Thứ hai, 29/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 11/11/2009
"Cháy" kho đầu số điện thoại di động: Của chung không ai xót

Đầu số di động "cho không biếu không".

Ba mạng di động GSM hàng đầu VN là MobiFone, Viettel và VinaPhone đang làm thủ tục xin Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đầu số mới. VinaPhone xin đầu số 0129, MobiFone xin đầu số 0120 và Viettel xin đầu số 0164. Hiện, chưa tính ba đầu số mới đang xin, bảy mạng di động tại VN đã và đang "nướng" hết 20 đầu số di động.

Hiệu suất sử dụng đầu số: Quá thấp!

Trong 20 đầu số di động hiện đã cấp cho các DN di động, Viettel đứng đầu với việc khai thác bảy đầu số; tiếp đến là MobiFone, đang khai thác sáu đầu số; VinaPhone khai thác năm đầu số. Các mạng còn lại gồm S-Fone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline của Gtel mỗi mạng đang khai thác một  đầu số. Trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Hồng Sơn-GĐ điều hành S-Telecom - cho biết, sẽ làm thủ tục xin cấp đầu số mới.

Thị trường thông tin di động VN đang... "nướng" tài nguyên đầu số nhiều đến thế, nhưng hiệu quả khai thác và sử dụng chưa cao. Đến thời điểm này, theo Bộ TTTT, tổng số thuê bao (TB) di động tại VN đạt khoảng 100 triệu, nhưng trong đó hơn phân nửa là TB ảo, chỉ có chưa đầy 50 triệu TB "thực". Tính ra, bình quân mỗi đầu số hiện đang khai thác được chưa tới 2,5 triệu TB.

Trong khi đó, theo phó GĐ một trung tâm di động của một trong ba "đại gia" GSM, với những đầu số mười chữ số (như từ 090-098), mức khai thác tối đa có thể là mười triệu TB. Như vậy, hiệu suất khai thác và sử dụng đầu số ở VN mới chỉ đạt khoảng 25%, phần còn lại đang bị lãng phí.

Vì đâu nên nỗi?

Trong những ngày đầu của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, thảo luận về Dự án Luật Thuế tài nguyên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Việt Dũng (GĐ Bưu điện TPHCM) cho rằng, việc xin đầu số "không tốn nhiều chi phí nên các DN thi nhau xin cấp đầu số để phát triển TB". Nguồn tài nguyên đầu số hiện hầu như được "cho không biếu không".
 
Thông tin từ một mạng di động cho biết, khoản phí mà nhà mạng phải đóng cho cơ quan nhà nước hiện ở mức 1.000 đồng/số TB được cấp (dù đã đưa vào khai thác, sử dụng hay chưa)/năm. Tính ra, mỗi tháng khoản phí này chưa tới 84 đồng, quá bèo để có thể có thể giáo dục nhận thức xã hội về nguồn tài nguyên đầu số.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Ngọc Diệp - chuyên gia viễn thông, nguyên Tổng GĐ của Tập đoàn Qualcomm khu vực Đông Dương: Hiện nhiều nước trên thế giới đã đưa kho đầu số, tần số vô tuyến điện... vào diện quản lý tài nguyên. Việc cấp đầu số không chỉ thông qua đấu giá, mà DN còn phải trả phí khai thác, sử dụng đầu số theo tháng. Những nước thu mức phí cao có thể lên đến 10cent/tháng, các nước thu mức thấp từ 1-2cent/tháng.

Các đợt khuyến mãi ồ ạt góp phần "nướng" nhanh kho tài nguyên đầu số.

Bàn về Dự án Luật Thuế tài nguyên, nhưng các ĐB Quốc hội lại đề cập nhiều đến tình trạng TB ảo với sự bức xúc, và xem việc "cho không biếu không" đầu số di động như hiện nay chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc lạm phát TB ảo.

Dù chưa hoàn toàn nhất quán là nên quản lý nguồn tài nguyên đầu số bằng luật nào (Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện hay Luật Thuế tài nguyên?), nhưng các ĐB đã nhất trí cao là phải đưa tài nguyên đầu số vào quản lý để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, đồng thời mang lại nguồn thu quan trọng cho ngân sách quốc gia thông qua việc thu thuế tài nguyên và phí sử dụng tài nguyên đầu số.

Chưa cạn kiệt, chưa biết xót...

Việc khai thác bừa bãi cát đá v.v... gây hư hại môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên thường dễ được nhận thức rõ ràng hơn, vì đó là nguồn tài nguyên vật chất. Tuy nhiên, đối với nguồn tài nguyên phi vật chất như đầu số viễn thông, tần số vô tuyến điện..., thì từ cơ quan quản lý đến DN khai thác và NTD còn ít thấy "của đau con xót"; trong khi đang có đến hơn 50 triệu TB ảo trong kho số đã phát hành, hiện hầu như không có quy định ràng buộc trách nhiệm DN phải sàng lọc lại để tái sử dụng.

Trước đây, NTD được đăng ký sử dụng bao nhiều TB tuỳ thích (hiện đã hạn chế được dùng không quá ba TB trả trước mỗi mạng), để rồi hết tài khoản khuyến mãi 100%, 150%... là vứt sim, vứt số; bởi họ chưa phải chịu khoản thuế hay phí nào đối với việc sử dụng nguồn tài nguyên này, và cũng chưa có chế tài nào đối với việc sử dụng lãng phí.

Hướng sử dụng biện pháp kinh tế để tăng cường quản lý nguồn tài nguyên đầu số xem ra còn lâu mới thành hiện thực vì ngay kỳ họp Quốc hội này, vấn đề đó cũng mới chỉ được các ĐB nêu ra bàn thảo. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn phải đặt ra là, với việc "nướng" kho tài nguyên số lãng phí như hiện nay, thì trách nhiệm xã hội của DN ở đâu?

 

Trong 20 đầu số đã cấp cho các DN, MobiFone khai thác các đầu số 090, 093, 0121, 0122, 0126, 0128; Viettel đang khai thác 098, 097, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169; VinaPhone đang khai thác đầu 091, 094, 0123, 0125, 0127; S-Fone với 095; EVN Telecom với 096; Vietnamobile 092; Beeline với đầu số 0199.

Theo Lao động

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0