|
Một quốc gia mạnh về công nghiệp dịch vụ CNTT phải chiếm được 0,5% thị phần toàn cầu. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Khát vọng “tăng tốc”
Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XIII là sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Bắc Ninh, Hội Tin học Việt Nam, Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin Truyền thông Bắc Ninh đồng tổ chức với định hướng là kênh tư vấn phản biện xã hội quan trọng góp phần đóng góp ý kiến sâu rộng, có ảnh hưởng thiết thực, tích cực cho lộ trình xây dựng và tiến tới đưa đề án “Tăng tốc đưa Việt Nam trở thành Quốc gia mạnh về CNTT-TT” thành hiện thực.
Trong bối cảnh sự phát triển CNTT Việt Nam trong những năm qua vẫn “chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành và yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đề án “Tăng tốc đưa Việt Nam trở thành Quốc gia mạnh về CNTT-TT” có mục tiêu tổng quát là đến năm 2015, tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 17-20% trong GDP; tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gấp từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP và đến năm 2020, tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 20-23% trong GDP; tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Ở Việt Nam, tuy CNTT mới chỉ thực sự phát triển trong 15 năm gần đây nhưng những kết quả trong giai đoạn vừa qua cho thấy CNTT Việt Nam hoàn toàn có thể “tăng tốc” trong thời gian tới để trở thành ngành kinh tế chủ lực, đóng góp đắc lực cho sự tăng trưởng và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, từng bước chuyển sang kinh tế tri thức. Sự phát triển của CNTT sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào việc tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đóng góp vào ngân sách nhà nước; cũng như kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực khác.
“Thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Đề án sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy CNTT Việt Nam phát triển, là tiền đề quan trọng để Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại cũng như Quốc gia mạnh về CNTT-TT”, ông Lê Xuân Lan, Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT khẳng định.
2020, Việt Nam sẽ trở thành nước mạnh về công nghiệp Dịch vụ CNTT
|
Ông Nguyễn Trọng: "Sau 10 năm, chúng ta có thể đi lên từ 400 triệu USD trở thành 7 tỷ USD nếu có hệ thống chính sách tốt". (Ảnh: Ngọc Duy) |
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng, nguyên Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM trong tham luận trình bày tại Hội thảo lần này.
Theo ông Trọng, Việt Nam khó có thể trở thành một quốc gia mạnh toàn diện về công nghiệp CNTT (bao gồm cả 3 lĩnh vực: công nghiệp thiết bị CNTT, công nghiệp phần mềm CNTT và công nghiệp dịch vụ CNTT) giống như Mỹ, Nhật, Trung Quốc hay một số nước Tây Âu được. Lý do, theo ông Trọng, trong vài chục năm tới, 2 trong số 3 lĩnh vực trên của Việt Nam là công nghiệp thiết bị và công nghiệp phần mềm Việt Nam chưa thể phát triển mạnh ngang tầm thế giới được.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể nỗ lực phấn đấu để trở thành quốc gia mạnh về công nghiệp dịch vụ CNTT trong khoảng 10-15 năm tới, bởi đây là thị trường lớn, có chỗ cho nhiều quốc gia có nhân lực và trí tuệ, được đào tạo ở trình độ cao nhưng lợi thế lớn là phổ cập bằng quốc tế đó không quá khắt khe như với công nghiệp phần mềm theo đúng nghĩa của ngành này, nơi mà lực lược lao động nói chung phải có trình độ đại học.
Theo lý giải của ông Trọng, ngoài Mỹ thì những quốc gia mạnh về công nghiệp phần mềm CNTT có sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường quốc tế hầu như rất ít mà chủ yếu là thị trường trong nước và khu vực. Như vậy, nếu Việt Nam đạt được vị trí quốc gia mạnh về công nghiệp CNTT trong lĩnh vực công nghiệp Dịch vụ CNTT là có tính khả thi và chúng ta có thể đi lên từ khoảng 400 triệu USD theo ước tính hiện nay (khoảng 0,05% so với tương quan thị trường công nghiệp dịch vụ CNTT toàn cầu) để đạt 0,5% vào năm 2020.
Số liệu thống kê tình hình công nghiệp dịch vụ CNTT quốc tế với tốc độ tăng trưởng trung bình là 5,25% trong 5 năm qua cho thấy, ngành công nghiệp này vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 1.350 tỷ USD, trong khi đó, một quốc gia mạnh về công nghiệp dịch vụ CNTT phải chiếm được thị phần khoảng 0,5% tức 6,5-7 tỷ USD.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta muốn từ 0,4 tỷ USD tiến lên mức 6,5-7 tỷ USD trong 10 năm thì tăng trưởng hàng năm phải đạt 33-35%.
“Nếu so với mức độ phát triển của ngành công nghiệp dịch vụ CNTT ở Việt Nam hiện nay thì đây là con số không quá cao và hoàn toàn có thể đạt và vượt mốc đó nếu có hệ thống chính sách tốt để chúng ta sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT trong khoảng 10-15 năm tới theo đúng dự kiến của đề án Tăng tốc”, ông Nguyễn Trọng nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet