Thứ năm, 25/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 04/12/2009
Tìm mô hình cho khu CNTT tập trung

Phát triển các khu CNTT tập trung được nhận định có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của CNTT Việt Nam. Tuy nhiên, việc này đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ít về số lượng, thấp về hiệu quả

Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho rằng, muốn đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT cần phải đặc biệt quan tâm đầu tư, tạo bước phát triển “đột phá” ở 2 lĩnh vực: nhân lực CNTT và hạ tầng CNTT. Trong đó, cần đầu tư kinh phí đáng kể cho việc phát triển các khu CNTT tập trung và khu đó phải có không gian, có hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư sản xuất, cung ứng và phát triển các sản phẩm CNTT. Lý giải về sự cần thiết và vai trò của khu CNTT tập trung, ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung cho hay, các khu CNTT tập trung sẽ hình thành nên các cứ điểm mạnh để phát triển công nghiệp và dịch vụ CNTT; đồng thời tạo ra một môi trường hoàn hảo và một địa chỉ cụ thể để tập trung thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho phát triển. Không những thế, khu CNTT tập trung còn là đầu mối quan trọng để triển khai các chính sách và quản lý; tạo ra hiệu ứng, cộng hưởng mạnh về hợp tác giữa các thành viên về phát triển thị trường, xúc tiến thương mại...

Tuy nhiên, trên thực tế sự phát triển các khu CNTT tập trung tại Việt Nam còn hạn chế. Theo đại diện Viện Chiến lược CNTT&TT (Bộ TT&TT), số lượng các khu CNTT tập trung của Việt Nam chưa nhiều (cả nước hiện có 7 khu CNTT tập trung đang hoạt động) và số khu CNTT tập trung thực sự hoạt động hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí của Nghị định 71/CP còn ít hơn. Đặc biệt, vai trò của các khu CNTT ở nước ta chưa thực sự nổi bật, chưa có đóng góp lớn trên cả 2 khía cạnh: doanh thu và công nghệ. Điển hình như, doanh thu năm 2007 của CVPM Quang Trung (mô hình khu CNTT tập trung thành công nhất tại Việt Nam) khoảng 45 triệu USD, chiếm chưa đến 10% doanh số của CNPM năm 2007 và chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu từ CNTT.

Từ thực tiễn địa phương, ông Phạm Kim Sơn chia sẻ, hạ tầng CNTT-TT đang là một tồn tại của Đà Nẵng. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng trên thực tế hạ tầng CNTT-TT của Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp CNTT, không gian sẵn sàng dành cho sản xuất CNTT còn ít. Đặc biệt đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho Khu CNTT tập trung. Do đó, địa phương còn nhiều hạn chế trong việc thu hút đầu tư. Ví dụ như, khi nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, không chỉ Sở TT&TT mà ngay cả lãnh đạo thành phố đôi lúc vẫn còn lúng túng khi trả lời các thắc mắc của nhà đầu tư. Ông Sơn cũng cho biết, sự chưa đầy đủ của hệ thống quy phạm pháp luật về đầu tư phát triển CNTT hiện cũng là một “rào cản” đối với việc phát triển khu CNTT tập trung ở địa phương, là thách thức lớn trong quá trình chuẩn bị đầu tư cho công nghiệp CNTT. Cụ thể, trong Luật Đầu tư chưa có các quy định về đầu tư xây dựng mới khu CNTT tập trung nên đã gây ra sự lúng túng đối với địa phương khi triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu CNTT. Hay đối với việc quản lý khu CNTT tập trung tại địa phương, vẫn chưa có các qui định cụ thể về chức năng nhiệm vụ của BQL khu CNTT tập trung nên địa phương chưa biết phải quản lý như thế nào trước và sau đầu tư.

Phát triển nhưng không dàn trải

Từ việc tìm hiểu mô hình một số khu CNTT trên thế giới, đại diện Viện chiến lược TT&TT nhận định, các khu CNTT tập trung thành công trên thế giới đều có vị trí địa lí thuận lợi; nguồn vốn đầu tư là sự kết hợp cả 3 yếu tố Nhà nước, các công ty nước ngoài và các công ty trong nước; có sự gắn kết giữa sản xuất và nghiên cứu; đặc biệt là có những ưu đãi dành riêng cho các khu CNTT về: cơ sở hạ tầng, về thuế và về thủ tục hải quan, thủ tục hành chính.

Đối với việc phát triển các khu CNTT tập trung tại Việt Nam, đại diện Viện Chiến lược TT&TT đưa ra 5 nhóm giải pháp cần tập trung gồm: Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các khu CNTT tập trung; Thứ hai, nâng cao khả năng nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm của các khu CNTT tập trung; Thứ ba, hỗ trợ các DN mới hoạt động trong khu CNTT tập trung; Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực CNTT; và cuối cùng, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu CNTT tập trung, mở rộng và phát triển thị trường CNTT.

Ông Phạm Kim Sơn đề xuất, để hành lang pháp lý thông thoáng hơn, giúp địa phương xúc tiến việc triển khai các khu CNTT tập trung được “xuôi chèo mát mái” thì cơ quan quản lý có thẩm quyền cần ban hành khung quy định chung chức năng, nhiệm vụ của các Ban Quản lý khu CNTT tập trung; ban hành quy định về trình tự, thủ tục xem xét công nhận khu CNTT tập trung; sớm phê duyệt Qui hoạch phát triển tổng thể các Khu CNTT tập trung; bổ sung một số quy định trong Luật đầu tư về đầu tư xây dựng mới các Khu CNTT tập trung.

Từ bài học kinh nghiệm của các khu CNTT thành công và chưa thành công, ông Chu Tiến Dũng lại cho rằng, các địa phương cần thận trọng khi quyết định đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung. Các địa phương phải nghiêm túc đánh giá xem có đủ tiềm năng, tiềm lực để triển khai khu CNTT tập trung hay không?... đồng thời cũng cần phải thận trọng chọn nhà đầu tư để tránh bị lợi dụng biến thể của kinh doanh bất động sản. Đối với việc quản lý các khu CNTT tập trung, ông Dũng kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn về thành lập và tổ chức hoạt động của các khu CNTT tập trung; cần thiết có cơ quan đầu mối cấp quốc gia để giải quyết các vấn đề phát sinh đối với các khu CNTT tập trung; chính sách đối với các chủ đầu tư xây khu CNTT tập trung, các nhà đầu tư trong khu CNTT tập trung, các đơn vị hoạt động trong khu CNTT tập trung cũng phải được giải quyết nhất quán, ổn định lâu dài.  

Theo ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0