Bước sang tuổi thứ Năm, Nhân tài Đất Việt đã gặt hái được rất nhiều thành công. Trước hết, đó là bước tiến lớn về uy tín khi Cuộc thi Nhân tài Đất Việt được chính thức đổi tên thành Giải thưởng Nhân tài Đất Việt cho xứng tầm với chất lượng nội dung. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên, Giải thưởng được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học tự nhiên nhằm tìm kiếm và tôn vinh những nhà khoa học xuất sắc có những công trình nghiên cứu đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Giao lưu phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2009 ở Đà Nẵng.
Ngay từ khi phát động, Giải thưởng không chỉ nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà còn thực sự thổi bùng được ngọn lửa đam mê sáng tạo trên cả 3 miền của Tổ quốc. Nhìn lại 3 cuộc giao lưu ở 3 miền đất nước, chúng ta có thể cảm nhận được khí thế hăng say, đam mê học hỏi, mong muốn cống hiến sức mình cho Tổ quốc của thế hệ trẻ Việt Nam.
Tối 7/5, hàng ngàn sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tập trung về trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, tham dự buổi giao lưu với Ban tổ chức Giải thưởng cùng các nhà tài trợ. Rất nhiều các câu hỏi của các bạn sinh viên được đặt ra thể hiện sự quan tâm tới Giải thưởng.
Trong buổi giao lưu, ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định TP sẽ làm hết sức mình để tạo điều kiện cho các sinh viên, các nhà nghiên cứu khoa học ở TP. Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung có điều kiện tốt nhất để tham gia và đạt giải cao của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt tương đương với hai trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội lớn trên cả nước là Hà Nội và TPHCM.
Giới trẻ TP. HCM hào hứng với Nhân tài Đất Việt.
Đúng 1 tuần sau, ngày 14/5, Giải thưởng lại một lần nữa được hâm nóng với cuộc giao lưu với các sinh viên ở TPHCM tại trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Cuộc đời làm khoa học của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là chủ đề chính của buổi giao lưu này.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã nhận được hàng chục câu hỏi xoay quanh những kinh nghiệm để học hỏi tri thức của ông từ những người thầy. GS đã rất thẳng thắn rằng, muốn học được từ thầy thì trước hết phải có thầy. Ông thấy mình vô cùng may mắn vì lúc nào cũng có những người thầy, người cô bên cạnh từ lúc ông tốt nghiệp phổ thông kể cả khi làm luận án Tiến sĩ, Giáo sư. GS Hiệu mong muốn: “Ngành giáo dục làm sao để tìm được nhiều thầy cô tuyệt vời như thời chúng tôi trước, những người thầy đã buộc tôi tự suy nghĩ và trả lời. Sự nghiêm khắc đó đã giúp tôi rất nhiều”.
Không khí nóng bỏng trong buổi giao lưu ở Hà Nội.
Đến Hà Nội, không khí của Giải thưởng được hâm nóng thực sự với hào hứng, nhiệt tình của các sinh viên thủ đô. Dưới đêm mưa Hà Nội, sân Học viện Bưu chính Viễn thông thực sự nóng bỏng, hừng hực khí thế của lớp trẻ. Hàng ngàn sinh viên của 8 trường ĐH, CĐ trên địa bàn thủ đô đã khiến sân trường vốn rộng rãi trở nên chật kín.
Những câu hỏi ngắn gọn nhưng “trúng đích” được các bạn sinh viên đặt ra cho cả BTC và các nhà tài trợ. Câu hỏi được quan tâm nhất vẫn là: Vì sao Giải thưởng chỉ dừng lại ở lĩnh vực CNTT? Đây không chỉ là băn khoăn của các bạn sinh viên mà còn là nỗi trăn trở của những người tổ chức, là tâm nguyện của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu. Và năm nay, tâm nguyện ấy đã được hoàn thành khi giải thưởng được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học tự nhiên.
Buổi tập dượt cuối cùng - tất cả đã sẵn sàng cho đêm trao giải.
Bên cạnh các buổi giao lưu ở ba trung tâm kinh tế và khoa học hàng đầu trên, các vị lãnh đạo cao nhất của thành phố đều có buổi làm việc với những nhà tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền các thành phố trên với việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài đồng thời cũng khẳng định thành tựu của Nhân tài Đất Việt qua 4 năm phát động.
Nhân tài Đất Việt đã đi gần hết chặng đường 2009. Những giây phút được chờ mong nhất của Giải thưởng đang đến gần, tất cả đang hồi hộp chờ đợi. Ai là người bước lên bục vinh quang vẫn còn là một điều bí mật.
Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2009 tổ chức tại Cung văn hoá hữu nghị Việt Xô, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài truyền hình Việt Nam và tường thuật trực tuyến trên Báo điện tử Dân trí.
Theo Dân trí