Việt Nam ICT Index hàng năm luôn là bức tranh tổng thể, khái quát hóa để thấy vị trí thực sự của CNTT-TT Việt Nam ở đâu. Dựa vào đó, hoạch định chính sách bám sát mục tiêu đồng bộ và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng thông tin; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành kinh tế - xã hội.
Việt Nam ICT Index được công bố hàng năm là cơ sở hiện trạng CNTT-TT tại Việt Nam góp phần quan trọng hoàn thiện các tiêu chí cụ thể để đánh giá độ “mạnh về CNTT” của một quốc gia. Báo cáo Vietnam ICT Index 2009 đã được trình bày tại Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam tại Bắc Ninh ngày 27/11/2009 cho khối bộ ngành và tỉnh thành, tại hội thảo này đã thêm index khối Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.
ICT Index ngành Tài chính: những thử nghiệm đầu tiên
Thấy rõ mức độ cấp thiết và quan trọng của ICT Index, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã giao cho Tạp chí Tài chính điện tử (efinance) thử nghiệm xây dựng ICT Index 2008 của ngành Tài chính và kết quả cho thấy đây thực sự là cơ sở khoa học không thể thiếu cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT-TT của ngành Tài chính.
Bà Đinh Bạch Hường, Cục Tin học Thống kê Tài chính cho biết: ICT Index in Finance 2009 được xây dựng theo 3 nhóm, gồm 247 đối tượng như: Nhóm các cơ quan trung ương của các hệ thống - 6 đối tượng (Thuế, Kho bạc, Hải quan, Chứng khoán, Dự Trữ, Văn phòng Bộ Tài chính; Nhóm các đơn vị cấp tỉnh, thành phố (Cục Thuế, Kho bạc tỉnh, Cục Hải quan, Dự trữ Quốc gia các khu vực) – 178 đối tượng; Nhóm các sở tài chính - 63 đối tượng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính chính thức cho phép xây dựng ICT Index ngành tài chính hàng năm nhằm phục vụ việc xây dựng chiến lược và kế hoạch ứng dụng CNTT của ngành tài chính trong những năm tới, đồng thời phục vụ trực tiếp việc cung cấp số liệu hàng năm để xây dựng ICT Index của Việt Nam do Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT ủy quyền cho Hội Tin học Việt Nam thực hiện hàng năm, đại diện Cục Tin học Thống kê Tài chính chia sẻ thêm.
ICT Index ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Kết quả khả quan ban đầu
ICT Index Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được chia làm 4 nhóm đối tương: Khối Cục, Vụ, Trung tâm, Văn phòng Bộ, các Ban quản lý gồm 31 đơn vị; Nhóm Khối các trường đào tạo, quản lý cán bộ:37 đơn vị; Nhóm Khối Viện nghiên cứu và Quy hoạch: 18 đơn vị; Nhóm Khối Sở Nông nghiệp và PTNT: 63 sở.
Ông Trần Anh Phương, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển mạng Máy tính Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cho biết: tổng số phiếu điều tra gửi xuống các đơn vị 149 phiếu. Có136/149 đơn vị nộp phiếu (91%), 13 đơn vị không nộp (9%). Do đó, số liệu của các đơn vị đều có chất lượng khá tốt, phản ánh đúng hiện trạng của mình.
Tuy nhiên vẫn còn một vài trường hợp hiểu chưa đúng yêu cầu hoặc nhận thức chưa đầy đủ nên số liệu còn có tính chất đại khái, thiếu chính xác. Như vậy quá trình thu thập phiếu điều tra đạt kết quả khả quan, mặc dù đây là lần đầu tổ chức điều tra trên diện rộng toàn Ngành.
Chia sẻ yếu tố đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT
Cũng tại Hội thảo, một bức tranh toàn cảnh, rõ nét về thương mại điện tử năm 2009 cũng đã được Cục Thương mại Điện tử và CNTT thuộc Bộ Công Thương giới thiệu. Chia sẻ quan điểm để đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT, tham luận của Cục Thương mại Điện tử và CNTT- Bộ Công thương có phần khuyến nghị: Nên dựa trên 3 trụ cột Chính phủ điện tử, Thương mại điện tử và Công dân điện tử.
Để trở thành một quốc gia mạnh về CNTT thì có sự giao thoa giữa 3 trụ cột này và nhấn mạnh sự phát triển của thương mại điện tử cũng là yếu tố tích cực góp phầnmạnh về CNTT-TT cho một quốc gia. Cục Thương mại điện tử và CNTT - Bộ Công thương cũng thông báo số liệu xu hướng tác động của thương mại điện tử đến doanh thu qua các phương tiện điện tử có xu hướng tăng lên và chiếm tỉ lệ là 60%, so với 33% giữ nguyên và 7% giảm. Hiệu quả tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong doanh thu: hiệu quả rất cao là 3%, hiệu quả cao chiếm 48%, hiệu quả mức trung bình là 40%, thấp là 6% và rất thấp là 3%...
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin cho biết: Trong vài năm qua, năm nào Cục cũng triển khai hoạt động Bình chọn website thương mại điện tử. Năm nay đang tiến hành và sẽ công bố vào cuối tháng 12. Có thể Cục sẽ đưa nội dung này vào trong báo cáo tại Hội thảo ITWeek 18. Bên cạnh đó muốn xếp hạng các tỉnh về TMĐT cũng rất khó.
“Thứ nhất là ta chưa có thống kê chính xác về giá trị giao dịch mua bán trực tuyến. Thứ hai là chưa xếp hạng cũng biết ngay thứhạng cao cũng là các thành phố lớn. Như vậy, hướng là có xếp hạng TMĐT nhưng có thể không xếp theo địa phương mà theo tiêu chí khác (ví dụ ngành, lĩnh vực…). Chúng tôi cũng đang cân nhắc học tập Bộ Tài chính và Bộ NN PTNT để thực hiện ICT Index Bộ Công Thương và mong Hội Tin học Việt Nam - đơn vị nhiều năm qua thực hiện Báo cáo Việt Nam ICT Index sẽ tư vấn thêm” -ông Nguyễn Thanh Hưng nói.
Theo Vnmedia