May nhờ, rủi chịu
Theo thống kê của Cục Thương mại Điện tử và CNTT (Bộ Công Thương), hiện nay có trên 300 website B2C (doanh nghiệp-khách hàng), gần 100 website C2C (khách hàng-khách hàng) và gần 40 website B2B (doanh nghiệp-doanh nghiệp) đang hoạt động. Và trong sự phát triển nhộn nhịp này, nhiều trường hợp lừa đảo đã xuất hiện.
Ông Trần Lê Nhật Quốc Giám đốc Công ty TMĐT Quốc Tế Mới |
Gần đây, chiêu lừa đảo của hai chị em dùng chung nick Giunlun trên website www.muare.vn đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Có không ít thành viên thường xuyên tham gia giao dịch nên đã không ngại đặt hàng, chuyển tiền trước. Trong số đó, nick name Vanilaheart đặt mua 2 chiếc túi Marc Jacobs với giá gần 30 triệu đồng (1.640 USD). Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền và nhận hàng, người mua mới biết đây là hàng nhái. Trước đó, khi giao dịch trên một trang web có tiếng, một nữ bác sĩ ở TP.HCM cũng mua nhầm máy siêu âm 3D “dỏm” với giá gần 135 triệu đồng (7.500 USD), trong khi giá chiếc máy này bên ngoài rẻ hơn rất nhiều...
Theo nhận định từ kết quả khảo sát do công ty PeaceSoft, đơn vị chủ quản website www.chodientu.vn, năm 2009 sẽ là năm bùng nổ TMĐT với tốc độ tăng trưởng gấp 10 lần so với năm 2008, đạt khoảng 400 tỷ đồng giá trị giao dịch phát sinh. Năm 2008, tổng giá trị giao dịch TMĐT đạt 150 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2007. Số người mua bán qua mạng thường xuyên trong năm 2009 cũng được dự báo tăng gấp đôi, gấp ba so với năm 2008. Cùng với sự phát triển của loại hình giao dịch TMĐT, các hành vi gian lận trong môi trường này đang ngày càng gia tăng. Giao dịch mua bán chủ yếu dựa vào… lòng tin nên mức độ an toàn trong giao dịch điện tử khá thấp.
Không chỉ người dùng cuối liên tục bị lừa, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng mắc bẫy khi giao thương trên Internet. Sự cố xảy ra mới đây với 2 công ty tham gia giao dịch, theo thông tin trên cổng thông tin Thương mai Điện tử Quốc gia (http://www.ecvn.com/viewDetailNews/newsId/lang/4196/1) là một lời cảnh báo. Vào quý I/2009, Công ty Cổ phần Đầu tư châu Á (Hà Nội) tìm qua mạng một đối tác ở Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm mà DN này kinh doanh. Sau khi thương thảo, ký hợp đồng, 2 bên tiến hành đầy đủ các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, sau khi giao hàng thì DN Trung Quốc không trả tiền mà còn khẳng định các sản phẩm họ nhận được không đúng yêu cầu. Tương tự, Công ty Xuất nhập khẩu Đồ hộp Á Châu (Tiền Giang) sau khi hợp đồng nhập khẩu sản phẩm bột cà chua với một công ty tại Hồng Kông đã chuyển tiền, thanh toán đúng quy định. Thế nhưng phía đối tác im bặt!
“Bảo chứng” quyền lợi khách hàng
Chính mức độ rủi ro cao nên hiện nay, dù đã có cái nhìn khá cởi mở với TMĐT nhưng việc mua/bán trên mạng vẫn được xem là… mạo hiểm với người tiêu dùng. Chị Thu Anh, Trưởng phòng Marketing của 1 công ty tài chính, thành viên của website www.webtretho.com cho biết: “Do bận rộn nên lâu nay, tôi vẫn quen mua sắm online. Tranh thủ chút thời gian nghỉ trưa nơi công sở, tôi thường truy cập các trang bán hàng qua mạng, tìm kiếm món hàng cần thiết với giá rẻ. Tuy nhiên, bí quyết mua hàng qua mạng của tôi là kiểm tra kỹ khi nhận hàng rồi mới giao tiền hoặc giao tiền cọc rất ít. Và nếu các trang bán hàng qua mạng chịu đứng ra bảo chứng cho sản phẩm mình rao, bán thì người tiêu dùng sẽ an tâm hơn!”.
Ông Trần Lê Nhật Quốc, Giám đốc Công ty TMĐT Quốc Tế Mới (chủ quản website www.giaremoingay.com) cho biết: TMĐT cần những cơ sở hạ tầng cơ bản như hệ thống thanh toán điện tử, kết nối Internet, hệ thống vận chuyển hàng hóa… Nhưng quan trọng hơn thế là môi trường mua bán tin tưởng lẫn nhau giữa những người tham gia. Chính vì vậy, để tạo niềm tin với khách hàng, Công ty Quốc Tế Mới đã tự kinh doanh và chọn lọc các nguồn hàng chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng. Công ty cũng cam kết hoàn tiền 100% nếu sản phẩm không đúng chất lượng hoặc không phải là hàng chính hãng. Việc tự kinh doanh TMĐT và tự bảo chứng chính là là một cách để DN tạo niềm tin TMĐT cho khách hàng tại VIệt Nam.
Theo Pcworld