Ngày 10/11 vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì đã thực hiện thanh tra việc sử dụng phần mềm máy tính tại 3 công ty kinh doanh máy tính trên địa bàn Hà Nội, đó là Công ty cổ phần đầu tư công nghệ và thương mại Thủ đô, Công ty dịch vụ tin học Ngọc Hà và Công ty phát triển công nghệ Minh Quang.
Đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều máy tính cài đặt các phần mềm bất hợp pháp được sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Các phần mềm vi phạm được tìm thấy trên các máy tính ở cả 3 công ty chủ yếu là các phần mềm phổ biến, gồm bộ gõ Vietkey, từ điển Lạc Việt, Microsoft Windows XP, Microsoft Office và phần mềm diệt virus của Symantec.
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết lãnh đạo của cả ba công ty này đã thừa nhận có sử dụng phần mềm máy tính mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu.
Trước đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã gửi khuyến cáo nhắc nhở về việc tôn trọng bản quyền phần mềm máy tính tới các doanh nghiệp kinh doanh máy tính trên địa bàn Hà Nội, trong đó có 3 công ty máy tính trên, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, hiện nay nhiều doanh nghiệp bán máy tính lớn ở Hà Nội như Trần Anh, Nguyễn Kim đã thực hiện nghiêm túc quy định về bản quyền phần mềm. Nhưng ông cũng thừa nhận vẫn còn rất nhiều đơn vị lắp ráp, sản xuất và cung cấp vẫn đang tiếp tục tiếp tay cho vi phạm bản quyền phần mềm.
“Các doanh nghiệp bán máy tính không còn cài sẵn phần mềm không có bản quyền để bán cho khách hàng như những năm trước đây song lại có những hành vi hỗ trợ khách hàng cài đặt các phần mềm không có bản quyền vào máy tính”, ông Thành nói.
Chủ yếu là thanh tra theo “chỉ điểm”
Các cơ quan thanh tra có nhiệm vụ chính: thanh tra hành chính theo kế hoạch hàng năm (báo trước cho doanh nghiệp vài ba ngày trước khi thanh tra) và thanh tra theo yêu cầu của chủ sở hữu phần mềm bị ăn cắp.
Trao đổi với ICTnews, ông Thành cho biết các cuộc thanh tra bản quyền phần mềm từ trước đến nay chủ yếu là thực hiện theo yêu cầu của doanh nghiệp bị hại, có doanh nghiệp gửi yêu cầu trực tiếp đến cơ quan thanh tra và cũng có doanh nghiệp ủy quyền qua công ty luật. Ví dụ gần đây, việc thanh tra trung tâm chơi game Cyzone ở Hà Nội vào cuối tháng 10 vừa qua là thực hiện theo yêu cầu của Microsoft.
Ngoài việc thực hiện theo yêu cầu của doanh nghiệp, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm nay mới chỉ tổ chức các chiến dịch tuyên truyền và gửi thư nhắc nhở tới các doanh nghiệp tôn trọng bản quyền phần mềm, ông Thành nói.
Mặc dù nghị định xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ (Nghị định 47) với mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng đã có hiệu lực từ vài tháng nay, nhưng theo ông Thành, các cuộc thanh tra bản quyền phần mềm đến nay chủ yếu là để nhắc nhở, tuyên truyền pháp luật và yêu cầu doanh nghiệp liên hệ chủ sở hữu mua bản quyền, cũng có vài đơn vị bị xử phạt nhưng rất hãn hữu.
“Mặc dù có đơn thư tố cáo của doanh nghiệp, nhưng chủ trương của cơ quan quản lý hiện nay là nhắc nhở vì đều là vi phạm lần đầu. Nếu vi phạm lần hai và lần 3 mới áp dụng chế tài xử phạt”, ông Thành nói. Vì vậy, đến nay, chưa có doanh nghiệp nào bị phát hiện vi phạm bản quyền phần mềm bị xử phạt theo Nghị định 47.
Ông Thành nói hiện nay, Việt Nam thực hiện tương đối tốt việc tôn trọng bản quyền phần mềm. Tất cả các doanh nghiệp lớn 100% vốn nước ngoài, liên doanh và công ty lớn trong nước đã cơ bản nhận thức được và mua bản quyền. Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam năm ngoái là 84%. Khối chính phủ còn khó khăn. Nếu gói phần mềm Chính phủ mua của Microsoft dành cho các cơ quan nhà triển khai hoàn tất thì tỷ lệ này sắp tới sẽ còn giảm nữa.
Theo Ictnews