Thứ năm, 28/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 11/12/2009
Ngô Bảo Châu vào “top 10” phát minh khoa học của Time

Ngày 9/12, tạp chí “Thời đại” (Time) đã xếp công trình chứng minh Bổ đề cơ bản chương trình Langland của GS Ngô Bảo Châu là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009.

Mô tả ảnh.
Ngô Bảo Châu (thứ 2 từ trái sang) tại Lễ trao giải thưởng Viên nghiên cứu toán học Oberwofach 2004
Với phát minh này, Ngô Bảo Châu hiện là ứng viên sáng giá cho giải thưởng toán học danh giá nhất trên thế giới – giải thưởng Fields.
 
Nhận được thông tin, GS.TS Ngô Việt Trung, Viện trưởng viện toán học Việt Nam đã gửi tới VietNamNet bài viết dưới đây. 
 
Chương trình Langland và cơ hội đoạt  “Nobel” Toán học

Chương trình Langland là một chương trình toán học đồ sộ nhằm thống nhất hình học và số học.

Bổ đề cơ bản là cơ sở cho việc xây dựng một lý thuyết toán học theo chương trình Langland.

Nhiều nhà toán học đã tiến hành những nghiên cứu dựa trên việc công nhận trước Bổ đề cơ bản.

Với việc chứng minh Bổ đề cơ bản, có thể nói Ngô Bảo Châu đã đưa chương trình Langland bước sang một trang mới.
 
Bổ đề cơ bản đã tồn tại hơn 30 năm mà không có ai chứng minh được.

Nó khó đến nỗi mà khi Ngô Bảo Châu và thầy của mình là GS Laumon mới giải quyết được một trường hợp đặc biệt thì Bảo Châu và GS Laumon đã được nhận giải thưởng Clay (năm 2004).

Đây là một trong những giải thưởng danh giá nhất về toán học trên thế giới.
 
Sau đấy, Ngô Bảo Châu còn nhận được giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ chấu Âu (2007) và giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (2008).

Sau khi giải quyết được một trường hợp đặc biệt, Ngô Bảo Châu đã tập trung tâm trí để chứng minh Bổ đề cơ bản một cách tổng quát.
 
Thực tế là nhà toán học này đã hoàn thành công trình của mình năm 2008. Nhưng để kiểm chứng công trình gần 200 trang này, các nhà toán học đã mất gần một năm để có thể hoàn toàn khẳng định chứng minh của Ngô Bảo Châu là đúng.
 
Nếu ai đã gặp Ngô Bảo Châu cách đây 5 năm thì sẽ thấy tóc của anh đã bạc đi khá nhiều, dù năm nay, Bảo Châu mới 37 tuổi.
 
Với công trình này, Ngô Bảo Châu là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho giải thưởng toán học Fields danh giá.

Đây là giải thưởng toán học được ví với giải Nobel (không có giải Nobel trong lĩnh vực toán học), nhưng 4 năm mới tổ chức một lần và chỉ dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi. Đại hội toán học thế giới năm 2010 sẽ bỏ phiếu để trao tặng giải thưởng này.
 
Ngô Bảo Châu cũng đã được mời làm báo cáo toàn thể tại Đại hội này.
 
Không phải người xa lạ…

Ngô Bảo Châu không phải là người xa lạ với toán học Việt Nam.

 Bởi Ngô Bảo Châu học chuyên toán ở ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ngay sau khi Bảo Châu bảo vệ luận án tiến sĩ ở Pháp, Viện Toán học đã mời anh làm báo cáo nhiều lần tại Viện, cũng như tại Trường hè toán học đầu tiên do Viện tổ chức để nâng cao kiến thức cho sinh viên.
 
Khi nhận giải thưởng Clay, Ngô Bảo Châu được Viện nghiên cứu cao cấp Princeton mời sang làm giáo sư.

Đây là nơi tập trung các nhà vật lý và các nhà toán học hàng đầu của thế giới, trong đó có rất nhiều người được giải Nobel và giải Fields.

Tại đây, các nhà khoa học được tạo điều kiện tốt nhất để nghiên cứu và do đó Ngô Bảo Châu có thời gian về Việt Nam nhiều hơn.
 
Với uy tín của mình, Ngô Bảo Châu đã bỏ nhiều công sức vận động Bộ GD – ĐT, Bộ KH & CN cấp kinh phí tổ chức các khóa học chuẩn bị kiến thức cho các sinh viên toán có năng khiếu đi làm tiến sĩ ở các trung tâm toán học hàng đầu thế giới.

Rất tiếc là do những vướng mắc về cơ chế mà kế hoạch này không thực hiện được như mong muốn.
 
Khác với một số nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, anh Châu luôn tích cực, chủ động tìm cách giúp đỡ toán học trong nước.

Viện Toán học đã đề nghị công nhận chức danh giáo sư đặc cách cho anh Ngô Bảo Châu và có lẽ anh là người trẻ nhất nhận học hàm giáo sư tại Việt Nam từ trước tới nay.

Viện Toán học cũng ký hợp đồng làm việc dài hạn với anh Châu và trên thực tế anh Châu đều tham gia tích cực vào công tác giảng dạy ở Viện mỗi khi về nước.
 
Năm 2008, chỉ trong hai tháng hè về nước, Ngô Bảo Châu đã giảng 3 chuyên đề cho sinh viên, và anh nói với chúng tôi rằng chưa bao giờ anh giảng dạy nhiều như thế.

Bảo Châu hiện đang có kế hoạch mời một số nhà toán học hàng đầu thế giới sang Việt Nam để cùng nghiên cứu về chương trình Langland và qua đó có thể dẫn dắt một số sinh viên trẻ Việt Nam tiếp cận với hướng nghiên cứu này.
 
Ngô Bảo Châu là một con người thấp bé, nhưng có một đôi mắt sáng đặc biệt.

Ẩn sau đó là một nghị lực làm việc phi thường. Khi làm luận án tiến sĩ, Châu nói là nhiều khi cảm thấy vô vọng vì vấn đề khó quá.
 
Nhưng trời đã không phụ lòng người, trong một lúc “thăng hoa”, Châu đã tìm thấy ý tưởng giải quyết vấn đề và đấy là bước đầu tiên dẫn đến chứng minh Bổ đề cơ bản sau này.
 
Ai đã từng nói chuyện với anh sẽ thấy anh là một người tư duy rất sắc sảo nhưng cũng rất khiêm tốn và đầy tâm huyết đối với đất nước.

  • GS.TS Ngô Việt Trung (Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam)

10 khám phá khoa học của năm 2009

(Theo bình chọn của tạp chí Time, Mỹ)

1. Ardi, tổ tiên cổ nhất của loài người

Ngày 2.10, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố đã phát hiện bộ xương hóa thạch xa xưa nhất của tổ tiên loài người tên là Ardi, thuộc chủng loại Ardipithecus ramidus, có tuổi đến 4,4 triệu năm. Trước đó, hóa thạch người tiền sử được cho có tuổi đời lâu nhất là Lucy, phát hiện năm 1974 ở châu Phi, có niên đại 3,3 triệu năm. Ardi được tìm thấy ở miền trung Ethiopia.

2. Bản đồ hoàn chỉnh đầu tiên về gen người

Trong tháng 10, nhóm khoa học của giáo sư Joseph Ecker (viện Nghiên cứu sinh học Salk, La Jolla, California) công bố giải mã toàn bộ gene người. Việc nghiên cứu được toàn bộ bộ gene dẫn tới hiểu biết tốt hơn về cách mà chức năng bộ gen được điều khiển trong các trang thái khỏe mạnh và bệnh tật, đồng thời các nhà khoa học hy vọng phát triển được nhiều loại thuốc hiệu quả hơn nữa cho điều trị bệnh.

3. Liệu pháp gene chữa chứng mù màu

Giáo sư Jay Neitz (ĐH Washington ở TP Seattle, bang Washington, Mỹ) đã tìm ra phương pháp chữa chứng mù màu cho những chú khỉ. Giáo sư Neitz đã dùng phương pháp tiêm vào mắt khỉ hàng triệu bản sao của một loại gene của người, giúp hai chú khỉ nhận biết được đúng màu sắc sau 4 tháng điều trị. Các nhà khoa học hy vọng công nghệ mới này có thể giúp điều trị  nhiều dạng rối loạn thị giác khác nhau ở người.

4. Robot tự nghiên cứu khoa học

Vào tháng 4/2009, Adam, cỗ máy robot được thiết kế tại đại học Aberystwyth, xứ Wales, Anh đã trở thành hệ thống robot đầu tiên hoạt động mà không cần đến trí tuệ ảo lập trình sẵn.

5. Nuôi cá ngừ trên đất liền

Clean Seas, một công ty Australian đã thành công trong việc nuôi cá ngừ trên đất liền, khi loài cá quý và ngon này (thường dùng làm món sashimi) ngày càng cạn kiệt trên các đại dương.

6. Phát hiện nước trên Mặt Trăng

Các nhà khoa học Mỹ công bố có nước trên mặt trăng với khối lượng lớn, qua sự kiện ngày 9.10, NASA cho một phi thuyền không người lái đâm xuống mặt trăng, bắn tung ra đám bụi trong đó có hàng chục lít hơi nước và nước đá.

7. Giáo sư Ngô Bảo Châu (Việt Nam) chứng minh bổ đề toán học Langlands

Năm 1979, nhà toán học người Mỹ gốc Canada, Robert Langlands đã phát triển một lý thuyết nối hai nhóm của toán học là số học và các cấu trúc đại số. Lý thuyết này, có tên gọi “chương trình Langlands”, nghiên cứu tính đối xứng kết hợp với phương trình số học. Tuy vậy phải đến năm 2009, giáo sư Ngô Bảo Châu đưa ra công trình nghiên cứu “Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita” chứng minh chương trình Langlands và được các nhà toán học thế giới công nhận.

8. Truyền thông lượng tử

Các nhà khoa học ĐH Maryland đã di chuyển thành công dữ liệu từ một vi xử lý này tới một vi xử lý khác trong một hộp chứa cách đó một mét. Đây được xem là một dấu ấn trong lĩnh vực về trí thông minh của con người, được gọi là quá trình xử lý thông tin định lượng, mở ra cơ hội sáng chế ra các loại máy tính siêu nhanh.

9. “Hồi sinh” máy gia tốc hạt khổng lồ

Cỗ máy gia tốc hạt khổng lồ thuộc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) đặt trong một đường hầm dài 27 km, dù gặp nhiều trục trặc và trì hoãn, đã được khởi động tăng tốc cho hạt proton lên mức năng lượng 105.000 tỷ electron volt vào ngày 29.11, qua đó các nhà khoa học hy vọng tái tạo lại vụ nổ Big Bang được xem là khởi sinh ra vũ trụ.

10. Phát hiện hành tinh mới giống hệ mặt trời

Ngày 4.12, nhóm các nhà khoa học Mỹ, Canada, Đức và Nhật Bản cho biết đã chụp được hình ảnh trực tiếp đầu tiên của một hành tinh giống Trái đất (cách chúng ta 50 năm ánh sáng) đang quay quanh một hành tinh khác giống Mặt Trời trong dải ngân hà, nhờ kính thiên văn vũ trụ Subaru trên đảo Hawaii mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, họ cũng chưa xác định được đây là một hành tinh lớn hay chỉ là một hành tinh lùn màu nâu được coi là ngôi sao đang chết.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0