Tại phiên họp bàn về “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT” do Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức ngày 25/11/2009, hầu hết các ý kiến tham luận đều tán thành, ủng hộ việc xây dựng Đề án.
Trước mức kinh phí dự trù cho Đề án này lên tới hơn 143.000 tỷ đồng, TS Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, hiện nay một số chương trình Quốc gia lớn trong lĩnh vực ICT vẫn đang trong giai đoạn triển khai, chưa có đánh giá tổng kết, chính vì vậy, phải nghiên cứu một cách thận trọng Đề án nhằm đưa ra những nội dung hài hoà với các chương trình khác.
Ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng: Tổng nguồn vốn của Đề án như vậy là quá lớn so với khả năng ngân sách Nhà nước. Thế nên, cần thực hiện tối đa giải pháp xã hội hoá, đưa ra cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện.
Tại phiên họp, ý kiến của các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm: Để ngành CNTT phát triển mạnh và bền vững, Đề án nên đặt ra những mục tiêu cụ thể dựa trên thế mạnh của Việt Nam về vấn đề nhân lực. Thực tế cho thấy, tất cả các nước có nền CNTT phát triển đều có nguồn nhân lực CNTT mạnh, nên chúng ta phải có nghiên cứu cụ thể để quyết định giá trị gói hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân dẫn ra số tiền khoảng 143.998 tỷ đồng (tương đương với 8 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành), song tỷ trọng giữa các khoản kinh phí phân bổ cho các nội dung lại chưa cân đối. Ví dụ, mảng nội dung “Phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng” được dự kiến kinh phí 131.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 91% kinh phí dự trù). Ông Quân cho rằng, Đề án cần cân nhắc xem xét lại định hướng. Trong khi đó, vấn đề đào tạo nhân lực và công nghiệp phần mềm (trụ cột được xác định là quan trọng tương đương) lại được đầu tư quá ít. Chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT với tổng kinh phí 210 tỷ đồng cũng chỉ chiếm khoảng 0,14% tổng kinh phí.
Tại phiên họp, các ý kiến cho rằng, để xây dựng nội dung Đề án, vấn đề liên kết, làm rõ vai trò phối hợp với các Bộ, ngành khác là điều rất cần thiết. GS, VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học vật liệu khẳng định, việc thực hiện đề án là cần thiết để đưa nước ta ra khỏi tình trạng còn tương đối nghèo tiến lên một nước giàu. Nếu Việt Nam ứng dụng CNTT hiệu quả trong tự động hoá các dây chuyền sản xuất trong nước, nền kinh tế sẽ phát triển mạnh. Chính vì vậy, Đề án nên có sự tham gia của Bộ Công nghiệp, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN. Đồng thời, để đào tạo nhân lực trình độ cao cần có sự tham gia của các trường đại học.
Theo Ictnews