|
Quản lý tốt các dự án sẽ có những sản phẩm CNTT chất lượng
|
Nghị định 102/2009/NĐ-CP quy định nội dung trên vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2010.
Theo đó, các dự án nhóm A,B,C đã có trong kế hoạch UDCNTT được duyệt hoặc đã có quyết định chủ trương đầu tư sẽ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Đối với doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thì Hội đồng quản trị Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế có thể ủy quyền cho Giám đốc các đơn vị thành viên quyết định đầu tư các UDCNTT nhóm C. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã được quyết định đầu tư các dự án trong phạm vi ngân sách của địa phương mình có mức vốn đầu tư đến 5 tỷ đồng (cấp huyện) và 3 tỷ đồng (cấp xã).
Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án UDCNTT quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư.
Thực hiện dự án UDCNTT phải trải qua quy trình chặt chẽ
Một dự án UDCNTT nhất thiết phải trải qua giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư đưa sản phẩm của dự án vào khai thác sử dụng. Trong giai đoạn cuối của thực hiện dự án, khi bàn giao sản phẩm thì quy định bảo hành sản phẩm là cần thiết. Các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A có thời hạn bảo hành sản phẩm 24 tháng với mức tiền bảo hành tối thiểu được tính bằng tỷ lệ % giá trị sản phẩm của dự án, cụ thể với nhóm dự án này thì mức tiền bảo hành là 3%; tương tự bảo hành 12 tháng đối với sản phẩm của dự án nhóm B,C với mức tiền bảo hành là 5%.
Trường hợp dự án UDCNTT không được tiếp tục thực hiện do nguyên nhân bất khả kháng hoặc theo quyết định của người có thẩm quyền quyết định đầu tư thì chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu phần công việc đã thực hiện với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tư vấn, thiết kế, chỉ huy thi công tại hiện trường và cơ quan quản lý theo phân cấp ủy quyền.
Yêu cầu cao đối với năng lực tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư UDCNTT
Cá nhân tham gia đầu tư UDCNTT phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận và phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đầu tư UDCNTT theo quy định hiện hành. Cụ thể, năng lực của Chủ trì thiết kế sơ bộ phải có trình độ đại học chuyên ngành CNTT và có thời gian liên tục làm công tác lập dự án UDCNTT tối thiểu 5 năm...
Đối với tổ chức tư vấn lập dự án, ở cấp độ 1 phải có ít nhất 10 người có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, kinh tế... trong đó có người đủ điều kiện làm Chủ trì thiết kế sơ bộ Cấp độ 1. Ở mức này được phép lập dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A,B,C.
Nếu tổ chức ở cấp độ 2 phải có ít nhất 7 người có trình độ như trên và có người đủ điều kiện làm Chủ trì thiết kế sơ bộ Cấp độ 2. Ở cấp độ này được lập dự án nhóm C.
Cá nhân đảm nhận chức danh giám đốc tư vấn quản lý dự án, chỉ huy thi công tại hiện trường không được đồng thời đảm nhận quá một công việc theo chức danh trong cùng một thời gian. Cần lưu ý là các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tư vấn thiết kế thi công không được ký hợp đồng tư vấn giám sát với Chủ đầu tư để giám sát việc thực hiện thiết kế thi công do mình lập.
Những điều kiện nói trên được áp dụng từ 1/1/2010. Như vậy tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động đầu tư UDCNTT hiện nay được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 31/12/2009, sau thời gian này phải đáp ứng đủ những điều kiện quy định trên mới được tham gia hoạt động đầu tư.
Theo www.chinhphu.vn