Thứ ba, 23/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 29/11/2009
Nhiều chỉ tiêu chưa thuyết phục trong đề án tăng tốc CNTT

Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Hội đồng Chính sách Khoa học công nghệ quốc gia diễn ra dưới sự chủ trì của Giáo sư - TSKH Đỗ Trung Tá. Ảnh: Thuỷ Nguyên
 

Đó là những đánh giá chung của các thành viên Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ quốc gia góp ý kiến cho bản dự thảo Đề án “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo.

Phiên họp toàn thể thứ hai của Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ quốc gia diễn ra hôm qua, 25/11 đã dành trọn vẹn cả một ngày để góp ý kiến cho bản dự thảo Đề án “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT”. Có thể nói, tất cả ý kiến của các thành viên Hội đồng đưa ra trong phiên họp đều rất tán thành, ủng hộ việc Việt Nam cần có một đề án mang tầm cỡ quốc gia như vậy song băn khoăn, trăn trở cũng không phải ít… Nhiều ý kiến đóng góp đã đi thẳng vào những bất cập và những vấn đề cần làm rõ hơn trong dự thảo Đề án.

 

Nhiều chỉ tiêu thiếu tính thuyết phục

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, dự thảo Đề án còn chưa nghiên cứu sâu, đánh giá hiện trạng phát triển CNTT - truyền thông quốc tế và khu vực, chưa có sự phân nhóm các quốc gia phát triển, các quốc gia mới công nghiệp hoá và các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia mạnh về CNTT nhưng có trình độ phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, có các đặc điểm văn hoá - xã hội tương đồng với Việt Nam để rút ra những bài học kinh nghiệm, so sánh những lợi thế và điểm yếu, đánh giá những tiềm năng… nhằm dự báo xu thế phát triển.

 

“Trên cơ sở những nghiên cứu phân tích này mới xác định được tính cần thiết của đề án. Bên cạnh đó cũng còn thiếu phần dự báo sự phát triển của CNTT thế giới cho các năm 2015, 2020 nên có thể một số mục tiêu dự thảo đề án đặt ra cho các thời điểm đó thiếu tính thuyết phục. Đề án cần được nghiên cứu và xây dựng một cách thận trọng hơn” - ông Quân nói.

 

Đọc toàn bộ đề án, ông Quân cho rằng có cảm giác như đó là một đề án tăng tốc để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về hạ tầng và ứng dụng CNTT chứ còn nếu mạnh về CNTT còn hai mảng quan trọng khác mà trong đề án chưa đề cập đến hoặc đề cập đến sơ lược đó là công nghiệp CNTT và nguồn nhân lực CNTT, mới chủ yếu thiên về hạ tầng và ứng dụng. 

 Ảnh minh họa

 GS, TSKH Nguyễn Xuân Quỳnh góp ý cho dự thảo Đề án. Ảnh: Thuỷ Nguyên


Còn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quỳnh cho rằng, nội dung trong dự thảo đề án quá ôm đồm, dàn trải thế nhưng khi đọc lên lại không thấy được tính đột phá đâu cả. Mục tiêu rất cao, thậm chí một ngày nào đó, vì không có tính đột phá nên mục tiêu trở thành xa vời với thực trạng CNTT và truyền thông hiện nay của chúng ta. Ví dụ như với mục tiêu đề ra, năm 2015 Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia gia công phần mềm và nội dung số hấp dẫn nhất. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có tiền đề để thể hiện mục tiêu. Theo Giáo sư Quỳnh, tiền đề đó là nhân lực. Ưu tiên số 1 là nhân lực thì không thấy gì cả.

 

“Còn như với mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ gia đình đều có máy thu hình là không rõ ràng, thậm chí mục tiêu này đặt ra có vẻ chậm. Theo tôi, đến năm 2020, phải là 100% các gia đình có máy thu hình. Đó là nhu cầu văn hoá tối thiểu chứ chưa nói gì đến việc phát triển CNTT - truyền thông. Phải chăng đó là những mục tiêu chưa sát thực và thuyết phục” - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quỳnh nói.

 

Cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành

 

Tại buổi góp ý kiến, nhiều thành viên của Hội đồng cũng quan tâm tới việc tổ chức thực hiện đề án. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Đình Cự, dự thảo đề án chỉ có vỏn vẹn một trang viết tóm tắt vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT có trách nhiệm triển khai thì không đủ.

 

“Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công nghiệp và rất nhiều cơ sở khoa học quan trọng đặc biệt là về CNTT và truyền thông sẽ không thuộc đề án này. Như vậy nên chăng gọi Đề án này là “Đề án của Bộ Thông tin và Truyền thông tăng tốc…” - Giáo sư Vũ Đình Cự nói.

 

Đồng quan điểm với Giáo sư Vũ Đình Cự, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học Vật liệu, thành viên của Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ quốc gia nói, đứng về mặt tài năng, trí tuệ của con người Việt Nam cũng như với quyết tâm của Chính phủ và chính sách mở cửa hiện nay, việc thực hiện một đề án như vậy là hết sức cần thiết.


 

 Ảnh minh họa

 Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho dự thảo Đề án. Ảnh: Thuỷ Nguyên.

 

“Tôi vẫn nghĩ rằng nó sẽ là một trong những đề án hàng đầu góp phần đưa nước chúng ta ra khỏi tình trạng còn tương đối nghèo tiến lên thành nước giàu. Việc thực hiện đề án là rất cần thiết, tuy nhiên nội dung của đề án cần phải góp ý kiến” - viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nói.

 

Theo viện sĩ, đề án này thiếu tới ba thành phần chủ chốt. CNTT không phải chỉ là các phương tiện truyền thông tin như điện thoại và truyền hình. Ngoài Công nghiệp phần mềm trong đề án đã nhấn mạnh, CNTT là công cụ để tiến hành công nghiệp hoá và hiện đại hoá toàn bộ nền sản xuất công nghiệp. Thế nhưng lại không thấy bóng dáng của Bộ Công nghiệp trong đề án này.

 

Nếu chúng ta ứng dụng CNTT hiệu quả trong việc tự động hoá tất cả các dây chuyền sản xuất trong nước, toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam sẽ phát triển một cách mạnh mẽ.

 

Điều thứ hai đó là vấn đề đào tạo nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Chỉ tiêu này đặt ra trong đề án cần có sự tham gia của các trường Đại học. Thế nhưng cũng lại không thấy bóng dáng của các trường Đại học.

 

CNTT là một lĩnh vực của tri thức, và nói tới tri thức là phải nói tới khoa học. Đề án cũng không đề cập tới vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ đâu cả.

 

Theo quan điểm của Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, dự thảo đề án đang thiếu sự tham gia của ba thành phần: Công nghiệp, Giáo dục và Khoa học Công nghệ. Nếu thêm ba thành phần này nữa, cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, đề án mới trở thành cái bàn bốn chân. Còn giờ, đề án dường như chỉ là cái ghế một chân mà thôi.

Theo Vnmedia

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0