Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó cục trưởng Cục TMĐT&CNTT, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết, mạng KDĐT được xây dựng theo mô hình mạng dịch vụ giá trị gia tăng (VAN) giúp các DN truyền, nhận các chứng từ kinh doanh đã được chuẩn hóa theo các công nghệ tiên tiến về trao đổi dữ liệu điện tử (EDI/XML, ebXML).
Với dự án này, mục tiêu chính của Bộ Công thương là tạo ra hạ tầng hỗ trợ các DN giảm chi phí; các DN có thể dựa vào hạ tầng này để phát triển tiếp các loại hình kinh doanh dịch vụ giữa các DN lớn với nhau (B2B). Lợi ích mang lại cho các DN tham gia mạng KDĐT là một hạ tầng công nghệ vững chắc, đảm bảo sự liên kết giữa các thành viên, đối tác và ước tính sẽ giảm các chi phí khoảng 20 lần khi chuyển từ văn bản, chứng từ giấy sang văn bản điện tử.
Dự án mạng KDĐT có tổng mức đầu tư hơn 42,6 tỷ đồng, được thực hiện trong 4 năm (2009 - 2012) với 11 hoạt động chính gồm: khảo sát thực tế; xây dựng và chuẩn hoá các quy trình, chứng từ kinh doanh; thiết lập môi trường pháp lý phù hợp; xây dựng hạ tầng cho Trung tâm trao đổi dữ liệu điện tử; xây dựng bộ phần mềm TMĐT trọng điểm phục vụ hệ thống truyền, xử lý thông điệp điện tử dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế; lưu trữ thông tin kinh doanh, tài liệu về DN tham gia; xây dựng hệ thống bảo mật và chứng thực điện tử (CA); xây dựng các dịch vụ phần mềm tiện ích; triển khai tại một số DN quy mô lớn; duy trì vận hành hệ thống mạng KDĐT; đào tạo nhân lực vận hành dự án và chuyển giao công nghệ cho các DN tham gia.
Được biết, đến thời điểm này, đã có 8 DN quy mô lớn ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục TMĐT&CNTT về việc tham gia mạng KDĐT, đó là: Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty CP Sữa Việt Nam, Tổng Công ty CP bia rượu nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty TM Hà Nội, Công ty CP Sơn Tổng hợp Hà Nội, Tổng Công ty CP văn phòng phẩm Hồng Hà, Tổng công ty CP Điện tử tin học Việt Nam, Công ty PV Tech (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Theo Ictnews