Cập nhật: 29/11/2009 |
Định hướng phát triển CNTT-TT quốc gia: Mục tiêu, rào cản cũ, giải pháp... không mới |
|
|
Nhân lực CNTT VN dù được nâng cao, nhưng vẫn thiếu và yếu. |
Ngày 26.11 tại Hà Nội, một hội thảo quốc gia về CNTT-TT được tổ chức với chủ đề: Hiện trạng thị trường và định hướng phát triển CNTT-TT giai đoạn tới.
|
|
Tuy nhiên, ở hội thảo vẫn chỉ thấy được những mục tiêu cũ, rào cản cũ và mới; trong khi giải pháp để thực hiện lại không hề mới và kém cải thiện.
Tự hào với... quá khứ
Chương trình hội thảo diễn ra cả ngày 26.11, song đối tượng diễn giả lại chỉ là những đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước, hội nghề nghiệp; trong khi thiếu hẳn một đối tượng cực kỳ quan trọng là khối doanh nghiệp (DN) CNTT-TT. Ở lĩnh vực CNTT, vắng bóng FPT, CMC. Trong nhóm "đại gia" cung cấp Internet không thấy VDC và cũng không có các DN viễn thông hay bất kỳ một DN cung cấp dịch vụ nội dung số nào.
Ở hội thảo này, thông tin về ngành CNTT-TT được đưa ra lại lạc quan với quá khứ và hiện tại trong bối cảnh kinh tế trong nước và toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Với CNTT nói chung, các cơ quan cho rằng dù có giảm so với 2008 nhưng giá trị xuất khẩu toàn ngành vẫn ước đạt khoảng 6,26 tỉ USD (?).
Đặc biệt, các cơ quan này cũng cho rằng: Công nghiệp phần mềm ước tính tăng trưởng khoảng gần 30% và đạt khoảng 880 triệu USD trong năm 2009. Lạc quan hơn thế, các cơ quan này cho rằng nếu đạt được mức này, khả năng mục tiêu 800 triệu USD phần mềm và dịch vụ năm 2010 sẽ hoàn thành trước thời hạn.
Điều này xem ra là cực kỳ mâu thuẫn với nhận định của Hiệp hội Các DN phần mềm VN (Vinasa). Cụ thể trong một hội thảo gần đây, Vinasa đánh giá và lo ngại công nghiệp phần mềm VN đang tụt dốc. Thậm chí, các DN phần mềm cho rằng, công nghiệp phần mềm của VN năm 2009 sẽ chỉ có thể tăng trưởng tối đa 10%. Ngay cả khi đạt được con số này cũng đã là "lý tưởng". Vậy liệu có sự "cập lệch" giữa lo ngại của chính các DN phần mềm với sự lạc quan của các cơ quan quản lý?
Bên cạnh đó, hàng loạt những "con số lý tưởng" được đưa ra như tỉ lệ thuê bao điện thoại và Internet, những khoản tiền đầu tư FDI, sự tăng trưởng của ngành nhân lực... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những con số này không nói lên điều gì hoặc ít có ý nghĩa khi mà có những con số thiếu thực chất, thậm chí là "ảo" và số lượng không song hành với chất lượng.
Không có đột phá
Có thể nói: Những mục tiêu, giải pháp hay cơ hội và thách thức... từ lâu đã được cơ quan quản lý, DN và nhiều chuyên gia nhận mặt, chỉ tên... Gần đây, VN tiếp tục xây dựng đề án tăng tốc CNTT-TT để trở thành quốc gia mạnh trong lĩnh vực này vào năm 2015. Ngoài ra, VN cũng có hàng loạt mục tiêu về nhân lực, công nghiệp phần mềm, xây dựng Chính phủ điện tử...
Tuy nhiên, dường như trên thực tế vẫn chưa hề xuất hiện những yếu tố mới mang tính đột phá để giúp VN có thể thực hiện thành công những mục tiêu này. Cụ thể tại hội thảo, những giải pháp mang tính chất định hướng cho thời gian tới vẫn là: Nghiên cứu, xây dựng, quy hoạch các chính sách hỗ trợ phát triển để hình thành các khu CNTT tập trung cấp quốc gia và địa phương; ưu tiên phát triển những lĩnh vực mà CNTT của VN có thế mạnh như công nghiệp phần mềm, nội dung số.
Đối với nguồn nhân lực thì vẫn là hỗ trợ đào tạo, hình thành DN lớn, phát triển vườn ươm hay nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số và Quỹ Phát triển nguồn nhân lực CNTT VN; tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế tài chính, đầu tư; rà soát tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thuế...
Nhìn vào tất cả những vấn đề trên đây thì có thể thấy rằng trong một thời gian dài vừa qua, lĩnh vực CNTT-TT chưa có sự đột phá đáng kể. Đây cũng là nhận định và đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi đến tham dự và phát biểu tại hội thảo, trong đó vấn đề đáng lo ngại nhất là về nhân lực CNTT của VN. Chính vì thế, những giải pháp này đã trở nên... quá cũ, thậm chí đây chính là giải pháp của... quá khứ mà đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Theo Lao động |