Tại hội thảo “Moblin – cơ hội cho công ty phần mềm Việt Nam” do Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) và hãng Intel tổ chức chiều nay (24/11) tại Hà Nội, Công ty phần mềm Vietsoftware đã giới thiệu hệ điều hành Asianux Lite 2.1 dựa trên nền tảng Moblin của Intel dành riêng cho netbook, nettop (máy tính để bàn nhỏ dùng chip Atom) và có thể mở rộng sang các thiết bị Internet di động (MID).
Ông Tạ Quang Thái, Giám đốc Asianux Việt Nam (trực thuộc Vietsoftware) cho biết Asianux Lite 2.1 có giao diện tiếng Việt và tiếng Anh, được tích hợp bộ gõ tiếng Việt và một số ứng dụng nguồn mở được Bộ TT&TT khuyến cáo sử dụng trong cơ quan nhà nước như phần mềm văn phòng OpenOffice, trình duyệt thư điện tử Thunderbird và trình duyệt Firefox.
Ngoài ra, hệ điều hành này còn được tích hợp các tiện ích giải nén RAR, chat, VoIP, ghi âm, xem ảnh, đọc file PDF và sách điện tử ebook. Đặc biệt, Asianux Lite 2.1 còn được kết nối trực tiếp đến kho ứng dụng trên nền tảng Moblin do Intel và cộng đồng phát triển.
Hệ điều hành này gồm 4 gói sản phẩm dành cho các đối tượng khác nhau, gồm gói cộng đồng (Public), văn phòng (Office), giáo dục (Education) và người có nhu cầu giải trí cao (Media Movie Centre). Asianux Lite 2.1 đòi hỏi máy tính có cấu hình tương đối thấp, gồm bộ vi xử lý Atom 1.6 GHz, bộ nhớ RAM 512 MB và khoảng trống ổ cứng tối thiểu 2GB.
Theo ông Thái, trong các thử nghiệm thực tế do Vietsoftware tiến hành, các netbook chạy trên hệ điều hành này có thể khởi động trong vòng 6 giây với điều kiện ít ứng dụng chạy lúc khởi động. “Trong điều kiện của người dùng thông thường, chúng tôi cam kết các netbook và nettop cài Asianux Lite 2.1 có thể khởi động trong vòng 6-20 giây”, ông Thái nói.
Ông Thái cho biết đối tượng Asianux Lite 2.1 nhắm đến là các nhà sản xuất máy tính, các nhà phân phối máy tính hoặc tham gia vào các chương trình máy tính cộng đồng.
Asianux là Liên minh phần mềm nguồn mở châu Á được thành lập bởi 5 công ty phần mềm, gồm Hồng Kỳ (Trung Quốc), Miracle Linux (Nhật), Haansoft (Hàn Quốc), WTEC (Thái Lan) và Vietsoftware (Việt Nam).
Theo Ictnews