|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề xuất việc thành lập một công ty đào tạo nhân lực CNTT theo đơn đặt hàng. Ảnh: Trọng Cầm |
Câu trả lời chính là "xây dựng thương hiệu quốc gia, giữ vững thị trường nội địa, hoàn thiện khung pháp lý, đào tạo theo đơn đặt hàng và tập trung cho lĩnh vực dịch vụ số.
An toàn "thoát" khủng hoảng
Hội thảo năm nay đã tập trung thảo luận về hiện trạng phát triển, cơ hội thị trường của các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, Internet và nhất là dịch vụ/nội dung số tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các giải pháp, kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính sách, định hướng phát triển của Nhà nước đối với thị trường CNTT cũng được các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ trên diễn đàn.
Sự tham dự của các quan chức cấp cao như Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT Đỗ Trung Tá cùng nhiều nhà lãnh đạo khác đã cho thấy sự quan tâm của Việt Nam đối với ngành công nghiệp CNTT, cũng như tái khẳng định quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc xây dựng ngành CNTT Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo số liệu thống kê được công bố tại Hội thảo, kể từ năm 2000 tới nay, tốc độ tăng trưởng của thị trường CNTT Việt Nam luôn ở mức trên 25%. Bước sang năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ này có phần chậm lại nhưng vẫn đạt xấp xỉ 20%, một con số được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá là "rất đáng mừng" và "đáng trân trọng", bởi nó là niềm mơ ước của nhiều quốc gia khác. Giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp công nghệ cũng đạt 3,2 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm 2008.
Theo một cuộc thăm dò mới nhất của hãng tư vấn A.T Keaney (Mỹ), trong năm 2009, Việt Nam đã cải thiện tới 9 bậc để leo lên vị trí thứ 10 trong danh sách Những quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. Trong đó, Thành phố Hồ Chính Minh hiện đứng thứ 5 trên tổng số 50 thành phố ở các nước đang phát triển, còn Hà Nội giữ vị trí số 10.
"Hai lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa là phần cứng và nội dung số lại giữ nguyên được đà tăng trưởng, thậm chí tăng nhẹ. Điều này cho thấy khu vực nội địa đã vượt qua khủng hoảng, dù thị trường quốc tế còn chưa hết khó khăn", ông Nguyễn Trọng Đường, Quyền Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT phân tích. Tất nhiên, quy mô thị trường còn nhỏ thì dễ dàng đạt mức tăng trưởng cao hơn so với các nước đã phát triển, nhưng dù sao, đây vẫn là một nỗ lực đáng coi trọng của Việt Nam.
Dịch vụ số và Thương hiệu quốc gia
Phát biểu trước các cử toạ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành CNTT trong 10 năm qua là một "xu hướng rất đáng quan tâm và trân trọng". Thậm chí, "trong kế hoạch sắp tới, cũng nên đặt mục tiêu tăng trưởng CNTT gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế".
Chủ động phát biểu cuối cùng để lắng nghe tham luận trước đó của các cơ quan hữu trách lẫn đại diện các hãng công nghệ lớn như IBM, Yahoo, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh giá trị xuất khẩu 2,7 tỷ USD của thị trường phần cứng (trên tổng doanh thu 4 tỷ USD) cho thấy thị trường quốc tế có một ý nghĩa rất quan trọng. Tương tự, với đà tăng trưởng trên 30% hiện nay, thị trường phần mềm dự kiến sẽ vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2010 và tăng lên 1,5 tỷ USD vào năm 2011.
"Tuy nhiên, đáng quan tâm nhất là các DN cung cấp nội dung số và dịch vụ CNTT". Hiện thị trường này đang tăng trưởng rất nhanh với tốc độ 55%. Đây hiển nhiên là điều đáng mừng, song Phó Thủ tướng nêu ra câu hỏi "Liệu tốc độ này có thể duy trì lâu không? Liệu đến năm 2011, ngành dịch vụ/nội dung có thể đạt 1,5 tỷ USD và vượt cả phần mềm hay không?
Một điểm mới của Hội thảo mang tầm quốc gia này là lần đầu tiên, thị trường dịch vụ CNTT được khẳng định sẽ là "trọng tâm phát triển, quan tâm đẩy mạnh" của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đại biểu đến từ IBM, dịch vụ IT sẽ là một ngành tăng trưởng bùng nổ trong tương lai gần, với tổng doanh thu toàn cầu lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2012.
Trong khi các quốc gia phát triển và nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ đều đã dịch chuyển dần từ mô hình sản xuất sang cung cấp dịch vụ bởi tỷ lệ lợi nhuận hấp dẫn của thị trường này, thì tại Việt Nam, tiềm năng và cơ hội cũng được đánh giá là rất sáng sủa. Mặc dù vậy, một thực tế là thị trường dịch vụ CNTT vẫn còn đang bị bỏ ngỏ và chưa tương xứng với kỳ vọng.
"Nhiều nước đã thông qua dịch vụ và nội dung số để tích luỹ kinh nghiệm, đi ra quốc tế. Thí dụ như Hàn Quốc "đem phim và game đi đánh xứ người". Đồng thời, dịch vụ CNTT cũng giúp DN cạnh tranh nội địa tốt hơn, giữ vững thị trường nội địa trước làn sóng cạnh tranh quyết liệt từ các tập đoàn quốc tế", Phó Thủ tướng nhận định.
Dồn sức có trọng điểm
|
Thị trường CNTT Việt Nam đang tăng trưởng rất khả quan. Ảnh: T.C |
Theo Phó Thủ tướng, thông thường, một DN trong nước muốn xây dựng và phát triển thương hiệu, sự tín nhiệm thì phải mất không dưới 10 năm, đơn cử như trường hợp của Công viên phần mềm Quang Trung (QTSP) trong TP Hồ Chí Minh, địa phương đang đi đầu cả nước về ứng dụng và phát triển CNTT. QTSP đã phải mất 9 năm tích luỹ kinh nghiệm, xây dựng quy trình chuẩn để tạo được uy tín với các đối tác trong và ngoài nước. Vì thế, Phó Thủ tướng đề xuất nên có chương trình hỗ trợ mang tính nhà nước, đối với các doanh nghiệp lớn, đã có thương hiệu từ 5-10 năm để họ phát triển mạnh mẽ hơn, đủ sức tiến ra quốc tế.
"Nên chăng, Bộ TT&TT nên xem xét mở rộng mô hình QTSP, xây dựng các khu công nghiệp phần mềm có thương hiệu QTSP tại nhiều địa phương khác (với bộ máy quản lý đã được chuẩn hoá sau 9 năm hoạt động), để làm sao khi các khu công nghiệp QTSP dù mới thành lập vẫn được đối tác nước ngoài tin cậy, đối xử như với QTSP gốc.
Điều quan trọng, theo Phó Thủ tướng, là phải xây dựng cơ chế thương hiệu cho các công ty lớn. "Chúng ta tập trung xây dựng cho 10 - 15 công ty Việt Nam lớn nhất, thậm chí là tuyên truyền cho họ trên thị trường quốc tế. Có thể, doanh nghiệp trong nước mới có thể đi ra quốc tế thành công".
Về bài toán nhân lực CNTT đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu, Phó Thủ tướng gợi ý về việc thành lập "một công ty đào tạo nhân lực trong nước theo đơn đặt hàng", "đào tạo để có lợi nhuận hẳn hoi". Công ty này sẽ nhận được sự hỗ trợ, hợp tác đào tạo từ 5-6 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM, Intel... và đội ngũ nhân lực đào tạo ra không chỉ cung ứng cho số DN này khi họ có nhu cầu, mà còn nhằm thoả mãn cho cả thị trường nội địa.
"DN có thể than phiền rất nhiều về đào tạo, nhưng làm sao có thể đào tạo nhân lực trình độ cao ở một nước mà trình độ phát triển kinh tế còn thấp?" Chúng ta phải có mô hình lôi kéo được yêu cầu, đòi hỏi tuyển dụng cũng như kỹ năng của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Nói cách khác, chúng ta phải kéo được năng lực nghiên cứu, mô hình hiện đại và nhu cầu cao của quốc tế vào trong nước, chứ không thể chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp nội địa", Phó Thủ tướng kết luận.
Theo Vietnamnet