Thứ ba, 23/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 25/11/2009
Chính phủ điện tử nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Minh Hồng trong buổi đối thoại trực tuyến về  "Xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam" hôm 22/11.

Vấn đề Chính phủ điện tử đã được đề cập tại diễn đàn Quốc hội hôm 19/11, khi có đại biểu chất vấn Thủ tướng Chính phủ vì sao chưa chỉ đạo và đầu tư thích đáng để các Bộ, ngành, UBND các cấp sớm ứng dụng CNTT nhằm quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi phí và thực hiện cải cách thủ tục hành chính được hiệu quả hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ điện tử là một chương trình lớn và rất mới. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo  Bộ TTTT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các hoạt động cụ thể.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đang có một số khó khăn nhất định.

Để làm rõ thêm những vấn đề trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử ở nước ta, Bộ TTTT đã tổ chức buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề "Xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam".

Trước nhiều cách hiểu khác nhau về Chính phủ điện tử hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng diễn giải: Chính phủ điện tử "không phải là một thực thể mà là một công cụ, một phương thức làm việc mới" để hoạt động của các cơ quan Nhà nước đạt hiệu quả cao hơn, minh bạch hơn, nhanh chóng hơn nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng (phải) tại buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: mic.gov.vn

Sẽ có Nghị định quy định trách nhiệm cung cấp thông tin

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đồng tình trước thực trạng được một bạn đọc phản ánh: Hiện nay, có nhiều cơ quan lập website rồi lại "bỏ bẵng không chăm sóc".

Theo Thứ trưởng, nguyên nhân chính của tình trạng này là nhiều cơ quan chưa quan tâm đúng mức, chưa thấy rõ việc cập nhật thông tin lên website của cơ quan mình là thật sự cần thiết và quan trọng. Ngoài ra còn có những khó khăn về nhân lực, tài chính chứ không phải là sự "né tránh" cung cấp thông tin.

Để chấm dứt tình trạng “đem con bỏ chợ” này, tháng 7 vừa qua, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư  yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ phải cung cấp những văn bản pháp luật liên quan đến cơ quan mình, cung cấp dịch vụ hành chính thuộc phạm vi chức năng của cơ quan mình để người dân có thể nắm được.

Bộ TTTT cũng tổ chức đánh giá xếp hạng các trang tin điện tử của các cơ quan, các địa phương trong cả nước mỗi năm 2 lần để các đơn vị bổ sung thông tin còn thiếu.  Bộ đang soạn thảo Nghị định quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin tới người dân đối với các cơ quan Nhà nước.

Thứ trưởng cũng bày tỏ hi vọng “rằng người dân và bạn đọc cũng có ý kiến đóng góp, xây dựng kể cả những ý kiến về việc đưa tin sai, tin cũ …để Bộ TTTT có thể kịp thời đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương”.

Càng gần dân, càng phải triển khai sớm

"Việc sử dụng CNTT  ở nước ta vẫn là một thách thức" - Ảnh: mic.gov.vn

“Việc sử dụng Chính phủ điện tử xuất phát từ nhu cầu tự thân của các đơn vị, đặc biệt, cơ quan nhà nước ở các cấp độ có giao tiếp với người dân sẽ phải thực hiện Chính phủ điện tử sớm hơn”.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng trước câu hỏi những cơ quan, ban, ngành nào được coi là “buộc” phải ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho dự án Chính phủ điện tử.

Thứ trưởng lý giải: Cơ quan nhà nước ở đây không chỉ bao gồm các cơ quan thuộc khối hành pháp (các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp) mà còn bao gồm cả các cơ quan thuộc khối lập pháp (Quốc hội), tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát) hay các cơ quan Đảng”.

“Tất cả các cấp đều phải triển khai Chính phủ điện tử, đặc biệt cấp nào gần dân nhiều nhất thì càng phải triển khai sớm”, Thứ trưởng cho biết.

Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2015, 70% giao dịch thông tin, giấy tờ giữa các cơ quan Chính phủ sẽ được thực hiện bằng thông tin điện tử. Tất cả các cơ quan, Bộ, ngành đều phải có cổng/trang thông tin điện tử ở cấp độ 2/4 (tức là cung cấp đầy đủ thông tin, biểu mẫu giấy tờ tới người dân).

Sử dụng CNTT vẫn là một thách thức

Thứ trưởng cũng đồng tình với nhận định của bạn Bùi Việt Nga ở Bắc Giang, rằng “trình độ CNTT của người dân nước ta còn yếu kém. Việc một cán bộ hành chính cấp huyện không biết cách lập một địa chỉ email cho riêng mình hoặc không biết khai thác công cụ tiện lợi này còn rất phổ biến”. Thứ trưởng đánh giá, ở Việt Nam, việc sử dụng CNTT  ở mức độ toàn dân vẫn là một thách thức.

Làm rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng cho hay, các tổ chức quốc tế đưa ra khái niệm độ sẵn sàng điện tử (e-readiness) để so sánh tương quan các nước với nhau về tính sẵn sàng để triển khai ứng dụng CNTT.

“Vấn đề không kém phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử là cần có công chức điện tử, công dân điện tử. Tất cả quá trình này diễn ra song song và cùng thúc đẩy nền thông tin điện tử phát triển”, ông  Nguyễn Minh Hồng nói.

Cho rằng Nhà nước phải có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cũng như khả năng sử dụng CNTT cho cán bộ và người dân, song Thứ trưởng cũng khẳng định, xây dựng Chính phủ điện tử là một quá trình liên tục và lâu dài bởi chừng nào còn xã hội thì nền hành chính còn cần tiến hóa và hoàn thiện.

Ngay những nước tiên tiến như Singapore và Hàn Quốc sau 30 năm triển khai Chính phủ điện tử nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa đạt được như ý muốn.

Theo ông Nguyễn Minh Hồng: "Chính phủ điện tử, hiểu theo cách đơn giản, là Chính phủ ứng dụng CNTT và truyền thông để nâng nâng cao năng lực quản lý, điều hành, cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính công trực tuyến nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ điện tử bao gồm 3 yếu tố chính:

Một là, thông tin và dịch vụ Chính phủ cung cấp hoặc giao tiếp với công dân/tổ chức/doanh nghiệp (G2B – Government to Business và G2C – Government to Citizen) trên trang hoặc Cổng TTĐT.

Hai là, các hoạt động điều hành tác nghiệp, trao đổi thông tin trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan với nhau: giữa các cơ quan nhà nước ngang cấp, giữa các cơ quan nhà nước theo ngành dọc hay giữa chính quyền Trung ương và địa phương (G2G – Government to Government).

Ba là, tạo thêm các kênh thông tin mới giúp cho người dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình (thông qua các diễn đàn trao đổi, đóng góp ý kiến, đề xuất cơ chế chính sách, chuyên mục hỏi đáp,…).

Theo Website Chinhphu.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0