Thứ năm, 25/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 02/12/2009
Những sự kiện nổi bật trong tuần từ 24 đến 30/11/2009

Quốc hội thông qua Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về an toàn thông tin không khá hơn 2 năm trước. “Đề án tăng tốc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT” được thảo luận tại nhiều hội thảo. Định hướng về ngôn ngữ học phải được đưa vào nội dung của “Đề án Tăng tốc”. Việt Nam là thị trường game lớn nhất Đông Nam Á…

Sáng 23/11/2009, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện. Như vậy, từ ngày 1/7/2010, hai dự án luật quan trọng này sẽ có hiệu lực thực thi, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo cơ sở cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong phát triển mạng lưới viễn thông đa dạng hiện nay. Luật Viễn thông quy định về hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông. Đối với Luật tần số vô tuyến điện, về trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện đã được Uỷ ban Thường vụ giải trình cho biết dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ TTTT kèm theo những nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể.

Ngày 24/11/2009 tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) và Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Sự cố Máy tính Quốc gia (VNCERT) đã tổ chức Ngày hội An toàn Thông tin Việt Nam 2009. Theo điều tra của VNISA, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về an toàn thông tin ở Việt Nam là không khá hơn so với 2007. Khi được hỏi về các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thông tin, chỉ có khoảng 25% cơ quan, tổ chức là có áp dụng, 53% trả lời không có, 21% trả lời không rõ. Theo TS Vũ Quốc Thành - Tổng thư ký VNISA, trước câu hỏi về kế hoạch an toàn thông tin thì số lượng trả lời “không” và “chưa rõ” còn cao hơn năm 2007. Theo nhiều chuyên gia, tội phạm CNTT cũng ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, đại tá Trần Văn Hoà - Trưởng phòng chống tội phạm công nghệ cao, Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm Kinh tế Bộ Công an thì một trong những khó khăn là không thể xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính do loại tội phạm này không được quy định trong luật. Phải sang năm 2010 khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực với 5 điều luật về tội phạm công nghệ cao thì mới có thể phạt tù từ 1 – 5 năm.

Đề án Tăng tốc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT đã trở thành một vấn đề nóng được bàn thảo sôi nổi tại nhiều hội thảo lớn. Tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Chính sách KHCN Quốc gia ngày 25/11/2009, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội lưu ý Đề án không nên xem CNTT chỉ là một ngành kinh tế, mà phải đặt CNTT trong mối quan hệ mật thiết với tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội – an ninh, quốc phòng của đất nước. Theo GS.TSKH Đỗ Trung Tá - Chủ tịch Hội đồng Chính sách KHCN Quốc gia, với tầm quan trọng của đề án này, việc triển khai đề án không chỉ là việc của Bộ TTTT mà nhất định phải có sự tham gia của Bộ KHCN, Bộ GDĐT, Bộ KHĐT và Bộ Tài chính.

Còn tại Hội thảo Quốc gia về CNTT-TT sau đó một ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT cho rằng, Việt Nam có triển vọng phát triển công nghiệp nội dung số và đề nghị Bộ TTTT nghiên cứu sâu hơn về triển vọng này. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng kết luận, các lĩnh vực CNTT tăng trưởng không đều. Đây cũng là hội thảo quốc gia về CNTT-TT đầu tiên đặt trọng tâm vào việc phát triển thị trường dịch vụ CNTT, một lĩnh vực đem lại tỷ suất doanh thu hơn 75% toàn ngành CNTT-TT thế giới.

Tiếp đó tại Bắc Ninh đã diễn ra Hội thảo Hợp tác Phát triển CNTT Việt Nam 2009 với chủ đề “Hợp tác phát triển góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT”. Nhân dịp này, Hội Tin học Việt Nam và Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT đã công bố báo cáo xếp hạng chỉ số sẵn sàng CNTT-TT Việt Nam 2009 (Vietnam ICT Index 2009). Theo kết quả xếp hạng của khối địa phương, Đà Nẵng vươn lên đứng đầu, tiếp sau là TP.HCM và Hà Nội. Đứng đầu khối các bộ ngành là Bộ Công Thương, tiếp sau là Bộ GDĐT, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng. Đứng cuối bảng xếp hạng của khối này là Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. 

Có một thực tế đã không được các hội thảo nói trên đề cập đến đã được chỉ ra tại hội thảo do Hội Trí thức KH&CN Trẻ Việt Nam (VAYSE) tổ chức ngày 25/11/2009. Đó là đòi hỏi tối thiểu cho CNTT với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc là cái gì? Từ khi CNTT bắt đầu hiện diện, công việc đầu tiên của Việt Nam và rất nhiều quốc gia là phải làm sao đưa được chữ quốc ngữ vào máy tính. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa CNTT và ngôn ngữ học lại là câu chuyện của “Bóng tối dưới chân cột đèn” không được ai nhìn vào và kết cục là Chiến lược Quốc gia về CNTT giai đoạn 2005 – 2010 đã thiếu sót định hướng này. TS Đào Hồng Thu - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ  ĐH Bách khoa Hà Nội đã đề cập một thực tế là tuyệt đại đa số những nghiên cứu về CNTT cho ngôn ngữ học đều là của các chuyên gia tin học và ngành ngôn ngữ học Việt Nam dường như chưa mấy tiếp cận. Sự hợp tác giữa ngành ngôn ngữ học với CNTT là thực tế đang phải đặt ra cấp thiết. Nếu mở ra được, CNTT mới có thể xâm nhập vào mọi lĩnh vực. Sau đó 2 ngày, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc gia về ngôn ngữ học trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đáng chú ý là tham luận của tác giả Nguyễn Trung Thuần về “Tiếng Việt trong CNTT” với hàng loạt tồn tại trong việc chuyển ngữ, Việt hoá các thuật ngữ CNTT. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với nhiều trang mạng xã hội được người Việt Nam tham gia nhưng cách Việt hoá không thống nhất đã làm bức tranh tiếng Việt trong lĩnh vực này trở nên xa lạ với tiếng Việt, thậm chí tối nghĩa. Vì thế, cần có một định hướng chuẩn về thuật ngữ CNTT và nên biên soạn một bộ từ điển thuật ngữ CNTT để làm công cụ chung.

Ngày 26/11/2009, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) đã  tổ chức hội thảo “Tình hình công nghiệp game Việt Nam và triển vọng phát triển game Việt”. Theo ông Trương Hoài Trang - Phó Chủ tịch VINASA: Việt Nam là thị trường game lớn nhất Đông Nam Á, với 12 triệu game thủ cùng 53 game của gần 20 nhà phát hành, doanh thu năm 2008 là 130 triệu USD, chiếm 75% toàn ngành nội dung số (180 triệu USD)… Các game online (GO) đang được phát hành tại Việt Nam hầu hết là game nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu… nên ngoài việc nhà phát hành GO phải chia sẻ doanh thu với nhà phát triển game nước ngoài thì những luồng văn hóa ngoại với không ít nội dung độc hại đã đầu độc và tàn phá không ít gia đình trong những năm qua. Thực tế là nhiều thành viên trong VINASA cứ thỏa sức đua tài phát triển GO tại Việt Nam, bất chấp những tiêu cực với người chơi.

Tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) đã công bố ấn phẩm “Các vấn đề Thương mại và Kiến nghị năm 2010”, trong đó có một chương riêng về viễn thông. EuroCham đánh giá ngành viễn thông Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực ĐTDĐ và Internet băng rộng. Song Eurocham cũng khẳng định, chất lượng cũng như tính ổn định của mạng tại Việt Nam vẫn còn kém phát triển. Đặc biệt, Eurocham nhấn mạnh khuôn khổ pháp lý không theo kịp với sự phát triển của thị trường cũng như việc thực hiện các cam kết của WTO nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung. Chính sách viễn thông của Việt Nam vẫn chưa mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là tiến trình cổ phần hóa chậm chạp.

Ngày 27/11/2009 tại Hà Nội, Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) và Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức sơ kết công tác phối hợp thông tin. Suốt nhiều năm qua, VNPT các tỉnh, thành phố luôn là lực lượng nòng cốt bảo đảm thông tin cho các khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Nhân dịp này, Bộ Quốc phòng đã trao Bằng khen tặng 3 tập thể và 5 cá nhân của VNPT có nhiều thành tích trong phối hợp công tác thông tin.

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0