏi tại sao nhà đầu tư không cân nhắc, đọc kỹ thông tin trước khi ra quyết định, anh Dũng nói đấy chỉ là nguyên tắc trên lý thuyết. Trong trường hợp này, khi chỉ có thông tin “Siết chặt dòng vốn vào chứng khoán” được “bắn” đi bằng SMS thì nhà đầu tư đã bị tâm lý và thực tế không đủ bình tĩnh để kiểm tra thông tin bắt nguồn từ đâu, đọc kỹ xem nội dung thế nào. Hơn nữa, anh Dũng cho rằng cafeF.vn là báo điện tử về chứng khoán có đông người truy cập, tức là có uy tín nên nhà đầu tư bị tác động bởi thông tin trên cafeF.vn là điều dễ hiểu.

Chỉ có điều, anh Dũng và nhiều nhà đầu tư khác vẫn không biết thực chất cafeF.vn không phải là báo điện tử. Mặc dù chỉ có giấy phép là trang tin điện tử tổng hợp, tức chỉ được phép trích dẫn tin tức từ các nguồn báo chí trong và ngoài nước, nhưng cafeF.vn còn có một đội ngũ sản xuất nội dung tin tức như các báo điện tử khác. Có điều khác với các báo điện tử về tin tức chứng khoán, cafeF.vn bị phát hiện đăng tin tức về doanh nghiệp, rồi xóa đi thoải mái hơn.

Chẳng hạn, cùng thông tin về công bố lãi quý III/09 của Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng, ngày 22/10 website này đăng lãi 28,68 tỷ đồng tăng 567% so với cùng kỳ năm trước và ngay sau đó, ngày 23/10, họ lại đăng lãi gần 15,2 tỷ đồng tăng 253,5% so với cùng kỳ. Cuối cùng, bản tin lãi được “thổi phồng” của Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng ngày 22/10 đã bị xóa trên cafeF.vn.

Sự mập mờ này cùng với hành động đăng rồi sau đó xóa ngay bài “Siết chặt dòng vốn vào chứng khoán” của cafeF.vn đã được phản ánh trên Chứng khoán cuối tuần (VTV1) ngày 7/11, Bản tin chứng khoán (VTV1) trưa ngày 11/11, Việt Nam và các chỉ số (VTV1) tối cùng ngày. Trả lời phỏng vấn trong các chương trình này, nhiều nhà đầu tư giọng đầy bức xúc, đề nghị các nhà chức trách sớm xử lý tình trạng này để làm lành mạnh hóa thông tin chứng khoán, tránh thiệt hại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Anh Dũng cho biết, sau sự việc cafeF.vn, nhiều nhà đầu tư đã hợp nhau lại, bàn cách yêu cầu cafeF.vn chịu trách nhiệm về thiệt hại của họ. Tuy nhiên, họ vấp phải vấn đề dựa trên căn cứ nào để kiện cafeF.vn? Có quy định nào cấm một website đăng thông tin trích dẫn lại sau đó xóa đi? Cuối cùng, các nhà đầu tư đã soạn thảo và gửi công văn kiến nghị đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính và các cơ quan chức năng khác.

Báo Bưu điện Việt Nam ngày 11/11 cũng đã có công văn đề nghị được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết quan điểm về trường hợp thông tin của cafeF.vn ngày 6/11, vai trò của các cơ quan nhà nước trong quản lý thông tin về chứng khoán nói chung và thông tin chứng khoán trên Internet, khuyến cáo để nhà đầu tư, doanh nghiệp tránh thiệt hại do thông tin thất thiệt trên Internet gây ra… Tuy nhiên, cho đến nay Báo vẫn chưa nhận được phản hồi từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Đến nay, anh Dũng mới vỡ lẽ cafeF.vn không phải là báo điện tử. Nhưng dù vậy, anh Dũng cho rằng bất kỳ một phương tiện truyền thông đại chúng nào cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin của mình, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin chứng khoán nhạy cảm. Vấn đề ở chỗ, khó mà trông cậy vào ý thức trách nhiệm của một doanh nghiệp cũng vì mục tiêu lợi nhuận tối thượng. Cho nên, vai trò giám sát của các nhà chức trách có tính quyết định trong bảo vệ lợi ích của số đông nhà đầu tư nhỏ và giấy phép cho website cung cấp thông tin, đặc biệt thông tin chứng khoán là cần thiết, anh Dũng nhấn mạnh.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0